Đìu hiu làng nghề trăm tuổi
Đến làng bánh tráng Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vào một buổi sáng cận Tết tiết trời se lạnh, dọc bên bờ kênh Thốt Nốt, người dân bắt đầu đem những vỉ bánh tráng ra để đón cái nắng đầu ngày. Khói từ bếp của những hộ làm bánh tráng bay ra ngoài, kèm theo thoang thoảng mùi thơm vị sữa trộn lẫn nước cốt dừa. Tất cả tạo nên một khung cảnh làng quê yên bình, trái ngược hoàn toàn so với sự huyên náo ở thị trấn cách đó không xa.
Bà Thái Kim Thàng (60 tuổi) đang tất bật tráng bánh để phục vụ khách hàng vào dịp Tết. Dù đã có tuổi nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt tráng bột làm những chiếc bánh tráng trên bếp.
"Ngày thường, tôi chỉ làm khoảng 100-200 bánh/ngày. Còn vào những dịp lễ, Tết lượng khách đặt mua bánh tráng tăng lên nhiều. Gia đình tôi phải làm khoảng vài trăm bánh, có khi thức từ khuya đến đêm muộn để làm bánh kịp giao hàng cho khách. Bánh tráng ngon là bánh tráng phải dẻo. Bánh tráng ngọt mà làm bằng máy sẽ không làm được, máy móc chỉ làm bánh tráng bình thường thôi", bà Thàng nói.
Còn bà Nguyễn Diễm Xuân (62 tuổi, ngụ xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng) cho biết bà có 50 năm làm bánh tráng. Tuy nhiên, Tết năm nay lượng khách hàng đặt bánh tráng đã giảm hơn so với năm trước. Nếu năm trước ở thời điểm này đã có khách đặt mấy ngàn thì nay khách chỉ đặt khoảng 3.000 cái.
Nhìn về bếp lửa, ánh mắt bà Xuân không giấu được sự lo lắng về việc làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng đang dần bị "xóa sổ". "Để sống được với nghề làm bánh tráng truyền thống là câu chuyện rất gian nan, vì kinh tế thu được từ nghề rất hạn hẹp. Hiện nay rất nhiều người, trong đó có con cháu tôi chẳng còn thiết tha gìn giữ nữa. Chúng nó tìm việc ở công ty rồi. Nó nói nghề này cực quá, nghe buồn lắm", bà Xuân nói.
Nghề bánh tráng có "xóa sổ"?
Nói về việc này, ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh - phó chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng - khẳng định: "Số lao động và số hộ tham gia làm bánh tráng Thạnh Hưng có giảm so với trước kia nhưng sản lượng vẫn còn nhiều. Hiện tại có cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài đã sử dụng máy móc để sản xuất bánh tráng với số lượng lớn cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh nhiều".
Năm 2017, làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng được công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân như: giá nguyên liệu tăng, nguồn lao động trẻ không mặn mà... đã khiến từ một làng nghề sôi động, nhiều hộ tham gia thì nay chỉ còn khoảng 10 hộ bám trụ. Trước vấn đề nghề truyền thống dần dần bị xóa sổ, địa phương đã có nhiều hỗ trợ như: cho vay vốn, mở rộng sản xuất, đăng ký sản phẩm OCOP...
Bánh tráng Thạnh Hưng được thương lái mua và vận chuyển đi khắp các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau… Thời điểm cận Tết lại càng thêm nhộn nhịp, bếp lò đỏ lửa cả ngày lẫn đêm để có thể "chạy" kịp đơn hàng.
Rời làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng khi không khí lạnh đã nhường chỗ cho cái nóng oi ả. Dù chẳng biết mai này cái nghề trăm tuổi có còn được gìn giữ hay không, nhưng những người đang sống với nghề thì vẫn cứ lạc quan và tiếp tục duy trì với hy vọng ngày mai sẽ khác. Thời điểm này, những người thợ làm bánh tráng lại bận rộn hơn với những đơn hàng cuối năm, báo hiệu cho một mùa xuân mới đang về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận