28/04/2014 03:43 GMT+7

"Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần phải can đảm hơn"

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Đó là gửi gắm của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, trưởng khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tại hội thảo về đổi mới mô hình và chương trình đào tạo tại các trường ĐH sư phạm. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 26 và 27-4 tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo bảy trường đại học sư phạm lớn trong cả nước.

Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Quá sơ sàiBộ GD-ĐT xin lùi thời hạn trình đề án đổi mới chương trình, SGKSốc với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Trong bài phát biểu được hội trường hưởng ứng bằng nhiều tràng pháo tay, GS Đỗ Đức Thái cho rằng chương trình giáo dục lâu nay đưa học sinh vào hướng đào tạo chuyên biệt quá sớm. Điều này giúp tạo ra những chuyên gia ở chuyên ngành hẹp, nhưng lại phải trả giá khi đất nước thiếu đi những nhà văn hóa, nhà chiến lược lớn. “Công cuộc cải cách giáo dục hiện tại có phần loay hoay cũng chính bởi thiếu một nhà văn hóa lớn. Tôi biết mấy hôm nay Bộ GD-ĐT đang trải qua sóng gió, nhưng mong rằng lãnh đạo bộ hãy can đảm và có khí phách hơn” - GS Thái nhấn mạnh.

Theo GS Thái, việc cố gắng giảm nhẹ số tín chỉ đào tạo giáo viên, nhất là với giáo viên giảng dạy các môn tích hợp tới đây là không tưởng. “Nói đơn giản, một quyển sách giáo khoa toán quá mỏng là thảm họa, không thể tạo ra môi trường trải nghiệm đủ để kiến tạo kiến thức. Đó chỉ là cách đánh lừa dư luận. Tôi có đứa con học lớp 6, một tiết 45 phút cô giáo phải dạy nào mặt phẳng tọa độ, cách xác định điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho một điểm tìm hai tọa độ, cho hai tọa độ tìm ra điểm, rồi đồ thị hàm số... Những khái niệm khó như thế, tôi là giáo sư toán và cũng là một “thợ dạy”, một thầy, một trò mà mất cả giờ” - GS Thái dẫn chứng.

Tại hội thảo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đưa ra đề xuất về khung chương trình đào tạo mới với điểm nhấn về chương trình đào tạo giáo viên có khả năng giảng dạy tích hợp. Theo đó, việc đào tạo được tiến hành gần như theo hai giai đoạn, sinh viên học đủ khối kiến thức cơ sở về chương trình tích hợp có thể được cấp bằng cao đẳng, đạt chuẩn giáo viên THCS, sau đó học tiếp kiến thức chuyên ngành sẽ đạt chuẩn giáo viên THPT, được cấp bằng ĐH với tổng thời gian học tập có thể nâng lên 150 tín chỉ so với chương trình chung hiện tại chỉ khoảng 130 tín chỉ. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường sư phạm không ủng hộ phương án này với lý do chương trình đào tạo giáo viên THCS và giáo viên THPT không thể là phép cộng đơn giản khi đối tượng người học có tâm sinh lý rất khác nhau.

Dù không áp đặt các trường phải theo đề xuất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định bộ khuyến khích các trường sư phạm chia sẻ để có thể thống nhất được một chương trình chung. “Việc dạy tích hợp là tất yếu. Có vấn đề mà nhiều trường sư phạm chưa hình dung hết là đào tạo SV ra trường, các em thành giáo viên thì có bao nhiêu người dạy chéo cấp, chéo môn, có cả giáo viên văn dạy... toán, giáo viên toán dạy... sử” - ông Hiển nói.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên