01/07/2018 15:34 GMT+7

Lãnh đạo TP.HCM nghẹn ngào xin lỗi công nhân thoát nước

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Chia sẻ của những công nhân thoát nước tại chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Ngập nước tại TP.HCM nguyên nhân và giải pháp” do HĐND TP và HTV tổ chức ngày 1-7 khiến người nghe rùng mình.

Công nhân nghẹn ngào nói về chuyện xả rác ở dưới cống - Video: VÕ HUỲNH TẤN TÀI

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng thay vì trách cứ nhau việc ngập nước thì mỗi người cần nhìn lại bản thân mình đã làm gì, sẽ làm gì để góp phần giảm ngập.

Theo ông Tuyến, mỗi thay đổi nhỏ trong việc không xả rác bừa bãi cũng sẽ góp phần giảm ngập…

Đau nhói tim vì kim tiêm dưới cống

Dù không phải là thực trạng mới nhưng chia sẻ đầy cảm xúc của công nhân thoát nước Ngô Chí Hùng về tình trạng xem "cống thoát nước là nơi chứa rác" khiến những người có mặt tại trường quay và những người xem truyền hình không khỏi giật mình.

Nhiều năm làm công nhân thoát nước, anh Hùng cho biết không ít lần bị bỏng rộp da bởi những hóa chất của những tòa nhà xây dựng tuồn thẳng xuống cống. Nhưng đó chưa phải là những gì tồi tệ nhất mà công nhân thoát nước phải chịu đựng.

"Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu… Nhưng vì công việc tui tôi cắn răng mà chịu, mong sao bà con mình để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống nữa", anh Hùng rưng rưng.

Lãnh đạo TP.HCM nghẹn ngào xin lỗi công nhân thoát nước - Ảnh 2.

Nhiều năm nay, người dân vẫn chưa bỏ được thói quen xem cống thoát nước là nơi chứa rác. Trong ảnh: công nhân vớt rác trong cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: LÊ PHAN

Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu

Công nhân thoát nước Ngô Chí Hùng

"Việc để rác đúng nơi đúng chỗ không chỉ góp phần giảm ngập, làm cho TP xanh, sạch hơn. Giải pháp này không phải tốn tiền nhưng thời gian qua, chính quyền TP, mặt trận các đoàn thể chưa làm tốt vấn đề này. Thay mặt chính quyền TP.HCM, tôi xin lỗi về những vất vả, nguy hiểm mà công nhân thoát nước như anh Hùng phải đối mặt" - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nghèn nghẹn nói sau khi nghe bộc bạch của anh Hùng.

Bà mong những chia sẻ này sẽ đánh động mỗi người dân TP với lòng tự trọng của mình sẽ điều chỉnh việc vứt rác của mình.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước - cho hay cho dù cống thoát nước có làm thêm bao nhiêu, to cỡ nào nhưng rác cứ bít các miệng hố ga thu nước thì nước không thoát được.

"Vậy Trung tâm chống ngập có ngồi lại với các sở ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc bàn giải pháp này chưa?", bà Tâm đặt vấn đề. 

Ông Dũng cho biết hằng năm có làm việc với các hội đoàn, tổ dân phố trong việc tuyên truyền chống xả rác nhưng ông cho rằng việc kiểm tra xử lý thuộc các các địa phương và thời gian qua việc xử lý chưa đạt hiệu quả.

"Có những con rạch rác nhiều tới mức người đi bộ qua được…", ông Dũng cho hay.

Lãnh đạo TP.HCM nghẹn ngào xin lỗi công nhân thoát nước - Ảnh 5.

Các đại biểu tham dự chương trình lắng nghe và trao đổi tại phim trường HTV - Ảnh: QUANG KHẢI

Cần sự chung tay của cộng đồng

Nhìn lại công tác chống ngập thời gian qua, nhiều đại biểu nhìn nhận có kết quả nhất định, có những khu vực trước đây được xem là rốn ngập như bùng binh Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn…không còn ngập nữa. 

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng phát sinh những điểm ngập mới, thậm chí có công trình triển khai nhưng tình hình ngập vẫn chưa giảm. 

Ngoài yếu tố khách quan thì nguyên nhân gây ngập có nhiều yếu tố chủ quan như: thiếu cống thoát nước; để xảy ra lấn chiếm sông, rạch, hệ thống thoát nước; quy hoạch lỗi thời và tình trạng xả rác vào hệ thống thoát nước.

Đề cập đến công tác phối hợp, xử lý tình trạng xả rác xuống cống thoát nước chưa hiệu quả, ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho rằng do chưa có cơ chế thực hiện chưa rõ nét. 

Để công tác quản lý hệ thống thoát nước hiệu quả hơn, ông Tám cho hay sở này đang xây dựng dự thảo quản lý hệ thống thoát nước, trong đó có quy định phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong quản lý và xử lý. 

Bên cạnh đó, sở cũng triển khai lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch chung TP, trong đó có nội dung bổ sung, điều chỉnh những bất cập liên quan đến quy tổng thể hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Dự kiến năm 2019 sẽ xây dựng xong dự thảo quy hoạch này.

Lãnh đạo TP.HCM nghẹn ngào xin lỗi công nhân thoát nước - Ảnh 6.

Ngập nước là vấn đề bức xúc của cử tri tại TP.HCM trong nhiều năm qua - Ảnh ngập nước đường số 1, Q.Bình Tân - Ảnh: QUANG KHẢI

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng ngoài vấn đề điều chỉnh quy hoạch, hiện UBND TP đang rà soát lại công tác điều hành để triển khai công tác chống ngập được hiệu quả hơn. Cụ thể công tác tham mưu, quản lý chống ngập sẽ được phân cấp giao lại cho Sở Xây dựng. 

Về nguồn lực cho công tác chống ngập, ông Tuyến cho biết sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia lĩnh vực này. 

"Trong các dự án chống ngập phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề công nghệ. Như để giải quyết tình trạng xả rác tại các hố ga hiện nay đang triển khai nhân rộng thiết kế miệng hố ga ngăn mùi, ngăn xả rác", ông Tuyến lưu ý và cho rằng để việc giảm ngập được hiệu quả không chỉ từ nỗ lực của các cấp, các ngành mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Triển khai việc cần làm ngay

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị chính quyền TP.HCM xem xét giải quyết ngay những phản ánh của cử tri về trình trạng ngập nước được phản ánh tại buổi lắng nghe và trao đổi.

Cụ thể như tình hình ngập nước tại đường Huỳnh Tấn Phát, đường Chiến Lược, Cây Trâm Lê Đức Thọ…; tính toán lại thời gian thu gom rác và đẩy nhanh việc nạo vét, khơi thông dòng chảy. Đối với những nơi, khu vực cần có lộ trình thực giảm ngập cũng phải thông tin cụ thể tiến độ để người dân cử tri được rõ.

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước

TTO - Bao nilông, chai nhựa, thậm chí bàn ghế, gối cũ... cũng dồn xuống cống. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM đã phải "cầu cứu" các cơ quan ban ngành trước tình trạng xả rác bừa bãi tại 175 tuyến đường.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên