09/12/2019 18:22 GMT+7

Lãnh đạo thương mại Mỹ ở Hong Kong bị chặn đường vào Macau

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Lãnh đạo cơ quan an ninh Macau giải thích rằng các lo ngại về an ninh là lý do duy nhất khi đưa ra các quyết định không cho nhập cảnh, sau khi hai lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Hong Kong bị ngăn tới đặc khu này.

Lãnh đạo thương mại Mỹ ở Hong Kong bị chặn đường vào Macau - Ảnh 1.

Ông Robert Grieves và bà Tara Joseph, hai lãnh đạo tại Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong - Ảnh chụp màn hình SCMP

Báo South China Morning Post đưa tin hai lãnh đạo của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hong Kong cuối tuần trước đã bị giữ lại và không cho nhập cảnh vào Macau - một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc - mà không đưa ra lý do xác đáng với họ.

Cụ thể, hôm 7-12, chủ tịch hội đồng quản trị AmCham Robert Grieves và chủ tịch điều hành Tara Joseph đã bị chặn tại khu vực biên giới trong vòng 2 giờ khi đang trên đường đến dự một sự kiện thường niên của AmCham tại thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha này.

"Cả ông Robert và bà Tara đều không được giải thích lý do họ bị ngăn lại" - AmCham nêu trong một tuyên bố. Cả hai người sau đó buộc phải quay lại Hong Kong. 

Vụ việc này đã làm dấy lên nghi vấn đây là động thái trả đũa của Bắc Kinh sau khi Mỹ thông qua Đạo luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong (HKHRDA) 2019.

Lãnh đạo thương mại Mỹ ở Hong Kong bị chặn đường vào Macau - Ảnh 2.

Ông Hoàng Thiếu Trạch (Wong Sio Chak), người đứng đầu Cơ quan Bảo an đặc khu hành chính Macau - Ảnh chụp màn hình SCMP

Trong một sự kiện công khai ngày 9-12, ông Hoàng Thiếu Trạch (Wong Sio Chak), người đứng đầu Cơ quan Bảo an đặc khu hành chính Macau, đã từ chối giải thích lý do các lãnh đạo AmCham là Robert Grieves và Tara Joseph không được phép nhập cảnh vào Macau.

Tuy nhiên, quan chức an ninh Macau này cũng nói rõ những tuyên bố cho rằng động thái này có liên quan đến vụ Mỹ thông qua HKHRDA vào tháng trước chỉ là "suy đoán".

"Cảnh sát có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của Macau và nguyên tắc này cũng được áp dụng với việc kiểm soát biên giới.

Khi họ thực hiện nhiệm vụ theo luật, danh tính và nghề nghiệp của những người nhập cảnh vào Macau đều không được họ xem xét. Các nguy cơ về an toàn và các mối đe dọa là những điều duy nhất được xem xét" - ông Hoàng giải thích thêm, nhưng không nêu cụ thể có liên quan tới trường hợp của hai lãnh đạo AmCham hay không.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Macau chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày Macau được Bồ Đào Nha trao trả cho Trung Quốc vào ngày 20-12-1999. Sự kiện này diễn ra hai năm sau khi Anh trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997. Hiện Hong Kong và Macau là hai đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Trong một diễn biến liên quan tới tình hình Hong Kong, cảnh sát Hong Kong cho biết người biểu tình đã phóng hỏa bên ngoài các tòa án, ném bom xăng và xịt sơn lên các tòa nhà chính quyền Hong Kong khi tham gia cuộc tuần hành cuối hôm 8-12. Theo các nhà tổ chức, cuộc tuần hành này đã thu hút khoảng 800.000 người tham gia.

Biển người biểu tình áo đen tràn ngập khu trung tâm Hong Kong Biển người biểu tình áo đen tràn ngập khu trung tâm Hong Kong

TTO - Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn tại khu vực trung tâm của đặc khu hành chính Hong Kong chiều 8-12.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0