16/02/2023 08:21 GMT+7

Làng, ruộng biến mất vì khai thác cát

Dải phù sa ở sông Vu Gia nằm dọc xã Đại Hồng, nơi sản xuất hoa màu quy mô lớn của người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đây cũng là nơi nạn khai thác cát hoành hành bấy lâu.

Ruộng đồng của người dân ven sông Vu Gia biến mất theo từng năm cùng với việc khai thác cát - Ảnh: T.B.D.

Ruộng đồng của người dân ven sông Vu Gia biến mất theo từng năm cùng với việc khai thác cát - Ảnh: T.B.D.

Đứng trên ruộng bắp của mình, ông Trần Ngọc Hòa, xã Đại Hồng, nói rằng ông có 5.000m2 đất làm nông bám dọc triền sông, là nguồn sống của cả gia đình nhưng chỉ mấy năm qua đã bị sạt lở mất gần một nửa.

"Đất của tôi nằm sát mỏ cát của Công ty Trường Lợi, họ khai thác quá khủng khiếp nên đất bị sụt xuống sông. Đất trồng hoa màu lân cận mỏ cát này cũng mất 10-20m ăn sâu vào đất liền mỗi năm. Bà con rất bức xúc nhưng mọi kiến nghị đều không có kết quả" - ông Hòa nói.

Tình trạng khai thác cát gây biến đổi dòng chảy làm mất làng, mất đất của dân là câu chuyện diễn ra rất nóng bỏng dọc sông Vu Gia từ nhiều năm qua. Tàu thuyền, máy nạo hút lẫn xe cơ giới hoạt động náo nhiệt.

Người dân ở Đại Hồng cho biết do hút cát tràn lan nên ở xã này đã có hai ngôi làng biến mất vì sạt lở, người dân buộc phải di chuyển qua nơi khác. Trong khi đó ven sông Vu Gia có hàng chục điểm sạt lở, hở hàm ếch.

Chỉ riêng Đại Lộc có tới hàng chục mỏ, người dân ở các ngôi làng dọc sông liên tục kêu cứu vì sông nuốt làng, nuốt đất sản xuất. Đặc biệt một số mỏ khai thác nằm sát các cầu như Hà Nha, cầu Giao Thủy cũng đe dọa kết cấu công trình, gây biến đổi dòng chảy tự nhiên.

"Mỗi lần có đoàn kiểm tra hoặc chỉ đạo gì đó thì các mỏ cát lại trùm mền. Nhưng rồi mọc rầm rộ trở lại. Chúng tôi hy vọng từ năm 2023 này tỉnh Quảng Nam kiên quyết làm nghiêm để dân còn giữ lại được đất đai, nhà cửa" - một người dân ở thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng nói.

Sẽ giảm mỏ cát

Ông Võ Ngọc Tốt - trưởng Phòng TN-MT huyện Đại Lộc - cho biết tính tới tháng 2-2023 chỉ còn 2 mỏ cát quy mô lớn hoạt động gồm mỏ của Công ty Pha Lê (xã Đại Sơn) và mỏ của Công ty Trường Lợi (xã Đại Hồng).

"Đa số các mỏ đều đã thu hẹp quy mô hoặc hết thời gian khai thác. Sắp tới có thêm giấy phép cấp quyền khai thác hoạt động mới là mỏ của Công ty Hoàng Cử" - ông Tốt nói.

Một lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho biết sẽ tiếp tục "làm rát" và hạn chế tối đa các mỏ cát trên sông Vu Gia. Sẽ chỉ còn 2-3 mỏ hoạt động thay vì số lượng nhiều như trước đây.

Kiến nghị dừng khai thác cát từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình KhaoKiến nghị dừng khai thác cát từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Long xem xét chỉ đạo dừng khai thác cát từ cầu Mỹ Thuận đến phà Đình Khao do nguy cơ sạt lở.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên