15/10/2013 04:11 GMT+7

Làng chài thiếu người đi biển

Đ.BÌNH - T.HOÀNG
Đ.BÌNH - T.HOÀNG

TT - Các làng chài vùng biển Hải Phòng giờ than trời vì cá, mực đầy nhưng tàu chẳng thể ra khơi vì thiếu lao động, thiếu bạn thuyền có kinh nghiệm. Đến lao động trẻ tại chỗ cũng chẳng ngó ngàng nghề biển.

fCi4eEqt.jpgPhóng to
Tàu nằm bờ quá lâu, ngư dân phải chuyển dần ngư cụ về nhà để bảo quản - Ảnh: Đức Bình

Tình trạng này được những người làm nghề cá cho là rất đáng lo.

Thuê xe ôm đi lùng lao động

Cảng cá Mắt Rồng nằm ngay cửa sông Bạch Đằng đổ ra biển (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) những năm trước nhộn nhịp nhưng thời gian này vắng lặng. Những ngày này từng tốp 5-7 tàu đánh cá đậu xếp lớp buồn hiu bên bờ. Nhìn những con tàu lớn cỡ 200 CV, có thể ra khơi cả chục ngày/chuyến giờ nằm bờ, một ngư dân than: mùa này ra biển câu mực cỡ nào cũng không thể lỗ được, nhưng tìm mỏi mắt không có người ra khơi cùng, các chủ tàu chỉ còn biết nằm bờ tu sửa tàu, chờ đội quân xe ôm đi lùng kiếm lao động.

Khai thác ít so với tiềm năng

Số liệu của Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của toàn thành phố này chỉ đạt trên 47.000 tấn, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng (số liệu của Viện Nghiên cứu hải sản thì sản lượng khai thác trên vịnh Bắc bộ là trên 550.000 tấn/năm, tức Hải Phòng mới chỉ đạt 10%).

Ông Vũ Văn Cự, trưởng liên Tập đoàn đánh cá Nam Triệu, cho biết cả xã Lập Lễ có trên 450 tàu loại “tàu khơi”, “đánh lộng” có công suất 40CV trở lên để đi đánh xa bờ, trong đó có hơn 100 tàu lớn công suất từ 200CV trở lên. Từ vụ cá bắc (tháng 10 -2012 đến tháng 3-2013) đến giờ, có hơn nửa số tàu này nằm bờ, số tàu ra khơi cũng hoạt động cầm chừng chuyến đi chuyến bỏ. Sản lượng khai thác của toàn xã Lập Lễ trong vụ cá bắc chỉ vài nghìn tấn, chưa bằng 50% sản lượng năm trước.

Chủ tàu Vi Văn Khắc (xã Lập Lễ) cho biết những năm gần đây, các chủ tàu rất khó tìm lao động đi biển ngay tại địa phương, chủ yếu phải tìm lao động nghề cá ở các tỉnh ngoài. “Chúng tôi không đủ lao động, phải thuê xe ôm tìm kiếm giúp lao động ở các xã Lưu Kỳ, Lưu Kiếm hoặc sang huyện, tỉnh khác. Cứ mỗi lao động đưa về phải “mua” của xe ôm 400.000-500.000 đồng. Chưa hết, lao động thường đòi chủ tàu phải ứng trước 3-7 triệu đồng, thậm chí đến 10 triệu đồng/người trước khi bước chân xuống tàu. Tuy vậy vẫn có những trường hợp ra biển chỉ sóng cấp 5, cấp 6 đã say, nằm bẹp suốt chuyến...”.

Theo chủ tàu Vũ Văn Chững (57 tuổi, thôn Đồng Mới, xã Lập Lễ), đánh cá xa bờ phụ thuộc may rủi, nhưng lao động bước chân xuống tàu là đòi mức lương 5-7 triệu đồng/tháng. Chuyến nào lỗ chủ tàu vẫn phải trả đủ lương. Còn chuyến nào trúng có lãi phải thưởng thêm. “Chiều lao động là thế nhưng rốt cuộc tàu vẫn nằm bờ vì thiếu người” - ông Chững bộc bạch.

Theo ông Cự, xã Lập Lễ có trên 2.000 hộ (khoảng 11.500 dân) thì một nửa số hộ sống bằng nghề đánh cá, nuôi trồng thủy sản. Riêng lực lượng đánh cá tại chỗ là người địa phương chỉ chưa đầy 2.000 người, mà giờ chủ yếu là người trung niên, cao tuổi. Với 450 tàu lớn đánh xa bờ và trên 800 tàu nhỏ (dưới 40 CV) đánh bắt gần bờ thì cần lực lượng lao động rất lớn. Số lao động tại chỗ chỉ đáp ứng 30-40%. Mà lao động giờ ngại biển, ngại rủi ro nên quay lưng dần. Thành ra lúc nào làng chài cũng thiếu lao động trầm trọng...

Ông Đậu Văn Cường, chủ tịch Hội Nghề cá Hải Phòng, nói: “Nghề đánh bắt xa bờ rủi ro cả về con người lẫn tài sản. Thành ra ngay người địa phương giờ cũng đã quay lưng với nghề, ngân hàng cũng chẳng mặn mà cho vay đầu tư đánh bắt cá. Nguy cơ thời gian tới còn thiếu nhiều lao động”.

“Mỏ vàng” bỏ phí

Tình cảnh thiếu lao động, thiếu vốn cho nghề đánh bắt không chỉ xảy ra ở các làng chài huyện Thủy Nguyên, mà là tình cảnh chung của các tập đoàn, HTX đánh cá huyện Cát Hải, Kiến Thụy và quận Đồ Sơn.

Ông Hoàng Đình Triều, chủ tịch UBND phường Ngọc Hải (Đồ Sơn), khẳng định giờ tàu cứ ra khơi thì chắc chắn không lỗ, nhất là những tàu lớn, đi dài ngày đánh xa bờ. Theo ông Triều, những tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ có nhiều lợi thế là chịu được sóng to gió lớn, chở được nhiều hàng hóa và sản phẩm, mỗi chuyến đi biển cũng dài ngày hơn. Tiếc rằng để đủ nhân lực cho 164 tàu của phường có thể ra khơi xa, đánh lộng là việc không dễ dàng vì thiếu lao động.

Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đậu Văn Cường cho biết ông cũng đau đầu vì tình trạng trên. Nhiều lao động nghề cá bỏ đi biển để làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Nhiều chủ tàu không tìm đủ lao động biết nghề, không còn vốn duy trì khai thác vươn khơi, phải bán phương tiện hoặc phủ lưới nằm bờ. “Mang tiếng có trường ĐH Hàng hải nằm trên địa bàn, mỗi năm có hàng nghìn SV ra trường, nhưng theo báo cáo thống kê sơ bộ của trường, chỉ có 40% SV theo học các chuyên ngành liên quan tới vận tải, điều khiển, khai thác, quản lý biển... sẵn sàng xuống tàu ra khơi, số còn lại làm trái nghề. Đây là lãng phí lớn trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”, ông Cường nói.

Chính sách và thực tế còn khập khiễng

Theo Hội Nghề cá Hải Phòng, để hỗ trợ ngư dân Hải Phòng đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân 100% lãi suất vốn vay đóng mới và cải hoán tàu đánh cá vùng biển xa có công suất máy chính từ 90 CV trở lên.

Chủ trương là vậy nhưng trên thực tế từ đó đến nay địa phương chưa có hộ dân nào được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Nguyên nhân là quy trình, thủ tục (chẳng hạn đòi hỏi về tài sản thế chấp) nên việc vay vốn còn nhiều khó khăn.

Đ.BÌNH - T.HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên