Thảm khốc Làng Nủ, những khoảnh khắc không bao giờ quên
Cơn lũ quét sáng 10-9 xảy ra ở Làng Nủ đã vùi lấp mọi thứ. Cả thôn làng 37 ngôi nhà sàn lúp xúp bên cánh đồng trước đây, nay chỉ còn một bãi bùn đất.
Tại bất cứ đâu dưới lớp bùn đất dày đặc, có thể có một người dân của chính ngôi làng này đang nằm ở đó.
Lũ vò nát mọi thứ
Những thi thể đầu tiên được đưa lên trong đám bùn đất Làng Nủ sáng 11-9 là 5 người trong gia đình anh Hoàng Văn Thới. Người đàn ông hơn 30 tuổi khóc gục bên mấy cái hòm gỗ đóng tạm bằng mấy tấm ván cũ nứt nẻ, mốc thếch, chưa kịp bào cho phẳng phiu hơn.
Tổ ấm trước đây của anh Thới ở phía bên kia cánh đồng, đối diện xóm 37 nhà bị lũ cuốn. Căn nhà cũ bị sạt ta luy dương, nên mấy ngày mưa bão anh đưa vợ con sang nhà mẹ đẻ ngủ nhờ. Đêm định mệnh 9-9, anh Thới lại ngủ ở nhà cũ.
Sáng hôm sau, khi nghe tiếng ầm ầm như nổ mìn phá đá, anh chạy ra khỏi nhà thì chỉ thấy mênh mông bùn nước. Suối cuồn cuộn chảy, đá lăn lẫn cột nhà va vào nhau khùng khục.
"Mất hết rồi! Nhà tôi 7 người chỉ còn tôi... Tôi chỉ mong tìm thấy đứa con tôi với con anh trai. Đứa 1 tuổi, đứa mới lên 2...", anh Thới nói rồi gục xuống chiếc hòm bé xíu nức nở.
Cùng thôn với anh Thới, anh Hoàng Ngọc Điệp đến buổi chiều 10-9 mới về đến nhà. Anh Điệp đi làm ở thành phố Lào Cai, mấy ngày qua không liên lạc được với gia đình nên liều chạy xe máy băng qua hàng chục đám bùn đất sạt lở để về nhà.
Đến đầu thôn, anh Điệp bủn rủn chân tay khi nhìn thấy căn nhà thân thương của mình trước đây chỉ còn là đống bùn đất. Anh mất cả 5 người thân, còn 1 đứa cháu may mắn thoát nạn.
Chiều qua 11-9, bộ đội tìm thấy mẹ anh dưới đám bùn cách nhà vài chục mét. Anh Điệp cắn chặt hàm răng giấu nước mắt căng bạt cho mẹ đỡ bị mưa. Không còn nhà, lễ tang không kèn trống lạnh lẽo ngay bên bờ nương.
Khu cánh đồng Làng Nủ có con suối uốn quanh trước đây tan hoang bùn đất. Nước suối vẫn đặc quánh dữ tợn chảy về. Khắp nơi vương vãi mái tôn, cột nhà, đi vài bước lại giẫm phải xe máy.
Chiếc máy xúc của người xã khác gửi trong thôn bị lũ cuốn trôi cả trăm mét, bẹp dúm bẹp dó. Chiếc ô tô tải của nhà ông Sầm Văn Bóng cũng bị lũ vò nát như tờ giấy nháp. Lúc này, tìm thấy người còn lành lặn đã là may mắn.
"Chắc phải bỏ làng thôi"
Bà Trương Thị Mừng đã làm dâu ở Làng Nủ 30 năm và bà chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ nào khủng khiếp như vậy. "Nó nổ tung lên trời cao, đi đến đâu cuộn thành cục đến đó. Đến đây thì chẳng còn nhìn thấy gì, chỉ còn đất thôi!", bà Mừng thảng thốt.
Sáng ấy, bà Mừng tỉnh giấc vì tiếng suối chảy quá to. Bà leo lên đồi phía sau nhà thì thấy nước lũ cuồn cuộn chảy. Bà Mừng chạy ra nhà sinh hoạt cộng đồng, lúc ấy đã có thêm 4 người dân khác.
Họ nghe "ầm ầm" như sấm rồi đất đá, cây cối hất tung lên trời. Cả 5 người hô nhau chạy, chỉ được một đoạn thì nước lũ ập về đến sát sân nhà văn hóa. Người phụ nữ gạt nước mắt chạy lăng xăng cùng bà con giúp những người bị nạn. Bà cũng mong nhanh chóng tìm thấy mẹ chồng với 2 đứa cháu mất tích. Ruộng vườn đã mất hết, căn nhà cũng chẳng còn chắc chắn, bà Mừng đi ngủ nhờ nhà hàng xóm mong cho mưa ngớt.
Thế nhưng ông trời như chưa biết thương người dân Làng Nủ. Cả ngày vẫn giội xuống nhiều trận mưa, những khe nước ở dãy núi sau thôn đục ngầu đe dọa thêm một đợt sạt lở nữa.
Trưởng thôn Làng Nủ Hoàng Văn Diệp mấy ngày nay không dám ngủ ở nhà. Cả gia đình đi "sơ tán", ông vừa tất bật việc của thôn, vừa vận động bà con cùng xóm đi ở tạm nhà khác an toàn hơn.
"Núi vẫn cao, mưa gió thế này nước trong khe lại chảy ra nhiều! Chúng tôi chắc phải bỏ làng thôi! Ở lại không được vì không biết có sạt lở, lũ quét nữa không?
Chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ tái định cư để an cư lạc nghiệp", ông Diệp nói.
Cứu hộ cứu nạn ở Làng Nủ tiếp tục triển khai từ sớm, tìm được thêm nhiều thi thể
Thiệt hại đặc biệt lớn
Tính đến 17h ngày 11-9, con số người chết ở Làng Nủ đã lên 34 người, còn 61 người mất tích.
Ông Đặng Xuân Phong, bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cho hay đây là vụ thiên tai lớn nhất trên địa bàn từ trước đến nay, cả số người chết và mất tích.
"Chúng tôi đang xây dựng phương án để tìm kiếm cứu nạn hiệu quả nhất, an toàn nhất. Tại địa bàn rất khó khăn, địa hình bị chia cắt, chúng tôi sẽ khôi phục các điều kiện cần thiết theo thứ tự ưu tiên.
Tập trung cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, ưu tiên tìm kiếm những người còn đang mất tích. Song song với việc tìm kiếm, chúng tôi cũng chuẩn bị lo hậu sự cho các nạn nhân", ông Phong nói.
Quân khu 2 đã điều động 300 chiến sĩ vào khu vực xã Phúc Khánh, lập trạm chỉ huy dã chiến tại Làng Nủ.
Trong đó 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào, 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở. Trung tướng Phạm Hồng Chương, tư lệnh Quân khu 2 và Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong trực tiếp chỉ đạo.
Nghẹn ngào mong ngóng tin người thân
Chiều 11-9, tại khu vực phòng hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai), chị Nguyễn Thị Kim cho hay sáng sớm 10-9, hai mẹ con (chị và con gái) đang ngủ trong phòng của căn nhà mái bằng mà gia đình mới xây dựng chưa lâu thì nghe một tiếng nổ rất lớn như tiếng bom, mìn nổ.
"Khi tôi mở mắt ra thì thấy mình đã bị bay khỏi nhà, xung quanh mênh mông nước rồi trâu bò, heo... Tôi sờ tay thì thấy tay đã bị gãy rồi gọi con khắp nơi không thấy, chỉ biết có tiếng nước chảy mạnh là tôi cố vươn ra tìm con, nhưng tay gãy nên không ra xa được.
Một lúc sau, rất may mắn, cháu có thể biết bơi nên không bị chìm xuống mà chui được từ bùn đất lên và ngồi vào tấm ván gọi tôi: "Mẹ ơi cứu con với". Tôi nghe thấy, vội quay lại tìm mọi cách với được vào tấm ván đó...", chị Kim nhớ lại.
Theo lời kể của chị Kim, thời điểm đó một số người dân đi đường phát hiện nhưng thấy chị nằm im nên tưởng đã tử vong.
Tuy nhiên lúc đó, có lẽ mọi người lại thấy cháu khóc nên vội vàng dùng mọi cách kéo tấm ván vào. Khi cứu cháu, thấy tay chị còn vẫy được nên thả dây điện kéo chị lên. Tay trái chị không gãy nên nắm được vào dây điện và được kéo lên. "Đến giờ nghĩ lại thực sự vẫn rất hoảng sợ", chị Kim nói.
Chị Kim nghẹn ngào khi hơn chục người thân, họ hàng sống xung quanh nhà đã bị lũ quét gây tử vong và mất tích đến giờ chưa tìm thấy. Cùng với đó, toàn bộ nhà cửa, vật nuôi của gia đình cũng bị lũ phá hủy, cuốn trôi.
Ở giường bên cạnh, con gái chị Kim, cháu N. cũng bị đa chấn thương, mặt sưng húp và sốt cao liên tục 39,5oC. Anh Hà Sơn Giang (chồng chị Kim) cho hay hôm ấy anh dậy sớm đi ra ngoài thăm nước tại suối và sau tiếng nổ lớn, anh thấy bùn đất, nước lũ quét rất mạnh xuống nên vội vàng chạy lên khu vực đồi cao sát bên, thoát kịp.
Theo anh Giang, mọi thứ diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng có 2 - 3 phút sau tiếng nổ lớn là bùn đất, đá quét phăng tất cả. Ngay sau đó, anh cùng vài người hàng xóm đi tìm kiếm dọc suối và đã cứu được 3 người đưa đi cấp cứu.
"Cả gia đình tôi đã quá may mắn và chính có lẽ những lần con gái lên nhà ông ngoại chơi, được cho tắm ở bể nước đã giúp cháu biết bơi, ngoi được lên dòng bùn đất và kêu khóc nên đã được cứu giúp", anh Giang nói.
Nằm đối diện giường bệnh mẹ con chị Kim là cháu Hoàng N.L. (6 tuổi) cũng được cứu sống với chẩn đoán đa chấn thương.
Ngồi bên cạnh, bà Hoàng Thị Thanh (52 tuổi) vừa nhìn cháu ngoại rồi lau nước mắt nói bà nội, cha mẹ, anh trai cháu bị lũ quét cuốn đi cả rồi, giờ còn chưa biết tìm thấy hay chưa. Theo bà Thanh, nhà bà cũng ở làng Nủ nhưng ở đầu thôn nên may mắn không bị ảnh hưởng lũ quét.
Đến chiều 10-9, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cho biết đã chuyển 9 bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để tiếp tục điều trị. Tại bệnh viện còn 10 bệnh nhân đang được điều trị.
Mỗi khi nhắc đến những người thân, dù đang đau đớn do vết thương nhưng các nạn nhân đều nghẹn ngào vì chưa có thông tin gì về những người thân của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận