03/06/2020 10:52 GMT+7

Làng sách Việt thích 'việc nhẹ nhàng'!

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Sự kiện quyển sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin) của tác giả Pháp - bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard - từng xuất bản từ năm 1892 nay được hai công ty xuất bản dịch và ấn hành cùng lúc.

Làng sách Việt thích việc nhẹ nhàng! - Ảnh 1.

Hai bản sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - Ảnh: L.ĐIỀN

Tôi cho rằng ta cần loại sách bồi dưỡng kỹ năng đọc, cả loại hư cấu và phi hư cấu. Chính giới trí thức và các công ty xuất bản khi thiếu kỹ năng đọc thì khó mà biết cách giới thiệu sách, hoặc vạch ra chiến lược xuất bản nào mới lạ ngoài việc theo dõi các giải thưởng hay chiến dịch quảng cáo của báo chí nước ngoài.

PHẠM VIÊM PHƯƠNG

Chưa hết, một đơn vị thứ ba cũng đang bắt tay thực hiện quyển này. Một quyển sách ra đời đã 128 năm bỗng dưng cùng lúc được ba đơn vị: Omega+, Đông A Books và Nhã Nam "ùa vào" khai thác, có gì bất thường không?

Ông Trần Đại Thắng, giám đốc Đông A Books, từ góc độ nhà sản xuất cho rằng việc nhiều đơn vị cùng khai thác một bản sách ngoại văn như vậy cũng có cái hay, trước hết là yêu cầu về chất lượng bản dịch, chất lượng in ấn, thiết kế, các tiện ích mang lại cho bạn đọc... sẽ được các bên chú ý hơn và người được lợi chính là bạn đọc.

Ồ ạt khai thác danh tác

Với quyển Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, sự xuất hiện của "ba chàng trai" bên một "người đẹp" như vậy cũng thật xứng đáng.

Bởi với dung lượng hơn 500 trang, tác giả Hocquard ghi chép về thực trạng đời sống xã hội Việt Nam những năm 1884-1886 khi ông cùng đoàn quân Pháp rong ruổi qua các địa phương từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ đến Đà Nẵng, Huế; gặp gỡ, tiếp xúc đủ mọi hạng người.

Ông còn chụp lại những hình ảnh quan sát được. Khác với các ấn phẩm thuộc "dòng sách Đông Dương" bấy giờ, quyển sách của bác sĩ Hocquard còn có 232 bức ảnh minh họa và bản đồ.

Tuy nhiên, nhìn lại làng sách Việt sẽ thấy trào lưu "khai quật" các sách xưa để tái bản hoặc "làm mới" bằng nhiều cách trở nên xôm tụ chừng mươi năm trở lại đây.

Một vài dấu mốc như Nhã Nam đi tiên phong với ý tưởng thực hiện bộ "Việt Nam danh tác" khai thác các sách hay, có giá trị vượt thời gian từng xuất hiện từ trước năm 1945 ở miền Bắc đến trước 1975 ở miền Nam, sau đó có một công ty sách cũng tiến hành in loạt sách na ná như vậy, tức cũng tái bản các "danh tác" chỉ với cái bìa khác.

Hoặc như trong lúc dư luận quan tâm đến việc học sử - dạy sử, lập tức bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cùng lúc được ba đơn vị là Nhã Nam, Kim Đồng và Minh Thắng tái bản. Bộ Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân còn "đắt khách" hơn: có ít nhất bốn đơn vị cùng vào cuộc tái bản trong diện mạo bắt mắt để thu hút bạn đọc mấy năm gần đây.

Hoặc như hiện tại, quyển Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng hiện đang được hai "nhà" chào hàng, và quyển L’Art à Huế sau khi Thái Hà Books và Nhã Nam đã làm, được biết một công ty thứ ba cũng đang theo đuổi làm lại quyển sách đầy tính mỹ thuật này.

Việc khai thác các sách đã nổi tiếng trong quá khứ vẫn là một nhu cầu của thị trường. Nhưng với các sách đã hết hạn bản quyền; với bản thảo, bản dịch đã có sẵn, nay chỉ cần thiết kế bìa và trình bày ruột lại... dù sao vẫn là chuyện dễ. Bởi thị trường sách còn nhiều đòi hỏi đáng kể hơn.

Làng sách Việt thích việc nhẹ nhàng! - Ảnh 3.

Hai bản in lại tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng - Ảnh: L.ĐIỀN

Gian khó sẽ dành phần ai

Dịch giả Phạm Viêm Phương nhớ lại một thời mặc dù còn chiến tranh nhưng làng sách trong nước có khả năng cập nhật các sách mới không chỉ về văn chương mà cả các trào lưu tư tưởng, những triết thuyết mới, các quan điểm chính trị...

Bây giờ, lĩnh vực cập nhật tốt nhất có lẽ là mảng sách văn chương, lĩnh vực khoa học mấy năm gần đây cũng có cập nhật nhưng còn ít, còn lại các sách về tư tưởng, triết thuyết... dường như không còn được mấy quan tâm.

Không chỉ thế, làng sách Việt còn nhiều chỗ khuyết thiếu mà lẽ ra các đơn vị xuất bản, thậm chí một số đại học nếu hoạt động đúng nghĩa phải bắt tay vào làm sách để công chúng Việt Nam được đọc những ấn phẩm cần phải đọc.

Về tư tưởng, lâu nay TS Dương Ngọc Dũng vẫn khuyến khích sinh viên nên tìm đọc quyển Traité de métaphysique (Luận văn về siêu hình học) của Georges Gusdorf có từ 1956 nhưng chưa có bản Việt dịch.

Với cái nhìn gần hơn, Nhật Bản có tuyển tập Chuyện kể bên chiếc gối (Makura no soshi) của nữ sĩ Sei Shonagon nhưng chưa được dịch sang tiếng Việt.

Một thành viên của Ban tu thư Đại học Hoa Sen nhắc lại hai đầu sách nổi tiếng rất cần cho độc giả Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa làm được, khiến ông tiếc mãi là tác phẩm Các nguyên tắc tâm lý học của nhà tâm lý học tiên phong người Mỹ William James (1842-1910) và Các nền tảng của khoa học (The Foundations of Science) của nhà toán học, vật lý lý thuyết và triết học người Pháp Poincaré (1854-1912).

Chia sẻ từ vị trí của một người làm sách, dịch giả Nguyễn Tuấn Việt cho rằng có nhiều sách ngoại văn hoặc khó mua bản quyền, khó tìm người dịch đạt, thậm chí có khi khó xin được phép xuất bản... khiến những người làm sách rơi vào tình trạng "nhìn sách mà thèm".

Đơn cử cho các sách này là quyển Silent Invasion: China's influence in Australia (Cuộc xâm lặng thầm lặng) của tác giả Clive Hamilton. Theo ông Tuấn Việt, đây là quyển sách rất hay nói về quan hệ Trung Quốc và Úc, rất đúng với các diễn biến hiện nay.

Hoặc như một quyển đang rất thời sự là China: Trade War and Pandemic (Chiến tranh thương mại và đại dịch) của Tony Pow, đề cập đến việc liệu Trung Quốc sẽ bị các nước trừng phạt thế nào sau dịch Covid-19, một trong những đề tài nóng sốt đang khiến cả thế giới chú ý nhưng chưa biết khi nào thì được mua, dịch và phát hành ở Việt Nam.

Tất nhiên, để dịch thuật, chú giải được các sách tư tưởng, chính trị và triết thuyết cần có đội ngũ dịch thuật giỏi nghề, điều mà hiện nay chúng ta còn lúng túng, nhất là trong hai bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ đề cập trên kia vẫn còn mắc phải các lỗi dịch và chú thích, thì những đòi hỏi cao ở những dòng sách "khó nhằn" hơn quả cũng khó có ai "giành phần đảm đương".

Một dịch giả có hơn 30 năm theo dõi lĩnh vực xuất bản nêu một hiện tình là chúng ta chưa có đơn vị nào có ý thức dịch toàn bộ trước tác của một tác giả nổi tiếng.

"Làm toàn tập về một tác giả rất quan trọng, đó là dữ liệu để không chỉ đọc thưởng thức mà còn làm cơ sở để nghiên cứu, học tập" - dịch giả này nhấn mạnh.

'Cảm ơn bạn đã chọn cuốn sách này, dù đang phải hạn chế chi tiêu'

TTO - Thông điệp cảm ơn được tác giả Dy Khoa đưa vào cuốn sách "Đi qua hai mùa dịch", với lối viết tích cực và mong mọi thứ sớm hồi sinh.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên