30/12/2011 04:50 GMT+7

Lắng nghe, nhưng... chưa thấu hiểu

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh (MEI 2011), đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) khẳng định khảo sát có khó khăn nhưng vẫn đảm bảo khách quan.

z7GJ7fN8.jpgPhóng to
Từng chồng hồ sơ chờ giải quyết cho các doanh nghiệp tại phòng quy hoạch sử dụng đất Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Nhiều bộ cho biết vẫn chưa thông suốt về phương pháp, có quan chức lại khẳng định... không quan tâm.

Bộ đồng tình, bộ... không quan tâm

Bộ Tài nguyên - môi trường đang kiểm tra

Liên quan đến việc Bộ Tài nguyên - môi trường xếp cuối bảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết hiện nay lãnh đạo bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng cập nhật thông tin để nắm cụ thể về các tiêu chí đánh giá.

“Quan điểm chúng tôi luôn coi việc đánh giá trên là một kênh thông tin vì vậy sẽ cho rà soát, kiểm tra xem có phải do mình cung cấp thông tin chưa đầy đủ hay thực tế đúng như vậy, còn nếu đúng thì phải có hướng giải pháp điều chỉnh” - ông Hiển nói.

Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2011 của Tổng cục Quản lý đất đai, cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất Bùi Ngọc Tuân cho rằng việc “góp ý” của VCCI là đáng quý và Bộ Tài nguyên - môi trường cần xem xét kỹ. Dẫn chứng việc Tổng cục Quản lý đất đai đã nhận tới 6.500 văn bản của các đơn vị gửi đến trong năm 2011, ông Tuân cho rằng chắc chắn phải có nhiều vấn đề vướng mắc.

Để cải thiện vấn đề này, ông Tuân đề xuất luôn giải pháp là lãnh đạo bộ cần phải phân cấp mạnh mẽ, toàn diện cho các đơn vị.

“Vấn đề ai ký thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không thể theo cách như hiện nay, sau khi cục xem xét, giải quyết hơn 6.500 văn bản xong lại trình lên cấp Tổng cục xem xét tiếp và như vậy, không còn thời gian tập trung xây dựng văn bản pháp luật” - ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, lãnh đạo bộ chỉ nên ký văn bản của cấp trung ương, cấp tỉnh thành, còn lại để tổng cục và các cục ký giải quyết, trừ những chỗ còn băn khoăn mới xin ý kiến chỉ đạo.

Trong khi đó, dù ghi nhận “cần lắng nghe” nhưng ông Nguyễn Văn Công - chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải - cho rằng chỉ số MEI là để tham khảo chứ không phải là tiêu chí chính thức để đánh giá năng lực hoạt động của một bộ ngành. “Chúng tôi đã làm không biết bao nhiêu văn bản, giấy tờ gửi tới các cơ quan doanh nghiệp, thậm chí tập trung mọi người đến để tham khảo ý kiến góp ý nhưng hồi âm thì rất khiêm tốn” - ông Công nói.

Cũng theo ông Công, Bộ Giao thông vận tải từng gửi đi hơn 400 công văn để hỏi ý kiến góp ý các đơn vị về thủ tục đăng kiểm nhưng nhận trả lời thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Công, nhiều doanh nghiệp và người dân không quan tâm góp ý các thủ tục hành chính, nhưng ban hành ra rồi lại kêu khó thực hiện, phức tạp.

Đáng lưu ý, một lãnh đạo văn phòng Bộ Xây dựng cho rằng việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của bộ luôn được Chính phủ đánh giá xuất sắc, còn tiêu chí của VCCI tự xây dựng để đánh giá, Bộ Xây dựng không quan tâm lắm. “Người ta đánh giá thế nào là việc của người ta, Bộ Xây dựng không có quan điểm, ý kiến gì” - quan chức này nói.

Chỉ số MEI đảm bảo khách quan, trung thực

Cơ hội để các bộ nhìn lại mình

Chỉ số MEI 2011 là cơ hội để các bộ nhìn lại mình. Để phục vụ tốt hơn cộng đồng doanh nghiệp, công tác xây dựng và thực thi pháp luật về kinh doanh của các bộ cần nỗ lực hơn nữa. Song, có những điểm cần phải bàn thêm như nội dung, tiêu chí, cách thức và tính đồng đều giữa các lĩnh vực được đánh giá. Bởi sự tương đồng giữa các bộ, giữa lĩnh vực đa ngành với lĩnh vực không đa ngành... là hoàn toàn khác nhau.

Về việc Bộ Tài chính xếp thứ tám thì rõ ràng năm 2012, bộ phải nỗ lực hơn để cải thiện thứ hạng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính sẽ là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về những góp ý của các bộ về phương pháp, bà Nguyễn Thị Thu Trang - phó ban pháp chế VCCI - cho biết nhóm nghiên cứu đã làm việc rất cẩn trọng, như tham khảo ý kiến chuyên gia, nghe các bộ góp ý về phương pháp nghiên cứu cũng như tham gia ý kiến về các câu hỏi điều tra. Sau đó, việc lấy ý kiến các hiệp hội được tiến hành hoàn toàn độc lập. Ngay chủ tịch VCCI cũng chỉ biết kết quả vào giờ chót.

Việc đánh giá dữ liệu, theo bà Trang, cũng được tiến hành hết sức cẩn thận bởi hai nhóm riêng biệt để có thể kiểm tra chéo. Còn ý kiến một số bộ cho rằng doanh nghiệp ít phản hồi khi được lấy ý kiến nhưng sau đó lại kêu, bà Trang cho rằng cũng phải xem lại cách làm. Ngay cả VCCI cũng mà nhiều bộ cũng không gửi lấy ý kiến, dù theo quy định, nhiều văn bản quy phạm pháp luật bắt buộc phải gửi đến đây để xin ý kiến.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký VCCI, nhiều văn bản được đưa lên trang web để xin ý kiến dài dằng dặc, trong khi nếu các bộ chịu khó đưa ra những câu hỏi thiết thực về những vấn đề cần tham khảo, hay chọn mẫu đối tượng để hỏi tốt hơn thì hiệu quả sẽ cao hơn...

Ông Huỳnh cũng thừa nhận rằng sau khi công bố chỉ số MEI, chắc sẽ có những ý kiến rất khác nhau. Tuy nhiên, ông Huỳnh cho biết nhóm nghiên cứu rất tự tin và không “run” bởi tin tưởng phương pháp và cách làm của mình là đúng đắn và chỉ số MEI cũng sẽ như PCI, rồi sẽ được chấp nhận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung - Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, lại cho rằng báo cáo MEI 2011 vẫn phản ánh sự thật một cách còn “dè dặt”. Theo ông Cung, các bộ nên tiếp thu, nhìn lại mình để phục vụ xã hội tốt hơn.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên