03/11/2018 13:32 GMT+7

Nữ tướng nhân sự và chuyện bếp núc thời công nghệ

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Văn hóa Á Đông từ lâu vẫn "choàng" trách nhiệm lèo lái gia đình lẫn việc cơ quan trên vai nữ giới. Phụ nữ Việt cần làm gì để không lỗi nhịp, khi thời đại công nghệ, bối cảnh hội nhập quốc tế khiến dòng chảy cuộc sống mỗi lúc trở nên cuồn cuộn?

Nữ tướng nhân sự và chuyện bếp núc thời công nghệ - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ đã tổ chức bàn tròn trò chuyện cùng ba "nữ tướng" tại các tập đoàn nhân sự lớn xoay quanh câu chuyện trên. 

* Theo các chị, phụ nữ Việt thường có những ưu khuyết điểm gì phổ biến?

Chị Nguyễn Phương Mai (CEO Navigos Search): Tôi nhận thấy phụ nữ Việt đa phần thông minh, giỏi giang, năng động. Tôi từng tiếp xúc rất nhiều nữ lãnh đạo ở các doanh nghiệp và ở họ tôi đều thấy toát lên sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm mà vẫn rất nữ tính. 

Nếu có điều cần tiết chế lại ở người phụ nữ Việt, thì đó là họ nên bớt "tham công tiếc việc", biết nói "không" những lúc cần thiết. Đôi khi chúng tôi hơi ôm đồm quá, cả việc nhà lẫn việc cơ quan đều muốn phải chu toàn.

Nữ tướng nhân sự và chuyện bếp núc thời công nghệ - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Phương Mai (CEO Navigos Search)

Chị Tiêu Yến Trinh (CEO Talentnet): Vì bản thân cũng là phụ nữ, lại thường suy nghĩ tích cực nên tôi mạn phép được nhận định phụ nữ VN chúng tôi ưu hơn khuyết (cười).

Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt vẫn luôn giỏi vun vén, quán xuyến chuyện nhà. Điều này cũng là một lợi thế bởi khi lấn sân sang môi trường làm việc, họ chịu khó, kiên trì để đi đến cùng mục tiêu và linh hoạt khi giải quyết vấn đề. 

Với những lãnh đạo nữ, tôi thường thấy những trăn trở và cả quyết tâm hiện thực hóa các hoạt động giúp ích cho xã hội, cộng đồng - đó là một ưu điểm rất đáng tự hào.

Chị Nguyễn Thu Trang (giám đốc tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup VN): Đồng quan điểm với chị Mai và chị Trinh, tôi nghĩ phụ nữ Việt thường chấp nhận hi sinh cho gia đình nên ít có thời gian cho công việc hoặc các hoạt động xã hội, do đó họ dễ đánh mất sự cân bằng. 

Hơn nữa, vì ôm đồm nhiều mà lại ít chia sẻ với các thành viên trong gia đình nên họ khó phát huy hết thế mạnh nội tại.

Nữ tướng nhân sự và chuyện bếp núc thời công nghệ - Ảnh 3.

Chị Tiêu Yến Trinh (CEO Talentnet)

“Thời đại 4.0 là thời đại “vạn biến”, nơi chúng ta phải không ngừng học hỏi, sáng tạo, đột phá và liên tục thích nghi. Đó là cơ hội nhưng cũng lại là một thách thức, vì vậy các bạn cần không ngừng học hỏi để tốt hơn mỗi ngày. Bởi chỉ khi theo đuổi sự ưu tú, các bạn mới từng bước kiến tạo được dấu ấn riêng một cách bền vững nhất.

Chị Tiêu Yến Trinh

* Điểm nào sẽ là hạn chế lớn để thăng tiến ở những môi trường có tính cạnh tranh cao hoặc môi trường làm việc đa quốc gia?

Chị Nguyễn Thu Trang: Hạn chế lớn nhất là thời gian của người phụ nữ có khuynh hướng dành cho gia đình nhiều nên không tập trung cho công việc dẫn đến thiếu khả năng cạnh tranh trong môi trường công sở, đặc biệt là môi trường làm việc đa quốc gia. 

Hơn nữa, khi đến độ tuổi có gia đình, sự cống hiến này càng bị ảnh hưởng nhiều hơn, song song đó họ cũng không có thời gian học thêm chuyên môn, nâng cao kỹ năng hoặc đi công tác theo yêu cầu công việc.

Chị Nguyễn Phương Mai: Cá nhân tôi cũng đang làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia mà không có sự phân biệt lãnh đạo là nam hay nữ, miễn cá nhân đó có đủ năng lực, phẩm chất để đảm nhận công việc. 

Tuy vậy, tôi nhận thấy rào cản lớn nhất đối với phụ nữ Việt lại đến từ chính bản thân họ và những yếu tố mang tính tâm lý. Đôi khi họ thực sự không hoàn toàn thoải mái được chính là mình, có những lúc họ phải gồng lên để thể hiện bản thân.

Nữ tướng nhân sự và chuyện bếp núc thời công nghệ - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thu Trang (giám đốc tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup VN)

* Ở vị trí lãnh đạo, các chị làm thế nào để có thể cân đối thời gian cho đôi bên "quang gánh"?

Chị Tiêu Yến Trinh: Tôi nghĩ khi chúng ta chia sẻ được những vướng mắc, nghĩa là chúng ta đã giải quyết được 50% vấn đề, "công thức" này giúp tôi giữ nhiệt trong công việc cũng như giữ lửa cho mái ấm nhỏ của mình.

 Hãy mạnh dạn và chân thành "đối nội" với các thành viên gia đình về những đòi hỏi, yêu cầu hay đơn giản là những chuyện vui thường nhật tại nơi làm việc khi có dịp. 

Tôi cũng chủ động dành những quỹ thời gian nhất định trong năm cho gia đình để củng cố sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. Tôi nghĩ quan trọng không phải là thời lượng mà chính là chất lượng.

Chị Nguyễn Phương Mai: Dù là lãnh đạo nhưng tính chất công việc khiến tôi có lúc cảm thấy giống như "con mọn" vậy (cười). 

Thời gian làm việc không có khái niệm "cuối tuần", phải bay liên tục khắp nơi... Chính vì vậy tôi rất biết ơn chồng đã luôn động viên và tạo mọi điều kiện để tôi có thể yên tâm làm việc. 

Thật lòng tôi nghĩ phụ nữ dù có giỏi đến đâu thì cuộc sống chỉ hoàn hảo nếu bạn tìm được người bạn đời yêu thương, tôn trọng, san sẻ để cho bạn thăng hoa.

Chị Nguyễn Thu Trang: Quan điểm của tôi là không ôm đồm, biết chia sẻ trách nhiệm phù hợp trong công việc gia đình đối với các thành viên, từ đó giảm sức ép đối với chính mình. 

Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian hợp lý cho các mối quan tâm cũng như những niềm vui khác để được cân bằng sau thời gian làm việc.

* Sự cô đơn trong công việc là điều hiển nhiên ở giới lãnh đạo, giải pháp ra sao?

Chị Nguyễn Phương Mai: Tôi thường chọn giải pháp trao quyền cho cán bộ cấp dưới. Phần lớn những việc thuộc quyền tự quyết của họ, tôi ít can thiệp trực tiếp mà sẽ đồng hành, gửi gắm thông điệp thông qua các buổi coaching (huấn luyện), mentoring (cố vấn)... từ đó họ sẽ biết quyết định của mình có phù hợp hay không. 

Việc mọi người được công khai trao đổi, phản biện ngay từ đầu khiến các "khoảnh khắc cô đơn" của tôi giảm đi rất nhiều. Tôi cũng chia sẻ rất nhiều những trăn trở với lãnh đạo trực tiếp của tôi và may mắn được hỗ trợ đáng kể.

Chị Tiêu Yến Trinh: Tôi là người rất may mắn vì hiếm khi thấy cô đơn ở vai trò lãnh đạo. Có thể bận quá nên tôi không kịp cô đơn chăng? (cười). Hoặc cũng có thể do tôi có thói quen chọn cách cởi mở chia sẻ về những cái khó mà bản thân đối mặt. 

Tôi thường không ngại chia sẻ các vướng mắc với đồng nghiệp, người thân. Điều này giúp tôi tái nhận diện và hiểu rõ hơn bản chất vấn đề, sau là học hỏi, thụ hưởng những góc nhìn đa chiều hơn. Khi đó, quyết định đưa ra sẽ mang tính khách quan, ít rủi ro hơn.

Chị Nguyễn Thu Trang: Trong công việc, tôi là người cởi mở, thẳng thắn, giải quyết mọi việc dựa trên hiệu quả công việc và sự công bằng, điều đó giúp tôi tránh gặp mâu thuẫn trong công việc. 

Tôi cũng chia sẻ trách nhiệm công việc với đồng nghiệp của mình, vì khi mọi người chung vai gánh vác thì sẽ hiểu nhau hơn, giảm đi sự cô đơn trong công việc. Tuy nhiên, khi buộc phải ra những quyết định khó khăn, tôi cũng phải hết sức mạnh mẽ.

Tự tin tỏa sáng

* Các chị có lời nhắn nhủ gì với phụ nữ Việt nói chung, với các bạn nữ trẻ nói riêng trong hành trình hội nhập quốc tế?

- Chị Nguyễn Phương Mai: Các bạn nữ trẻ hãy tự tin tỏa sáng. Đây là thời đại tuyệt vời với vô vàn các công cụ mang tính công nghệ được sinh ra để hỗ trợ bạn học tập, trải nghiệm, nâng cao kiến thức... trong công việc cơ quan lẫn việc nhà.

Nữ giới hoàn toàn có thể vươn cao và trở thành công dân toàn cầu.

- Chị Tiêu Yến Trinh: Tôi mong các bạn mạnh dạn yêu bản thân mình hơn mỗi ngày, một cách cầu thị, chân thành và có trách nhiệm.

Chỉ khi yêu chính mình, tôn trọng chính mình, chúng ta mới đủ sức thuyết phục những người xung quanh tôn trọng và yêu thương mình đúng với những giá trị mà bản thân mình sở hữu, hướng đến.

4/5 phụ nữ Việt mong muốn mở doanh nghiệp 4/5 phụ nữ Việt mong muốn mở doanh nghiệp

TTO - Cứ 5 phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người muốn mở một doanh nghiệp. Đây là một kết quả nghiên cứu được công bố tại diễn đàn "Doanh nhân nữ: Chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số" ngày 26-10.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phụ nữ Việt