Lãnh đạo quân sự Myanmar: Chỉ bầu cử khi tình hình trở lại bình thường - Tuổi Trẻ Online
05/06/2021 10:17 GMT+7

Lãnh đạo quân sự Myanmar: Chỉ bầu cử khi tình hình trở lại bình thường

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN ngày 4-6, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing nhắc lại quan điểm ông sẽ chỉ cho phép tổ chức bầu cử khi tình hình đất nước đã trở lại "bình thường".

Lãnh đạo quân sự Myanmar: Chỉ bầu cử khi tình hình trở lại bình thường - Ảnh 1.

Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing (phải) hội đàm cùng với các lãnh đạo ASEAN tại Myanmar ngày 4-6 - Ảnh: AFP

Truyền thông của chính quyền quân sự Myanmar thông báo ông Erywan Pehin Yusof - bộ trưởng (thứ hai) Bộ Ngoại giao Brunei, nước chủ tịch ASEAN năm nay - và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar - Thống tướng Hlaing trong ngày 4-6 tại Myanmar.

Theo thông báo của đội ngũ truyền thông, Thống tướng Hlaing khẳng định chính quyền quân sự Myanmar sẽ tổ chức bầu cử mới khi "tình hình đã trở lại bình thường".

Trước đó, chính quyền quân sự Myanmar nói sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 2 năm.

Chưa rõ các nhà lãnh đạo ASEAN có kế hoạch gặp phe đối lập với chính quyền quân sự Myanmar không.

Phe đối lập, chủ yếu là các thành viên của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, đã tuyên bố thành lập Chính quyền thống nhất quốc gia (NUG) hồi tháng 4.

Chính quyền quân sự Myanmar đã liệt nhóm NUG vào danh sách khủng bố, cáo buộc NUG gây ra các vụ đánh bom và đốt phá.

Myanmar rơi vào khủng hoảng chính trị, kinh tế tê liệt kể từ sau sự kiện chính biến ngày 1-2. Lực lượng quân sự đã bắt giữ các lãnh đạo của chính quyền dân sự, trong đó có cố vấn nhà nước - bà Aung San Suu Kyi.

Theo Hãng tin AFP, quân đội Myanmar đã đụng độ với người biểu tình trong các cuộc tuần hành phản đối đảo chính và yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự đang bị bắt giữ.

ASEAN đang lĩnh xướng các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Myanmar.

Cuối tháng 4, Thống tướng Hlaing đã dự cuộc họp bàn về khủng hoảng Myanmar với các lãnh đạo ASEAN.

Sau cuộc họp này, các lãnh đạo ASEAN đã đưa ra tuyên bố "đồng thuận 5 điểm" kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" và tổ chức cho một đặc phái viên ASEAN tới Myanmar.

Tuy nhiên cho đến nay ASEAN vẫn chưa chỉ định đặc phái viên này và bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp Myanmar, theo AFP.

'Chính quyền dân sự' Myanmar mời nhóm Rohingya gia nhập

TTO - 'Chính phủ thống nhất quốc gia' (NUG) Myanmar kêu gọi nhóm người thiểu số Hồi giáo Rohingya tham gia lật đổ quân đội, cam kết giúp trở thành công dân và hồi hương những người lưu vong khi giành lại được quyền lãnh đạo.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên