25/06/2022 12:07 GMT+7

Lần đầu tiên vẽ Kiều bằng pháp lam

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Lần đầu tiên một người con xứ Huế vẽ Truyện Kiều bằng một nghệ thuật tưởng chừng như đã thất truyền của xứ Huế - pháp lam.

Lần đầu tiên vẽ Kiều bằng pháp lam - Ảnh 1.

Lần đầu tiên tại Huế diễn ra một cuộc triển lãm Truyện Kiều vẽ bằng nghệ thuật pháp lam - Ảnh: NHẬT LINH

Sáng 25-6, tại cung An Định cổ kính, thạc sĩ Đỗ Hữu Triết cùng cộng sự đã giới thiệu đến công chúng bộ tranh 20 bức vẽ Truyện Kiều bằng nghệ thuật pháp lam.

Pháp lam là tên gọi của sản phẩm mỹ thuật có cốt bằng đồng, bên ngoài phủ nhiều lớp men, với những hình ảnh và màu sắc trang trí, rồi đem nung ở nhiệt độ cao mà tạo thành.

Lần đầu tiên vẽ Kiều bằng pháp lam - Ảnh 2.

"Khóc rằng trí dũng có thừa/ Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này". Bức tranh vẽ Truyện Kiều bằng pháp lam minh họa phân đoạn Từ Hải chết đứng - Ảnh: NHẬT LINH

Do cách thức chế tác đặc biệt đó nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền cao, có khả năng chống chịu trước sức va đập hoặc sự ăn mòn của môi trường.

Vào thời Nguyễn, các nghệ nhân Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm pháp lam từ Trung Quốc, rồi biến hóa thành kỹ thuật pháp lam Huế.

Nghệ thuật pháp lam Huế phát triển mạnh dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đến thời vua Đồng Khánh thì sa sút dần rồi mất hẳn.

Mãi cho đến những năm đầu thập niên 2000, một số nhóm nghiên cứu đã nỗ lực khôi phục kỹ thuật chế tác pháp lam Huế nhằm phục vụ cho cuộc trùng tu di tích, và hồi sinh một ngành nghệ thuật độc đáo của Huế đã bị thất truyền.

Trong số đó, công trình nghiên cứu của thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và các cộng sự tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pháp Lam Huế đã đạt kết quả rất ấn tượng.

Lần đầu tiên vẽ Kiều bằng pháp lam - Ảnh 3.

"Cửa trời rộng mở đường mây/ Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần" - Ảnh: NHẬT LINH

Không chỉ hồi sinh kỹ thuật pháp lam Huế, thạc sĩ Đỗ Hữu Triết và cộng sự còn dựa trên nền tảng của dòng họa pháp lam để nâng kỹ thuật pháp lam thành nghệ thuật tạo hình, nhằm sáng tạo nên những tác phẩm mỹ thuật. Và bộ tranh Kiều vẽ bằng pháp lam ra mắt tại triển lãm lần này chính là một trong những tác phẩm kỳ công của họ.

20 bức tranh được lấy từ nguyên gốc là tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Mạnh Hưng vẽ trong sách Truyện Thúy Kiều, do nhà in Ngô Tử Hạ (Hà Nội) ấn hành năm 1925. Mỗi bức tranh có 1 câu thơ của Truyện Kiều, được các họa sĩ pháp lam giữ nguyên đường nét và bố cục của tranh gốc nhưng sáng tạo thêm màu sắc bằng kỹ thuật pháp lam.

Màu sắc của bộ Kiều pháp lam không bó hẹp trong khuôn khổ trang trí mà còn đạt đến sự phối màu hòa quyện của hội họa. Đặc biệt, bộ tranh này là tác phẩm độc bản duy nhất vẽ Kiều bằng pháp lam ở Việt Nam hiện nay.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông, triển lãm đã mang lại cho du khách những bức tranh vẽ Kiều mới lạ, thú vị và đặc biệt khẳng định sự hồi sinh của một bộ môn nghệ thuật cung đình tưởng chừng đã thất truyền ở xứ Huế.

"Đây là một tín hiệu đáng mừng cho Huế khi đã hồi sinh, gìn giữ và phát triển một loại hình nghệ thuật độc đáo như pháp lam", ông Thông nói.

Triển lãm mở cửa miễn phí đón du khách từ nay đến hết Tuần lễ Festival Huế 2022.

Lần đầu tiên tranh thủy mặc vẽ trên pháp lam Lần đầu tiên tranh thủy mặc vẽ trên pháp lam

TT - 15 bức tranh thủy mặc vẽ trên chất liệu pháp lam do tác giả Hoàng Đức - Chỉnh Tuệ (một hòa thượng ở TP.HCM) thực hiện đang được triển lãm tại Gác Trịnh, số 203/19 Nguyễn Trường Tộ, TP Huế.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên