22/10/2012 10:23 GMT+7

Lan tỏa những tấm lòng

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Giữa đất Sài Gòn đắt đỏ, nếu một ngày bạn phát hiện trong túi mình chỉ còn vài ngàn lẻ, bạn sẽ sống sao đây? “Vẫn sống được” - câu trả lời của ông Tư Hòa, một ông già với thâm niên bán vé số dạo gần chục năm. Sống làm sao thì cứ nhìn ông là biết.

Sau nửa ngày mài mòn chân trên đường phố Sài Gòn, thứ ba, năm, bảy, ông ghé quán cơm 2.000 đồng ở đường Ngô Quyền, P.5, Q.10 ăn một phần thật nhiều cơm. Trưa các ngày thứ hai, tư, sáu, ông Tư đổi lộ trình, đi bộ tới đường 281, P.15, Q.11. Ở đây cũng có một quán cơm giá 2.000 đồng khác sẵn sàng chờ đợi để phục vụ những thực khách ít tiền như ông. “Vậy còn chủ nhật?”. Ông cười xòa: “Còn thiếu gì chỗ. Chủ nhật người ta có phát cháo trên đường Nơ Trang Long, ở gần Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Khu vực gần Bệnh viện Ung bướu mỗi ngày đều có nấu cơm, canh cho thân nhân, bệnh nhân và người nghèo”.

Dọc theo bước đường bán dạo, hôm nào bán lòng vòng Q.3 thì buổi ăn trưa của ông Tư sẽ ở quán cơm Thiện Tâm, đường Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3. Nếu đi bán phía Q.5, ông ghé chùa Vạn Thiện ở hẻm 360 đường Trần Phú, P.4, Q.5. Đi bán ở Q.Bình Thạnh càng không sợ đói vì có đến mấy điểm nấu cơm miễn phí phục vụ người nghèo: quán cơm chay xã hội ở đường Vũ Tùng, P.1 hay bếp cơm ở chùa Diệu Pháp, đường Nơ Trang Long, P.13... Ông Tư ít khi nào đi bán ở phía Q.Thủ Đức nhưng ông nói nếu có đi mé đó cũng yên tâm, vì mấy ông bạn đồng nghiệp của ông nói là ở đường Đặng Văn Bi cũng có nấu cơm chay phục vụ người nghèo mỗi ngày cả mấy trăm suất.

Ông Tư kể có hôm tới ăn ở quán cơm 2.000 đồng, ông ngồi chung với một đôi nam nữ chừng 20 tuổi. Nhìn cách ăn bận lịch sự của họ, ông đoán họ không phải người nghèo. “Hai cô cậu đó hỏi thăm tui nhiều. Hỏi ra mới biết cậu này đi du học đã mấy năm, giờ về thăm nhà, nghe nói Sài Gòn có quán cơm 2.000 đồng nên kêu bạn gái chở tới ăn cho biết. Ăn xong, tui thấy cậu đó để lại tờ 50.000 đồng dưới đĩa cơm. Cậu còn biếu tui 60.000 đồng, nói là mời tui ăn cơm một tháng” - ông cười nhớ lại.

Còn mỗi lần ghé ăn cơm miễn phí ở quán Thiện Tâm ven đường Hoàng Sa, ông Tư đều gặp một người đàn ông trung niên ăn mặc lịch sự. Nghe đâu ông này làm việc ở một ngân hàng lớn. Trưa nào ông cũng nhín thời gian ghé quán... nhìn thực khách ăn cơm. Lâu lâu lại có một anh xích lô, bác xe ôm đến gặp ông xin cho con mình chiếc xe đạp, xin “tài trợ” cái ruột xe... Và lần nào ông cũng gật đầu.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên