![]() |
Cầu cảng Lý Sơn khi có gió cấp 5 trở lên thì không tàu thuyền nào vào neo đậu được - Ảnh: V.Hùng |
Nguyên nhân được giải thích chủ yếu do thiết kế không phù hợp thực tế.
Cảng mới nhưng tàu không vào
Cầu cảng cá Lý Sơn (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) sau khi đầu tư sửa chữa trên 31 tỉ đồng, được đưa vào sử dụng gần năm tháng nhưng vẫn vắng hoe tàu thuyền. Theo thiết kế, cầu cảng chịu được gió bão cấp 11, 12, song gió ở mức cấp 5 thì không tàu thuyền nào “can đảm” cập cảng. Ông Nguyễn Hồng Danh, chủ tàu cao tốc An Hải 09, cho biết nhiều tàu cập cảng này nhưng bị sóng đánh dạt, bứt dây neo nên không dám vào nữa.
Trước đây, cầu cảng Lý Sơn cũ khi sóng đánh vào bờ cảng thì tiêu sóng rất tốt vì sóng đi luôn ra phía sau. Còn ở cảng mới này lúc sóng vỗ vào thì bị đánh ngược trở ra. Hằng ngày, tàu thuyền của ngư dân ra vào đảo Lý Sơn phải cập tạm ở cảng cá An Hải dù biết là thiếu an toàn và giao thông khó khăn.
Bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nhìn nhận việc thiết kế cầu cảng Lý Sơn không phù hợp thực tế và huyện đang mời đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công (Công ty CP xây dựng Thành An 96) bàn việc khắc phục sớm.
Năm 2005, UBND tỉnh đầu tư trên 30 tỉ đồng thực hiện dự án thông cửa biển và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) giúp tàu thuyền cập cảng cá, trú tránh gió bão thuận lợi. Năm 2009, công trình nạo vét luồng hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chỉ một thời gian thì luồng vào cảng cá bị bồi lấp nặng.
Thống kê hai năm qua cho thấy đã có 31 tàu thuyền của ngư dân bị hỏng, vỡ do va phải đá ngầm và bị mắc cạn. Bồi lấp cũng làm tàu thuyền có công suất trên 90CV không thể ra vào cảng cá Sa Huỳnh, hơn 400 tàu cá ngư dân phải tá túc ở các cảng cá địa phương lân cận. Trước tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh đã chi hơn 3,7 tỉ đồng cho Sở NN&PTNT sửa chữa, thông luồng cảng cá Sa Huỳnh.
Thủy lợi bị tắc, nông cụ bỏ kho
Đề cập tình trạng đầu tư không hiệu quả ở một số công trình, trong đó có công trình thủy lợi Trà Phong và cầu cảng Lý Sơn, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi cho rằng hiện nay nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh khá lớn, nhất là với các huyện miền núi, hải đảo. Nhưng việc giám sát, kiểm tra trong quá trình thiết kế, thi công chưa được quan tâm đúng mức, còn buông lỏng trong quản lý nên có nhiều công trình, dự án kém chất lượng, làm trước hư sau, phát huy hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí rất lớn tiền của nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. |
Công trình thủy lợi Trà Phong, huyện Tây Trà được đầu tư trên 5,3 tỉ đồng năm 2009, gồm hai đập dâng Hà Riềng và Trà Niêu cùng hệ thống kênh đấu nối dẫn nước trên 2,5km, nhưng không sử dụng được. Đập dâng Trà Niêu cao trình nước trong đập thấp hơn chân ruộng và mương dẫn nước, vì thế nước trong đập không thể ra ruộng. Còn đập Hà Riềng thiết kế dùng rọ đá chắn ngang sông, nhưng sau mưa lũ thì dòng nước từ trên cao đổ xuống cuốn trôi những rọ đá, khiến đập mất tác dụng.
Ông Hồ Văn Cảnh, chủ tịch UBND huyện Tây Trà, nhìn nhận nguyên nhân khiến công trình bạc tỉ này không phát huy tác dụng do thiết kế dự án không phù hợp. Hiện huyện đã đề nghị đơn vị thiết kế là Công ty CP Xây dựng và đầu tư Quảng Ngãi cùng hai đơn vị thi công xem xét lại thiết kế để sớm hoàn tất công trình đưa vào sử dụng.
Từ nguồn vốn chương trình 135 giai đoạn 2, huyện Tây Trà sử dụng trên 2,5 tỉ đồng mua sắm 322 thiết bị, máy móc (24 hệ thống máy xay xát, 6 máy băm, 178 máy tuốt lúa, 47 máy cắt lúa, 67 bình phun thuốc...) cấp cho các xã. Tuy nhiên, rất nhiều nông cụ này đến nay đều bỏ trong kho vì dư thừa.
Ông Trương Ngọc Đông, chủ tịch UBND xã Trà Phong, cho biết diện tích đất lúa của xã khoảng 42ha nhưng được “nhận” đến năm máy xay xát và nhiều công cụ khác nên không dùng hết. Liên quan việc này, bà Đinh Thị Loan, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã họp với UBND huyện Tây Trà để xử lý, nghiêm túc kiểm điểm việc đầu tư dàn trải, thiếu thực tế gây lãng phí này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận