Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện với kiều bào tại buổi họp mặt nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022 ngày 25-1 - Ảnh: TỰ TRUNG
Giống như nhiều Việt kiều khác, anh Luận có những cảm xúc đặc biệt khi lại được về Việt Nam đón Tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch bệnh còn chưa hoàn toàn yên.
Thời gian qua, vị doanh nhân chủ thương hiệu cà phê nông sản Meet More này đã có rất nhiều hoạt động tích cực đồng hành, sẻ chia với người dân thành phố. Anh là một trong những Việt kiều có nhiều đóng góp nhất cho công cuộc chống dịch của TP.HCM.
Anh Nguyễn Ngọc Luận, Việt kiều tại Úc, phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân dịp xuân Nhâm Dần với lãnh đạo TP.HCM ngày 25-1 - Ảnh: TỰ TRUNG
"Tôi tin tưởng trong năm 2022, TP.HCM sẽ tiếp tục dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế và chúng tôi sẽ nỗ lực đồng hành cùng TP", anh nói, gửi lời cảm ơn chính quyền TP thời gian qua đã tạo điều kiện hỗ trợ để anh và nhiều doanh nghiệp khác vượt qua dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp mặt - Ảnh: TỰ TRUNG
Những thông điệp “đặt hàng” rất cụ thể
Trong số hơn 300 đại biểu về dự buổi gặp mặt với lãnh đạo TP.HCM chiều tối 25-1, có không ít người đã đồng hành với TP theo nhiều cách khác nhau trong nhiều năm qua chứ không chỉ trong giai đoạn đặc biệt khó khăn của dịch bệnh vừa rồi.
Bởi thế, bối cảnh khó khăn của COVID-19 dường như chỉ làm tăng đồng cảm, sẻ chia đó. Người ta có thể cảm nhận rõ sự tin cậy, kỳ vọng và luôn sẵn lòng đón nhận mọi đóng góp xây dựng từ nguồn lực rất lớn của cộng đồng này trong bài phát biểu với nhiều nội dung "đặt hàng" rất cụ thể của ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM.
Sau một năm không thể tổ chức gặp mặt vì đại dịch, trong lần hội ngộ này, thay mặt chính quyền và nhân dân thành phố, ông Phan Văn Mãi gửi lời tri ân sâu sắc tới đồng bào người Việt ở nước ngoài đã sẻ chia, hỗ trợ TP trong dịch bệnh vừa qua.
Kiều bào trò chuyện bên lề tại buổi họp mặt nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022 ngày 25-1 tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hai đại biểu dự cuộc gặp mặt của kiều bào với lãnh đạo TP.HCM nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022 gây chú ý với mọi người vì bộ đồng phục có màu sắc rất nổi bật của họ - Ảnh: TỰ TRUNG
Sau khi thông tin với bà con về những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và cả các thành tựu nỗ lực đạt được thời gian qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nêu cụ thể 4 vấn đề trọng tâm TP sẽ triển khai trong năm 2022 là phòng chống dịch; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền để TP vận hành suôn sẻ hơn; cải thiện môi trường đầu tư và tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.
Lãnh đạo TP nhiều lần nhắc lại thông điệp mong muốn nhận được những đóng góp, hiến kế của bà con Việt kiều cho những việc cụ thể đang triển khai như TP đang thực hiện xây dựng quy hoạch TP cho tầm nhìn khoảng 50 - 70 năm tiếp theo; hoàn thiện mô hình chính quyền TP Thủ Đức; hoàn thiện và phát triển thêm các hạ tầng giao thông quan trọng để giảm ùn tắc và tăng kết nối kinh tế vùng.
Một việc mà ông Mãi đặc biệt nhấn mạnh là TP.HCM sẽ triển khai xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
"Đây là một việc mới và khó với TP, chúng tôi sẽ phải học hỏi các kinh nghiệm cũng như lắng nghe góp ý về cách làm của các nước cũng như được giới thiệu các cơ quan tư vấn liên quan", ông Mãi nói.
Theo ông, đây chính là phần việc lãnh đạo TP rất mong nhận được thông tin đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng Việt kiều vốn có một lực lượng trí thức rất đông đảo ở các nước.
Trong bài phát biểu của mình, tinh thần trân trọng, cầu thị và mong muốn được đón nhận những ý kiến đóng góp xây dựng của bà con người Việt ở nước ngoài là thông điệp được Chủ tịch Phan Văn Mãi lặp lại nhiều lần.
Ông Philipp Rösler, nguyên phó thủ tướng Đức, phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân dịp xuân Nhâm Dần với lãnh đạo TP.HCM ngày 25-1 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tìm về nguồn cội
Đại biểu giành được nhiều chú ý hơn cả tại cuộc gặp mặt năm nay có lẽ là ông Philipp Rösler, nguyên phó thủ tướng Đức, một người sinh ra tại Sóc Trăng.
Từng là trẻ mồ côi và sau đó được đưa ra nước ngoài từ khi còn rất nhỏ, ông Philipp Rösler không thể nói được tiếng Việt, nhưng cũng đã cố gắng nhắc tới ba lần bằng tiếng Việt hai chữ "chúc mừng" cho một năm mới tốt đẹp phía trước khi kết thúc phần phát biểu của ông tại cuộc gặp.
Trong chia sẻ ngắn gọn, ông Philipp Rösler nói về những cảm xúc đặc biệt sau khi về thăm trại trẻ mồ côi tại Sóc Trăng, nơi ông được cưu mang thời thơ ấu.
Theo anh Nguyễn Đức Linh, cán bộ thuộc Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao, dù đã có vài lần về Việt Nam trước đó trên cương vị chính trị gia hay doanh nhân, nhưng đây là lần đầu tiên ông Philipp Rösler có một chuyến trở về Việt Nam mang tính cá nhân, tìm về nguồn cội.
"Chuyến đi này nhắc nhở tôi rằng tôi cần phải làm nhiều việc hơn nữa, cần đóng góp nhiều hơn nữa", ông Philipp Rösler nói với mọi người như một chia sẻ, cũng như một mong mỏi của riêng mình.
Không chỉ là một cuộc trở về đặc biệt với người đàn ông đã gần chạm ngưỡng "tri thiên mệnh" (50 tuổi), đây cũng là lần đầu tiên ông Philipp Rösler được trải nghiệm một không khí đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam.
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ sau khi khép lại buổi gặp mặt các kiều bào, ông Philipp Rösler tiết lộ nhiều hơn nữa về các dự định xúc tiến đầu tư đã lên kế hoạch trong tháng 3 năm nay với các lĩnh vực tập trung như môi trường, năng lượng sạch, y tế…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tặng cờ và bằng khen cho kiều bào tại buổi họp mặt ngày 25-1 nhân dịp xuân Nhâm Dần - Ảnh: TỰ TRUNG
Kiều hối gần bằng FDI
Trong bài phát biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc tới những con số rất đáng chú ý. Theo đó, trong năm 2021, tổng vốn đầu tư FDI vào TP.HCM là 7,23 tỉ USD (tăng 38,48% so với năm 2020), trong khi tổng lượng kiều hối gửi về TP là 6,6 tỉ USD. Với thực tế đó, ông Mãi cho rằng nếu TP có những chính sách thúc đẩy để nguồn kiều hối này được đầu tư trực tiếp vào sản xuất thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận