Phóng to |
Đập mới Hòa Duân, phía bên rặng phi lao là làng cũ Hải Thành - Ảnh: Đ.C. |
Trở lại nơi đây, dấu vết của trận “đại hồng thủy 1999” đã không còn. Đập Hòa Duân - chứng tích của trận lũ kinh hoàng năm 1999 - giờ đã là con đường nhựa phẳng lì chạy dài bên biển. Học trò hớn hở đạp xe trên con đường đầy nắng và gió. Cách con đường chỉ chục mét, bên rặng phi lao vun vút gió, 14 năm trước là làng biển Hải Thành. Giờ đây, những bãi tắm với bờ cát trắng mịn, những hàng quán đã mọc lên san sát ngay giữa ngôi làng năm xưa.
Nước lũ trong ký ức
Năm 1999, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử. Sự cố vỡ đập Hòa Duân xóa sổ làng Hải Thành với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng. Tháng 12-1999, Bộ Quốc phòng đã khởi công xây dựng làng tái định cư làng Rồng cho 64 gia đình. Đến tháng 3-2000, ngôi làng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hằng năm, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đều đặn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà người dân làng Rồng. |
Thế nhưng, trong ký ức của những người may mắn thoát khỏi dòng nước lũ hung hãn năm 1999 ấy, dường như cơn lũ sẽ chẳng bao giờ qua đi.
Từ sau trận lũ kinh hoàng, 64 gia đình ở Hải Thành đã được đưa về làng mới mang tên làng Rồng. Con đường bêtông dẫn vào làng bỏng rát bởi cái nắng hè. Chúng tôi tìm gặp người phụ nữ 14 năm trước mang đứa con 5 tháng trong bụng đã thoát khỏi thủy thần một cách diệu kỳ. Đó là bà Trịnh Thị Điểm (41 tuổi). Bà Điểm chỉ tay về phía cậu bé mập mạp ngồi dưới hiên nhà rồi nói: “Tưởng nó với tui chết năm 1999 rồi. May là ông trời vẫn còn thương”. Đó là đêm đầu tháng 11-1999. Thấy nước lên, bà Điểm vội lội qua nhà cô Bảy kiên cố nhất xóm để tránh lũ. Gần 12g đêm, nền nhà sụt lún, tường đổ ầm ầm. Gần chục người ở nhà cô Bảy thấy vậy liều mình lao ra giữa dòng nước đỏ ngầu. Ngôi nhà đổ ầm ngay khi bà vừa lao ùm xuống nước. Đúng lúc, con đập Hòa Duân bị nước từ thượng nguồn đổ về đã xé toang thân khiến nước càng ghê gớm hơn. Bị nước nhấn chìm, bà Điểm lại cố vùng ngoi lên. “Mất hơn một tiếng đồng hồ tui cứ vật lộn với nước, tưởng chết rồi. Tui lấy hai tay quơ đại, nào ngờ ôm trúng cây dương” - bà Điểm bùi ngùi nhớ lại. Trời càng về khuya càng lạnh, mưa mỗi lúc một to, nước chảy xiết hơn, người bà Điểm tím tái. Trời he hé sáng. Bà rã rời tay chân vì mỏi, vì nước lũ, vì lạnh và con đạp. Lúc đó, bộ đội và người dân phát hiện bà Điểm ngụp lặn giữa nước lũ.
Cũng trong đêm đó, làng Hải Thành đón nhận một hung tin: 12 người trong đại gia đình ông Trần Thu đều tử nạn sau khi cơn lũ tràn qua. Nhà ông Thu cách nhà bà Điểm chỉ vài bước chân. Dường như sự đau khổ tột cùng ngày ấy đã biến ông Thu - một ngư dân vạm vỡ, dạn dày kinh nghiệm hơn 30 năm trên biển - trở nên trầm lặng. Giữa ngôi nhà cấp 4 quay lưng về phía biển có bàn thờ với 12 tấm di ảnh vẫn nghi ngút khói hương. Ông Thu ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn lên bàn thờ, những ký ức kinh hoàng năm xưa vẫn còn đó. “Thấy nước lũ lên, tui đưa vợ con qua nhà cha mẹ cùng các em, các cháu để tránh. Đến đêm, tui chèo thuyền về nhà để lấy đồ ăn cho vợ con. Nào ngờ chỉ ít phút thôi, tui mất tất cả” - ông Thu nghẹn lời. Khi chiếc thuyền của ông đi được một đoạn, ánh đèn từ ngôi nhà cha mẹ vẫn hắt ánh sáng héo hắt. Nhưng rồi một tiếng ầm, ngọn đèn tắt lịm. Ông hớt hải quay về, ngôi nhà đã biến mất chỉ còn vũng nước trắng xóa. 12 con người gồm cha mẹ, vợ con, em trai, em dâu và đứa cháu mới phút trước còn sum vầy ở đây giờ bỗng tan biến.
“Chín ngày tiếp theo đối với tôi dài hơn cả chín năm trời. Nghe người ta phát hiện được một thi thể ở Phong Điền tôi lại chạy lên, nghe tin ở Quảng Trị thì đón xe đò ra. Đến ngày thứ chín, thi thể đứa em trai được phát hiện ở cửa biển Cửa Việt ngoài Quảng Trị thì tui không còn sức lực để mà khóc lóc nữa” - ông Thu nhớ lại. Đứng trước 12 chiếc quan tài, ông Thu chết lặng. Dân làng biển tan hoang sau cơn lũ kinh hoàng nhưng mỗi người một tay đến để lo hậu sự cho thân nhân ông. “Ngôi nhà tui cứ đến ngày 25-9 âm lịch là bà con khắp nơi đến chia sẻ với 12 người thân của tui” - ông Thu nói.
Phóng to |
Những đứa trẻ làng Rồng trong ngôi trường mẫu giáo khang trang do các nhà hảo tâm xây dựng - Ảnh: Đ.CƯỜNG |
Làng Rồng
Sự hồi sinh của ngôi làng tái định cư nằm ở cái tên làng Rồng. Theo người dân trong làng, sau khi trận lũ tràn qua rồi làng mới được xây dựng, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã về thăm làng mới, lúc đó làng tái định cư vẫn chưa có tên. Có người nói hay đặt tên là làng lũ, làng Hải Thành... nhưng Tổng bí thư thấy tên vậy nghe buồn vì còn đeo đẳng mãi với trận lũ. Vì thế ông đã đặt tên làng Rồng bởi năm mới đó là năm Thìn, cuộc sống của người dân sẽ cất cánh đi lên.
Sau ba tháng dân lên làng Rồng, đứa trẻ đầu tiên của làng đã chào đời như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của làng Hải Thành. Đó chính là đứa con của bà Điểm. Và vợ chồng bà quyết định đặt tên con là Huy. “Tui đặt tên nó là Huy, em nó là Hoàng với hi vọng cuộc sống của chúng sẽ huy hoàng, không gặp phải những bất hạnh mà các chú, các bác ở xóm này gặp phải” - bà Điểm phân trần. Giờ đây, Huy chuẩn bị bước sang tuổi 15, ngoài buổi tới trường thì phụ giúp mẹ làm bánh bán hàng. “Gần cái chết mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản được tính bằng ngày. Vì vậy phải sống cho xứng đáng với những gì mình đang có, bởi tương lai chẳng ai biết được điều gì” - bà Điểm chiêm nghiệm.
Ông Thu tâm sự: sau đại tang, phải ba năm sau ông mới dám lên thuyền đi biển. Ông sợ mỗi lần thấy biển ông lại thấy quá khứ, lại thấy mẹ cha, vợ con nằm đó. “Mình sinh ra ở biển, sống chết với nó âu cũng là cái nghiệp” - ông nói. Mấy ngày này, ông Thu tranh thủ ở nhà chăm sóc gia đình nhỏ của mình để tuần sau ông lại ra khơi. Phía bên bàn thờ, ba tờ giấy khen học sinh tiên tiến của ba đứa con được ông dán trên tường cẩn thận. “Tui giờ đã có gia đình của mình, nhìn mấy đứa nhỏ lớn lên từng ngày là mãn nguyện rồi” - ông tâm sự.
Giờ đây, 64 gia đình trong trận lũ 14 năm trước đã định cư ở ngôi làng mới. Cuộc sống mới cũng đang hiện hình sau những thương đau. Mỗi sáng mai, những người đàn ông của làng Rồng lại vác ngư cụ đi biển như cuộc sống mà 14 năm trước họ vẫn làm. Những đứa trẻ của làng Rồng đã có ngôi trường mẫu giáo khang trang do các nhà hảo tâm xây dựng. Những ngày này, người dân làng Rồng vui hơn vì nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tặng bà con ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng trị giá 300 triệu đồng. Đây sẽ là nơi học tập của trẻ nhỏ, là điểm sinh hoạt văn hóa, là nơi trú tránh bão của cả làng. Nhìn những đứa trẻ vui đùa trong làn gió biển, cảm nhận được sức sống mới của ngôi làng đã bị lũ cuốn năm xưa.
Phóng to |
Bà Điểm và đứa con trai 14 năm trước đã thoát chết kỳ diệu trong trận lũ - Ảnh: Đ.C. |
Cuộc sống quý giá Theo ông Lê Minh - trưởng thôn làng Rồng, cuộc sống của người dân giờ đây đều đã tạm ổn. Vốn là dân miệt biển nên đàn ông vẫn tiếp tục bám biển mưu sinh, phụ nữ ở nhà nội trợ. “Điều đáng mừng là bà con rất đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Bởi sau một lần tai qua nạn khỏi, họ mới biết rằng cuộc sống này quý giá chừng nào” - ông Minh nói. Làng Rồng hiện là địa phương không có tệ nạn xã hội, số hộ nghèo cũng đã giảm xuống một cách đáng kể. Làng đã có hơn mười em thi đậu các trường cao đẳng, đại học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận