08/05/2015 09:11 GMT+7

Làng cá nướng

HỒ VĂN - HÙNG TOÀN
HỒ VĂN - HÙNG TOÀN

TT - Bất kể mùa mưa hay mùa nắng, mùi cá nướng lẫn trong mùi khói than hồng, ngào ngạt hương vị của biển tràn ngập xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Phụ nữ làng Diễn Vạn làm việc trong lò nướng cá Ảnh: HỒ VĂN
Phụ nữ làng Diễn Vạn làm việc trong lò nướng cá - Ảnh: Hồ Văn

Qua khỏi cầu Vạn là tới đầu làng, ngôi làng nằm dọc con sông hướng ra biển với hàng chục lò nướng cá hai bên con đường xương sống của làng. Tuy không có người làm nghề biển, nhưng nướng cá đã là nghề truyền thống lâu đời của làng, nuôi sống hàng trăm gia đình làm nghề nướng cá thuê và làm chủ lò nướng.

Cả làng nướng cá

Dưới cái nắng hơn 37OC của xứ Nghệ, chúng tôi cảm thấy mỏi mệt, vậy mà hàng chục phụ nữ vẫn ngồi đối diện với lò than hồng nóng 100OC nướng từng vỉ cá. Những bàn tay thoăn thoắt đưa cá lên vỉ nướng, lật từng con cá để cá chín đều một cách chuyên nghiệp và gần như không để ý đến độ nóng của than hồng.

“Quen với nghề rồi, nóng cũng phải vào lò, không vào lò thì lấy gì trang trải cho cuộc sống hằng ngày” - chị Hoàng Thị Thanh (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) vừa nướng cá vừa cho biết. Đã theo nghề hơn 10 năm, chị Thanh nói dù trời lạnh hay nóng như đổ lửa, người nướng cá vẫn phải bịt kín người từ đầu đến chân như ninja.

“Nếu không bịt kín người thì hơi nóng sẽ làm sém, khô và nứt da. Đã theo nghề này thì người nào cũng có lần bị bỏng tay chân” - chị Thanh nói. Để “phòng hộ”, người lao động ngoài việc phải bịt kín từ đầu đến chân, hai bàn tay phải đeo găng loại chống nóng dày hai, ba lớp.

Chị Thanh là một trong 20 người nướng cá thuê cho chủ lò cá Hồ Thị Tâm trong xóm Trung Hậu. Mỗi ngày, lò này nướng không dưới 1 tấn cá đủ loại, ngày nhiều có khi nướng hết 1,5 tấn cá.

Chị Hồ Thị Tâm cho biết cứ tầm 4g-5g sáng là chồng chị cùng các bạn hàng khác và một số nhân công phụ việc lái ôtô về các bãi biển Diễn Thành, Diễn Hải (huyện Diễn Châu) hay xa hơn là các cảng biển tại thị xã Cửa Lò, Cửa Hội... mua cá tươi từ các ghe đánh bắt về.

Hầu hết chỉ mua được cá đã đông đá từ các tàu đánh bắt dài ngày, một lượng nhỏ mua được cá tươi đánh bắt trong đêm và thường phải cạnh tranh mua với cả người bán lẻ ở các chợ xã.

Cũng theo chị Tâm, nghề nướng cá vất vả như vậy nhưng mỗi ngày may mắn thì chủ lò như chị chỉ lãi được 500.000-1 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí, riêng công nhân thì chị trả 160.000 đồng/người/ngày.

Giống như chị Tâm, lò nướng cá của gia đình chị Lê Thị Hương (xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn) là một trong những lò lớn trong xã. Tại đây mỗi ngày cho ra lò khoảng 1 tấn cá nướng đưa đi tiêu thụ. “Tôi phải thuê năm nhân công nướng cá thường xuyên và khoảng năm người khác làm thời vụ tùy theo mùa cá nhiều hay ít.

Theo chị Hương, mùa đông cá nướng bán chạy nhất nhờ sự tiêu thụ mạnh từ các quán nhậu khắp miệt miền núi và cả thành Vinh của tỉnh Nghệ An, mùa nóng (mùa đánh bắt cá nhiều nhất) thì cá nướng bán ế hơn.

Nhưng ế hay đắt thì chủ lò cũng phải nuôi công nhân thường nhật với mỗi ngày 150.000 đồng, vì nếu không thì khi có cá về sẽ không có người nướng cho mình.

Một điều đặc biệt là trong xã chỉ có phụ nữ làm nghề nướng cá. Trong hơn 30 lò nướng cá của xã thì có hơn 200 người toàn là phụ nữ làm thuê. Những người nướng cá thuê cho biết khi chủ lò mua cá tươi về, cá được rửa sạch đem phơi khô nước mới nướng.

Trước đó, người nướng đã chuẩn bị các lò than đỏ rực lửa, dùng các thanh sắt dài (tùy lò, thường mỗi lò nướng bốn thanh) đặt lên lò rồi xếp cá lên nướng, trở cá chín đều. Khi cá chín thì đưa ra khỏi lò cho vào các thùng xốp có đục lỗ xung quanh.

Rồi chủ lò dùng các xe tải nhỏ chở lên các huyện miền núi phía tây Nghệ An tiêu thụ. Xe đưa cá về các chợ huyện, ở đó có các lái buôn sỉ và lẻ mua lại đem vào chợ bán, hay đưa đi bỏ mối các quán ăn và quán nhậu. Cũng có người dân và các quán nhậu tới mua trực tiếp tại xe bán hàng khi xe tới chợ.

Nướng cá đưa con vào đại học

Theo chủ lò Lê Thị Hương: “Các loại cá nướng được ưa chuộng nhất là cá trích, nục, bạc má, đỏ, thu nhỏ, đục, đốm, ju mông (tên địa phương)... Cũng có hộ còn nướng cả mực, nhưng chỉ là số lượng ít vì giá mắc mà thị trường tiêu thụ thường là các huyện miền núi”.

Ông Hoàng Minh Long, chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, cho biết mỗi ngày Diễn Vạn xuất khoảng 20 tấn cá nướng tiêu thụ khắp miền tây Nghệ An.

Theo các chủ lò nướng, tại những huyện miền núi phía tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp..., cá nướng được đưa vào các quán nhậu hay bếp ăn từng gia đình.Có chủ lò xây dựng hệ thống đại lý tại một số huyện và thuê người trực tiếp phụ trách các kênh bán cá.

“Các lò lớn thì vận chuyển cá nướng bằng ôtô của gia đình, lò nhỏ thì gửi theo xe khách hay đi ké xe của các lò lớn, riêng các hộ bán lẻ thì mua cá rồi đưa đi tiêu thụ bằng xe máy” - ông Võ Ngọc Hùng, cán bộ xã Diễn Vạn, cho hay.

Cũng theo ông Hùng, nghề nướng cá của xã không biết xuất hiện từ khi nào nhưng là nghề truyền đời từ xưa. Người làm thuê thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, các chủ lò thì khá giả hơn, nhiều chủ lò đã sắm được xe tải để vừa mua cá tươi vừa vận chuyển cá nướng đi tiêu thụ.

Ngoài ra, ăn theo nghề nướng cá là hàng chục người bán than, làm vỉ nướng, đan vỉ đựng và phơi cá.

Thấy chúng tôi thắc mắc sao không đưa cá tươi đi bán mà phải nướng, chị Lê Thị Hương cho biết: “Nghề nướng cá có từ lâu đời, trước đây không có ôtô phải đi xe đạp, xe máy, không có đá ướp như bây giờ nên người buôn cá phải nướng cá để giữ được cá lâu và bảo đảm thớ thịt cá được tươi ngon. Dù bây giờ có đá để ướp nhưng con cá không tươi và không giữ được thớ thịt thơm ngon, vì thế cá nướng vẫn được người dân ở xa thành phố Vinh hoặc không gần biển ưa chuộng”.

Nghề nướng cá của xã Diễn Vạn tuy vất vả nhưng hầu như không ai bỏ nghề vì ngoài nướng cá thì không còn nghề nghiệp gì khác để nuôi thân.

Chị Hoàng Thị Thanh cho biết: “10 năm rồi tôi theo nghề nướng cá vất vả nhưng phải bám trụ vì nhà không có đất ruộng sản xuất, còn chồng nay phụ hồ, mai làm công nhân không ổn định nên thu nhập từ nghề nướng cá cũng giúp tạm đủ nuôi cả gia đình”.

Nghe chị kể cũng nao lòng nhưng thật sự khâm phục khi được biết nhờ chắt chiu từ nghề nướng cá mà hai con của chị đã và đang theo học đại học. Theo chị Thanh, hai con trai của chị một đang học thạc sĩ ở Đại học Khoa học Huế, một đang học cao đẳng kinh tế ở Hà Nội. Được biết chuyện của chị Thanh không phải là cá biệt mà từ nghề cá nướng, người làm thuê đã và đang có hàng chục con em theo học các trường cao đẳng, đại học tại nhiều thành phố lớn.

Giấc mơ chuyên nghiệp

Ông Hoàng Minh Long, chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, phấn khởi: “Nghề nướng cá của làng có từ lâu rồi, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây mới phát triển mạnh, tập trung chủ yếu ở ba xóm Trung Hậu, Trung Phú và Yên Đồng. Chúng tôi đang làm đề án trình cấp trên xin được công nhận làng nghề để chuyển vào khu tập trung, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững.

Nếu được duyệt xây dựng khu tập trung thì xã sẽ có cơ hội xây dựng khu nướng cá chuyên nghiệp hơn với các công đoạn bài bản và khoa học hơn, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi đó xã sẽ có thể thành lập ban nghiên cứu về thị trường tiêu thụ để giúp bà con chủ động đầu vào lẫn đầu ra của con cá nướng, biết được loại nào tiêu thụ mạnh, tiêu thụ ở đâu...”.

Ngoài ra, theo ông Long, việc thành lập được khu trung tâm nướng cá chuyên nghiệp sẽ giải quyết thêm các công đoạn khác một cách chuyên nghiệp như cung cấp cá tươi, nguyên vật liệu (than, vỉ nướng cá...), tạo thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm việc làm cho con em trong xã.

HỒ VĂN - HÙNG TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên