15/10/2019 14:29 GMT+7

Lãnh đạo đơn vị cấp nước: Đã muốn cắt nước nhưng không đủ căn cứ

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - "Lúc đó thâm tâm tôi là 80% cho dừng cấp nước, nhưng xét nghiệm các chỉ tiêu A không có vấn đề gì, lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân", tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà phân trần chiều 15-10.

Lãnh đạo đơn vị cấp nước: Đã muốn cắt nước nhưng không đủ căn cứ - Ảnh 1.

Sau vụ đổ trộm dầu thải, dầu đã tràn vào hồ Đồng Bài, nơi dẫn nước vào Nhà máy nước mặt sông Đà - Ảnh: P.Q

Sáu ngày sau khi người dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai phát hiện nguồn nước sạch do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Công ty Viwasupco) cung cấp qua hệ thống đến từng hộ gia đình có mùi lạ, mùi khét, chiều 15-10 UBND TP Hà Nội cùng các sở, ngành và Công Viwasupco mới họp báo thông tin về vụ việc.

Từ quá trình xét nghiệm, phân tích mẫu nước lấy trong nhà máy nước mặt sông Đà, tại trạm bơm tăng áp Tây Mỗ, tại bể chứa, kết quả xét nghiệm so với quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, có một số chỉ tiêu không đạt quy chuẩn.

Các mẫu nước không đạt đạt quy chuẩn về mùi vị, mẫu nước có mùi khét. Chưa hết, trong các mẫu nước xét nghiệm đều có hàm lượng styren - chất thuộc nhóm có chỉ tiêu giám sát mức độ C - cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren được quy định tối đa 20μg/l, tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3-3,65 lần.

Riêng mẫu nước tại các vòi sử dụng của hộ gia đình, hàm lượng styren thấp hơn ở nhà máy và các điểm chứa trung gian.

Theo chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Công ty Viwasupco phát hiện ra việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8-10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy.

Ông Chung cho biết nước từ hệ thống lọc nước này đã chảy xuống vào hệ thống nước ăn của người dân, là nguyên nhân tạo ra mùi bất thường trong nước.

Lãnh đạo đơn vị cấp nước: Đã muốn cắt nước nhưng không đủ căn cứ - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Dục - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin tại họp báo - Ảnh: QUANG THẾ

Phát hiện dầu tràn, không báo ai, không ngăn chặn

Đúng 15h10, cuộc họp báo về hiện tượng nước sạch có mùi lạ bắt đầu. Chủ trì họp báo là ông Trần Xuân Hà - phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng, ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế, ông Nguyễn Văn Tốn - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà.

Ông Lê Văn Dục thông tin kết quả xác minh hiện tượng mùi khét nồng nặc, nước có váng ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai: Trước thông tin về hiện tượng nêu trên từ ngày 10-10, UBND TP xác định đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. 

Chủ tịch UBND TP đã thành lập ngay một tổ công tác do giám đốc Sở Xây dựng là trưởng đoàn, có sự tham gia của Sở Y tế, Sở Tài nguyên - môi trường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (thuộc Sở Y tế), Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, tổ chức kiểm tra ngay.

Theo ông Dục, liên ngành đã kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, lấy mẫu nước để xét nghiệm tại nhà máy (trước nguồn) sau khi xử lý các bể chứa trung gian, bể tăng áp tại huyện Thạch Thất, quận Nam Từ Liêm và tại bể chứa nước cấp nước của công ty tại khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, bể chứa của một số chung cư, vòi nước hộ gia đình.

Đồng thời yêu cầu lãnh đạo Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông và lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà báo cáo giải trình.

Theo ông Dục, đến nay đã xác định tại khu vực đầu nguồn tại khe núi ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).

Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng 8-10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội.

Viwasupco cũng không có bất cứ hành động nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về sự cố ô nhiễm nước - Video: QUANG THẾ

Rõ chất lượng nước không đạt quy chuẩn mới khuyến cáo

Ông Lê Văn Dục cho biết UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Viwasupco khắc phục ngay các chất dầu thải tại khu vực đầu nguồn cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài, súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư, toàn bộ tại các địa bàn người dân sử dụng nước do Công ty cung cấp.

Toàn bộ chi phí do Viwasupco chịu trách nhiệm.

TP cũng yêu cầu công ty chủ động yêu cầu các cán bộ, công nhân khi phát hiện có dấu hiệu váng dầu vào ngày 8-10 nhưng đã không báo cáo, phải báo cáo giải trình và tổng hợp các báo cáo gửi cơ quan chức năng.

Theo ông Dục, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà Viwasupco và các nhân viên vận hành nhà máy vào ngày 8-10, đã không kịp thời thông tin, đến nay vẫn không cộng tác với các cơ quan quản lý nhà nước, chưa có báo cáo, cảnh báo, khắc phục việc để dầu vào nguồn nước để chuyển các cơ quan chức năng. 

“Đề nghị xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, ông Dục nói.

UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị chỉ đạo Công an tỉnh điều tra hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco không ngăn chặn khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải, ông Dục cho biết.

Khuyến cáo người dân:

1, Nước máy thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống mà tạm thời dùng nước đóng chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.

2, UBND TP bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. Dân trong vùng ảnh hưởng có thể gọi điện đến số 0903461980 của tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội để yêu cầu.

Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi: "6 ngày đã qua kể từ khi người dân phát hiện nước có mùi lạ, hôm nay TP mới lần đầu tiên cảnh báo. Ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về sinh mạng của người dân trong 6 ngày qua khi nước không đảm bảo chất lượng vẫn được bơm tới nhà dân mà không có bất cứ cảnh báo nào?

Hàm lượng styren vượt quy chuẩn tới 1,3-3,65 lần ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ người dùng nguồn nước này? Trách nhiệm của công ty cấp nước thế nào khi vẫn bán nước không đảm bảo chất lượng?" 

Phóng viên các báo cũng đặt câu hỏi nếu không phải là dầu thải mà là chất độc, người dân vẫn được cung cấp nước không đảm bảo chất lượng ấy, ai sẽ chịu trách nhiệm.

Ông Hoàng Đức Hạnh trả lời về chất styren - Video: QUANG THẾ

Chưa có tài liệu chính thống về ảnh hưởng của styren

Ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết hàm lượng styren vượt 1,3-3,65 lần nhưng cao dần về phía nhà máy và thấp dần về phía nhà dân, nhưng vẫn là không đảm bảo chất lượng.

"Đến nay không có tài liệu chính thống nói về ảnh hưởng của chất này tới sức khoẻ”, ông Hạnh nói.  Ông Hạnh cho biết ngày 14-10 Sở đã họp với các viện, thống nhất tiếp tục có giám sát toàn diện hơn, tức là lấy mẫu nhiều hơn ở cả nhà máy, đường ống và hộ gia đình.

80% muốn dừng cấp nước… nhưng không dừng

Ông Nguyễn Văn Tốn - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco - thì cho biết có báo cáo tới các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình. "Chúng tôi ở trên địa bàn tỉnh Hoà Bình thì có báo cáo tới cơ quan ở Hoà Bình chứ không báo cáo các cơ quan ở Hà Nội", ông Tốn nói.

Ông Tốn đính chính rằng công ty phát hiện dầu thải đổ trộm hôm 9-10 chứ không phải 8-10: "9h ngày 9-10 mới phát hiện có dầu tràn vào hồ Đầm Bài, khi đó mới thuê người cùng công nhân vớt dầu, dùng phao ngăn dầu lại. Chúng tôi thuê cả người dân nên người dân đều biết", ông Tốn giải thích.

Sau đó lực lượng của công ty tìm ngược lại nguồn dầu mới phát hiện dầu đổ trộm ở khu vực núi, đã mua cát xử lý tạm thời.

"Công ty cũng gọi điện cho chính quyền địa phương xuống lập biên bản nhưng sáng hôm sau cơ quan chức năng mới xuống. Sở dĩ công ty làm báo cáo ngày 10-10 vì trước đó tập trung lực lượng vớt dầu, kể cả bộ phận kế toán cũng ra xử lý dầu tràn. Công ty dừng sản xuất đến 12h ngày 9-10", ông Tốn thông tin.

Lãnh đạo đơn vị cấp nước: Đã muốn cắt nước nhưng không đủ căn cứ - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Tốn - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco - tại họp báo - Ảnh: QUANG THẾ

"Chia sẻ thật, lúc đó thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng. Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10-10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện 'cắt nước thì lý do gì', 'bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu'", ông Tốn phân trần.

"Sau đó công ty lấy mẫu nước đi phân tích chỉ tiêu B và C, nhưng phân tích phải 10-20 ngày. Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. Tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước. Có người bảo báo cáo TP nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng nước theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo".

Nếu phát hiện chất lượng nước có vấn đề thì báo cáo ngay. Còn để phát hiện ra chất này (styren) đòi hỏi phải có thời gian, công cụ, công ty không có đủ khả năng kiểm định những chất trong nhóm C. Công ty chỉ kiểm tra chỉ tiêu A, nếu styren nằm trong chỉ tiêu A mà công ty vẫn cấp nước thì mới là có vấn đề.

Ông Tốn mong mọi người đặt mình vào vị trí của ông để chia sẻ

“Công ty cũng không phải đặt lợi nhuận lên trên hết, trong 10 năm phục vụ người dân thủ đô, chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ người dân lên trên hết. Trước sự việc này công ty có lỗi”, ông Tốn nói.

“Khách hàng như thượng đế, nhưng với các đơn vị cấp nước ở dưới thì vẫn trao đổi nhiều, còn với người dân, chúng tôi nhận lỗi vì khi khách hàng cần mà không đến được kịp thời. Chúng tôi sẽ có cuộc họp rút kinh nghiệm".

"Bản thân tôi cũng là tổng giám đốc làm thuê thôi. Dừng cấp nước thì tôi quá an toàn, quá hay, tôi chỉ có một cái tâm duy nhất là vì người dân, phục vụ người dân”, ông Tốn giãi bày.

Trả lời về việc im lặng trước báo chí, phóng viên liên hệ điện thoại không nghe, ông Tốn trả lời: “Khi xảy ra vụ việc thì có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vào nên không dám nghe điện thoại. Qua đây mong anh em báo chí thông cảm vì công việc quá nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Tốn - tổng giám đốc Viwasupco - giải thích chuyện xử lý sự cố nước bị nhiễm dầu - Video: QUANG THẾ

Hà Nội đã làm đầy đủ trách nhiệm?

Kết luận họp báo, ông Trần Xuân Hà - phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội - nói trong vụ việc này, người chịu thiệt hại là TP Hà Nội, người dân thành phố.

“TP Hà Nội đã làm đầy đủ trách nhiệm rồi, còn đề nghị nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như đơn vị cấp nước”, ông Hà nói xong thì phóng viên tiếp tục đề nghị trả lời rõ trách nhiệm của TP trong vụ việc.

Ông Lê Văn Dục thì tiếp tục lưu ý: “Ở khu vực nước có mùi khét, chúng tôi đã có chỉ đạo người dân không phải trả tiền cho nước xe stec. Người dân cứ gọi điện theo số điện thoại nóng cho chúng tôi, nước xe stec được cung cấp miễn phí”. 

Dù nhiều phóng viên muốn hỏi tiếp nhưng ông Trần Xuân Hà tuyên bố dừng họp báo.

Có thành phần dầu thải trong nước sạch Có thành phần dầu thải trong nước sạch 'mùi lạ' ở Hà Nội

TTO - 5 ngày sau vụ việc nước sạch cung cấp cho hàng vạn hộ dân ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội) có mùi lạ, khét, kết quả xét nghiệm mẫu nước cho thấy có thành phần dầu thải trong nước sạch, không đạt quy chuẩn về mùi.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên