Phóng to |
Lương y Trương Hữu Tài bên cây thuốc quí được lấy từ đại ngàn Tam Đảo ươm trong vườn nhà - Ảnh: Đỗ Hữu Lực |
Chữa bệnh, không cầu lợi
Phòng chẩn trị khám chữa bệnh đông y của lương y Lê Quang Trung là một gian nhà nhỏ chừng dưới chục mét vuông nằm khiêm tốn ven trục đường lên đỉnh Tam Đảo nhưng luôn đông khách. Năm nay lương y mới bước sang tuổi 45 nhưng đã theo nghề thuốc nam được 20 năm. Người truyền nghề cho anh không ai khác là chính cha anh, cụ Lê Văn Lâm, đã qui tiên. “Trong tám người con, chỉ có tôi là được cha truyền nghề!”, anh Trung nói với đầy vẻ tự hào.
“Thật ra không phải bệnh nào các lương y ở đây cũng chữa được - lương y Nguyễn Công Phượng, chủ tịch Hội Đông y huyện Tam Đảo, nói - Chúng tôi có phương châm còn nước còn tát, tận tụy hết sức mình vì người bệnh, nhưng cũng có nhiều cơn bệnh hiểm nghèo đành chịu, chúng tôi phải khuyên bệnh nhân đến với y học hiện đại”.
Vùng chân núi Tam Đảo bao gồm các xã Hồ Sơn, Đạo Trù, Đại Đình... hiện có tới 91 lương y hành nghề, trong đó số lương y ở xã Hồ Sơn đông nhất gồm 52 người. “Nơi đây được xem như làng lương y của tỉnh Vĩnh Phúc”, lương y Nguyễn Công Phượng cho hay. Đi bất cứ nhà lương y nào dưới chân núi Tam Đảo, chúng tôi đều thấy có treo ảnh và chín điều nói về y đức của Hải Thượng Lãn Ông.
Ông Trương Hữu Tài - một lương y có tiếng về chữa bệnh thận, gan - cho hay đến ông là đời thứ chín theo nghề. Cũng như những gia đình lương y khác, để theo nghề thuốc ngoài việc bốc thuốc chữa bệnh được cha ông rèn luyện thì chữ đức được xem trọng hàng đầu.
Ông Tài kể hồi tuổi còn đôi mươi ông đã được cha dạy cách tìm cây thuốc, cách bốc thuốc, chữa bệnh. Một hôm ông cụ ốm, có người bệnh ở làng bên gọi sang thăm khám. Bấy giờ anh đang kề cà ván cờ tướng với bạn chưa kịp đứng lên thì bà mẹ từ buồng đi ra liền cho anh một cái tát nảy đom đóm, rồi bê bàn cờ tướng liệng ra ngoài sân. Bà nói: “Cứu bệnh như cứu hỏa mà mày còn ngồi đánh cờ nhàn nhã được sao!”... “Lời mẹ mắng ngày nào bây giờ tôi lại đem dạy các con tôi”, ông Tài nói.
Theo ông, ngoài việc được học y thuật do các cụ truyền, người theo nghề y phải có tấm lòng nhân hậu. “Nhân hậu không phải nói miệng suông mà anh phải thực tế, đó là sau khi học nghề thuần thục, bảy năm hành nghề đầu tiên lương y không được lấy tiền người bệnh!”. Theo ông Nguyễn Công Phượng, hiện nay làng lương y vẫn đang triệt để áp dụng sách xưa truyền lại: không được lấy tiền đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, và hiện nay lại có thêm mục: “Những gia đình chính sách đều được khám chữa bệnh miễn phí!”.
Bà Đỗ Thị Thông, vợ một liệt sĩ chống Pháp, nhà ở thôn Núc Hạ (xã Hồ Sơn), cho tôi biết bà bị đau hành tá tràng nhiều năm và được lương y Phượng chữa miễn phí cho đến khi khỏi bệnh. Cũng như anh chị Hải, Đông ở xã Yên Phương (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có hoàn cảnh khó khăn vì hai anh chị đều bị bệnh sưng gan, cả hai đã đi hết các bệnh viện quanh vùng để điều trị nhưng không khỏi. Khi tiền nong, của nả của gia đình đã vơi đi, anh chị tìm đến làng lương y dưới chân núi Tam Đảo. Tại đây, anh chị đã được gia đình ông Phượng tận tình cứu chữa, chăm nom như người con trong gia đình. Mới đây khi khỏi bệnh anh chị xin nhận được làm con cháu đi lại trong nhà. Lương y Phượng tự hào: “Tôi nhiều con cháu lắm, nói vui chứ nếu bây giờ mà đi thăm hết nhà các anh chị ấy thì phải hết cả năm trời!”.
Phóng to |
Lương y Trương Hữu Tài cho biết hiện nay đại ngàn Tam Đảo còn tồn tại khoảng 700 loài cây thuốc quí, trong đó có những cây không có trong từ điển sách thuốc VN. Những cây thuốc đó chỉ có người lương y dân tộc thiểu số Sán Dìu biết. Ví dụ như cây tàu pú shong, cây ngòi mỵ u (tiếng Sán Dìu) dùng để chữa bệnh thương hàn. Mấy năm gần đây, vườn quốc gia Tam Đảo có nguy cơ mai một những cây thuốc hiếm hoi vì hiểm họa môi trường. Để bảo tồn những cây thuốc quí, các lương y dưới chân núi Tam Đảo đã cặm cụi đi tìm lại những cây thuốc rồi đem ươm giống ở vườn nhà và vận động bà con trong vùng trồng. Sau đó các lương y mua lại với giá đã hợp đồng từ trước.
Chủ tịnh Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc Đào Đức Dật cho biết trong hai năm 2004, 2005, hội viên Hội Đông y Tam Đảo đã khám chữa bệnh cho trên 10.000 lượt người bệnh. Số dược liệu được cấp phát miễn phí cho bệnh nhân là trên 5 tấn. |
Lương y trẻ Lê Quang Trung cho biết anh chưa thấy ông lang nào trong vùng này là thuộc diện giàu có nhờ bốc thuốc chữa bệnh cả. “Trị bệnh cứu người bằng những cây thuốc nam là những thứ dễ kiếm thì mình chỉ lấy công hái thuốc thôi. Nhưng công như thế nào thì lương tâm phải nghĩ, nếu bắt bí người bệnh thì không xứng danh là lương y”, anh Trung nói. Nơi đây có lệ đã là người bệnh tìm đến thầy thuốc thì dù bất cứ người ta danh phận ra sao thầy thuốc cũng phải hết lòng. Một số lương y có qui định riêng là khi nào khỏi bệnh mới tính tiền, không khỏi thì bệnh nhân không phải trả tiền. Chuyện trả công lương y ư? Mỗi thang thuốc nam trị bệnh chỉ được tính 5.000 đồng, không được tính thêm, nếu tính quá sẽ bị hội nhắc nhở, cảnh cáo và đề nghị khai trừ.
Theo lương y Lê Quang Trung, nghề bốc thuốc nam dưới chân núi Tam Đảo có từ lâu lắm. Xa xưa, vùng chân núi Tam Đảo là nơi cư ngụ của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, nơi vùng đất có nhiều sản vật núi rừng quí hiếm...và người Sán Dìu đã sớm tìm riêng cho mình những sản vật vô cùng quí giá, đó là những cây thuốc. Thế rồi đời này truyền cho đời kia, đúc kết kinh nghiệm về cách sử dụng cây thuốc một cách tài tình để giải trừ bệnh tật. Đầu tiên là chữa bệnh cho những người thân trong gia đình, họ hàng, xa nữa là bà con các làng mạc lân cận. Thế rồi tiếng lành đồn xa... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận