07/11/2018 14:24 GMT+7

Lắng nghe... bằng mắt

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Bạn băn khoăn người điếc chắc hẳn không nói được, liệu họ có hát được không? Không nghe thấy nhạc, họ sẽ nhảy hip hop thế nào? Họ có tham gia giao thông, có đi du lịch, có học ngoại ngữ được không?

Lắng nghe... bằng mắt - Ảnh 1.

Cùng nhau thu hẹp khoảng cách bằng cách học ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh: HÀ THANH

Hàng tá thắc mắc đó được giải đáp tại cuộc thi sáng tạo nghệ thuật do nhóm bạn trẻ thuộc dự án "Nghe bằng mắt" tại Hà Nội triển khai mới đây.

“Tôi là người điếc, sinh ra là trẻ điếc bẩm sinh và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Các bạn nghĩ tôi có thể nghe được âm thanh hoặc nói được, hoặc dùng từ “khiếm thính” cho lịch sự. Nhưng thực ra đó không phải là tôi.

NGUYỄN THÁI THÀNH

Những người đặc biệt

Điều đặc biệt ở cuộc gặp gỡ này, người điếc (hoàn toàn không nghe thấy) - người nghe (nghe nói được) - người khiếm thính (nghe kém, có khả năng nghe hạn chế) cùng nhau sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật về cuộc sống của người điếc.

Lắng nghe... bằng mắt - Ảnh 3.

Các bạn trẻ dù là người điếc, người nghe hay người khiếm thính đều cùng học ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh: HÀ THANH

Trên nền nhạc sôi động, ba chàng trai trẻ với động tác điệu nghệ trình diễn màn hip hop bắt mắt. Cả khán phòng vẫy hai tay lên (động tác này theo ngôn ngữ ký hiệu tức là vỗ tay) tán thưởng. Rồi mọi người trong căn phòng như lặng đi với giai điệu của bài ca You raise me up, ai cũng dõi mắt theo nữ ca sĩ tên Hồng là người điếc đang trình diễn ca khúc sâu lắng này bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tất cả cùng nhau lắng nghe mọi thứ xung quanh bằng mắt.

Cô sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà, 20 tuổi, Trường ĐH Y Hà Nội, không thể rời mắt khỏi những tiết mục hát, nhảy của các bạn trẻ điếc. Cô bật khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy các bạn ra ngôn ngữ ký hiệu chào hỏi, còn dạy cô từng động tác tay, chỉ chưa đầy 10 phút cô đã biết đến bảng chữ cái ký hiệu.

"Tôi là một người lành lặn mà không làm được như các bạn. Các bạn chụp ảnh, làm phim, tự lái xe... làm được mọi thứ, thậm chí còn làm tốt hơn những người khác. Tôi mong mọi người quan tâm đến cộng đồng người điếc hơn. Hãy coi họ là người bình thường, là người có khả năng đặc biệt hơn mình. Hãy coi họ giỏi hơn mình vì họ biết thêm một ngôn ngữ mà nhiều người không biết đến", Hà xúc động nói.

Một bạn trẻ là người điếc biểu diễn ca khúc “You raise me up” bằng ngôn ngữ ký hiệu - Video: HÀ THANH

Tại đây mọi người còn được lắng nghe câu chuyện về người điếc làm thế nào để học tập tốt, tìm kiếm cơ hội việc làm, hay câu chuyện xúc động về bữa cơm gia đình, về rào cản trong tình yêu.

"Chúng tôi học bằng mắt, bằng ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng ra hình ảnh, từ đó kích thích não bộ phát triển. Với việc làm hãy cho chúng tôi cơ hội, nếu chúng tôi sử dụng ngôn ngữ ký hiệu thì chúng tôi có thể làm việc tốt", một bạn trẻ người điếc bày tỏ.

Cô sinh viên tên Trinh với gương mặt khả ái, nụ cười rạng rỡ (18 tuổi, Trường ĐH Kinh tế quốc dân) là người khiếm thính, khả năng nghe hạn chế, nói cũng khó khăn hơn mọi người nhưng lại là "cô giáo" của người bạn mới quen, kiên nhẫn hướng dẫn cho bạn về bảng chữ cái ngôn ngữ ký hiệu.

"Có nhiều suy nghĩ sai như người điếc, người khiếm thính chắc là có vấn đề về trí tuệ khi không thể nghe, nói, không làm được việc gì. Nhưng bạn biết không, tôi đang là sinh viên đại học đấy. Tôi luôn cố gắng học tập để chứng minh mình làm được, luôn trau dồi kỹ năng với mọi người, giúp bản thân tự tin để thay đổi suy nghĩ chưa đúng về cộng đồng người điếc, người khiếm thính", Trinh nói.

Cơ hội bình đẳng

Buổi tối gặp gỡ, tôi đóng vai trò là người nghe, bập bẹ học ngôn ngữ ký hiệu cùng mọi người. Khi ánh đèn căn phòng được bật sáng, khá bất ngờ khi tôi gặp lại chàng trai Nguyễn Thái Thành từng là nhân vật trong bài viết của tôi "Tiệm cắt tóc thầy Thành" vào năm 2017. 

Nay Thành đóng vai trò là MC khéo léo pha trò, tạo ra các tình huống vui nhộn thu hút người nghe - người điếc - người khiếm thính cùng lắng nghe.

Lắng nghe... bằng mắt - Ảnh 5.

Á hậu người điếc Bùi Thị Lan Anh (phải) chia sẻ câu chuyện tình yêu của người điếc, bên trái là MC Nguyễn Thái Thành. Cả hai đều đang tích cực thu hẹp khoảng cách của cộng đồng người điếc đến với xã hội - Ảnh: HÀ THANH

"Từ năm 2015 có một dự án quay phim của "Nghe bằng mắt" dùng nghệ thuật lan tỏa những giá trị của người điếc đến với cộng đồng. Tôi là hội viên của nhóm, sau khóa học đó tôi có những bộ phim trình chiếu cho mọi người xem để hiểu hơn về cuộc sống của người điếc, giúp người điếc có cơ hội bình đẳng hơn trong cuộc sống" - Thành chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu về sự chuyển hướng bất ngờ, bên cạnh phát triển tiệm tóc tạo công ăn việc làm cho người điếc.

Thành nói mong muốn của bạn là cộng đồng người điếc mạnh mẽ hơn, đến gần hơn với xã hội. "Qua cuộc thi, chúng tôi muốn giới thiệu để mọi người biết rằng nếu người điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, được tiếp cận với cách giáo dục bình đẳng thì sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Có thể hôm nay tôi làm MC, hôm sau sẽ đóng vai trò khác, nhưng quan trọng là nhóm muốn mang văn hóa, mang câu chuyện của những người điếc đến gần hơn với xã hội" - Thành gửi thông điệp của nhóm.

Hơn hai năm qua, các bạn giới thiệu đến mọi người về thế giới của người điếc. Dù có gặp khó khăn về kinh phí để duy trì hoạt động, mỗi lần tổ chức chương trình các bạn đều đi xin tài trợ hoặc gây quỹ nhưng họ nói sẽ không bỏ cuộc.

Lắng nghe... bằng mắt - Ảnh 6.

Học bảng chữ cái ngôn ngữ ký hiệu là bước đầu giúp mọi người lắng nghe nhau - Ảnh: HÀ THANH

Lắng nghe... bằng mắt - Ảnh 7.

Rất đông bạn trẻ hào hứng tham gia chương trình với mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa người điếc, người nghe và người khiếm thính - Ảnh: HÀ THANH

Học bài hát Chúc mừng sinh nhật bằng ngôn ngữ ký hiệu - Clip: HÀ THANH

Khi á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu điếc quốc tế (Miss and Mister Deaf International) năm 2016 Bùi Thị Lan Anh đứng lên trò chuyện, cả căn phòng tràn ngập động tác vẫy tay. Họ xúc động, đầy thán phục trước một cô gái xinh đẹp và tràn đầy tự tin.

Lan Anh chia sẻ với mọi người câu chuyện tình yêu của những chàng trai, cô gái người điếc đem lòng yêu thương người nghe. Có những rào cản, có khó khăn, thậm chí các bạn sẽ gặp sự ngăn cấm của gia đình người yêu.

"Bố mẹ người yêu sẽ lo sợ không giao tiếp được với nhau, làm thế nào để hiểu và chia sẻ được với nhau trong cuộc sống? Nhưng tình yêu, quan trọng nhất là sự giao tiếp và ngôn ngữ ký hiệu. Tôi may mắn có bạn trai là người nghe, và bạn ấy học ngôn ngữ ký hiệu để cùng nhau thấu hiểu", Lan Anh chia sẻ.

Cô gái yêu hồng gió Đà Lạt Cô gái yêu hồng gió Đà Lạt

TTO - Sau ba năm làm việc cho một ngân hàng lớn, Phương xin nghỉ. Cô thú thật dù rất thích công việc tại ngân hàng nhưng trong tim, một góc nhỏ vẫn dành tình yêu và ấp ủ riêng cho nghề làm hồng dẻo của gia đình.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên