06/09/2024 09:04 GMT+7

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành?

Từ việc nhiều trẻ bị bạo hành tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM), nhiều người đặt ra vấn đề nhức nhối: Đã có rất nhiều vụ tương tự, nhưng tại sao sự việc đau lòng đó vẫn tái diễn? Giải pháp nào để bảo vệ các em?

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 1.

Chiều 4-9, cơ quan chức năng phối hợp đưa trẻ từ mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký (quận 12) đến cơ sở bảo trợ xã hội công lập - Ảnh: NGỌC KHẢI

Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng cần phải có đồng bộ nhiều giải pháp, từ con người đến cơ chế giám sát và mức chế tài vi phạm.

* Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM):

Hành hạ người khác mà hình phạt cao nhất chỉ 3 năm tù!

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 2.

Theo Luật Trẻ em sửa đổi bổ sung năm 2018, các hành vi như xâm hại trẻ em hoặc bạo lực trẻ em thuộc các hành vi bị nghiêm cấm.

Luật cũng nghiêm cấm lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

Bộ luật Hình sự đã có chế tài về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em tại điều 140 về "tội hành hạ người khác".

Khung hình phạt cao nhất chỉ là 3 năm tù, trường hợp gây thương tích cho trẻ bị xử lý "tội cố ý gây thương tích". Còn nếu hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Trẻ em không có hoặc khả năng tự vệ hạn chế, do đó ngoài quy định của pháp luật, cần cơ chế giám sát đặc biệt của Nhà nước đối với các tổ chức nhận nuôi trẻ em, nhất là cơ sở nuôi dưỡng nhiều trẻ và cần phải quy trách nhiệm cho cơ quan đại diện nhà nước giám sát việc này.

* Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Kiểm tra định kỳ ít nhất sáu tháng một lần

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 3.

Sự việc tại mái ấm Hoa Hồng hết sức đau lòng. Để bảo vệ trẻ trong các cơ sở thế này, trước hết cần tăng cường việc kiểm tra và giám sát định kỳ từ cơ quan chức năng.

Theo các quy định, các cơ quan chức năng như sở lao động - thương binh và xã hội, sở y tế và công an địa phương phải kiểm tra định kỳ ít nhất sáu tháng một lần về điều kiện cơ sở vật chất, hồ sơ sức khỏe, giáo dục của trẻ và mức độ tuân thủ các quy định.

Các cơ sở này cũng phải tuân thủ quy định về số lượng trẻ nuôi dạy theo giấy phép, nếu vượt quá cần được xử lý nghiêm.

Song song đó cần có hệ thống giám sát qua camera tại các khu vực sinh hoạt chung, lớp học, các khu vực có trẻ để đảm bảo việc giám sát liên tục và phải được kết nối với cơ quan quản lý.

Các nhân viên làm việc tại cơ sở phải được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng chăm sóc trẻ, tâm lý học trẻ em và các quy định pháp luật liên quan đến quyền trẻ em. Việc này nhằm đảm bảo rằng họ có đủ năng lực và kiến thức chăm sóc trẻ đúng cách.

* Ông Nguyễn Tăng Minh (phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM):

Tăng cường kiểm tra chéo

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 4.

Phải khẳng định công tác bảo trợ trẻ em bị "bỏ rơi", bên cạnh các cơ sở bảo trợ công lập cũng rất cần các cơ sở ngoài công lập, bởi ngân sách không thể chăm lo hết được.

Tùy vào quy mô tiếp nhận, có những cơ sở, mái ấm do quận, huyện cấp giấy phép và cũng do địa phương kiểm tra giám sát. Hằng tháng địa phương vẫn báo cáo tình hình hoạt động cho sở.

Tuy nhiên sau sự việc này sở sẽ tăng cường kiểm tra chéo, có thể sở trực tiếp kiểm tra sau kiểm tra của quận, huyện.

Vụ việc xảy ra ở mái ấm Hoa Hồng cho thấy có tới 85 trẻ (cao hơn số lượng cấp phép) nên việc chăm sóc không thể bảo đảm được. Do đó phải tăng cường kiểm tra giám sát về quy mô tiếp nhận, điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc các bé. Riêng đối với việc chăm sóc trẻ phải càng yêu cầu đặc biệt hơn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.

* Ông Đặng Hoa Nam (cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):

Phải sàng lọc dấu hiệu vi phạm

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 5.

Luật Trẻ em 2016 quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách từ cấp xã, phòng ngừa nguy cơ xâm hại từ sớm.

Thực tế công chức cấp xã lao động xã hội được phân công vốn nhiều việc, thường xuyên quá tải, không đủ thời gian đảm đương nhiều nhiệm vụ giám sát.

Do đó việc có đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp rất cần thiết. Đây là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ giám sát hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, cộng đồng hoặc các cơ sở trợ giúp xã hội.

Cơ quan chức năng cũng tập trung giám sát các nội dung về cơ sở vật chất, hệ thống camera giám sát, chuyên môn, phẩm chất, tâm lý, tình yêu trẻ của người chăm sóc...

Qua sự việc này, tôi cho rằng việc tiếp nhận, nuôi dưỡng tại các cơ sở chăm sóc trẻ tập trung phải được thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Quan trọng nhất vẫn là việc sàng lọc dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa vì nếu để xảy ra hậu quả rất đau lòng.

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 6.

* Bà Nguyễn Thị Hồng Quế (hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 2):

Yêu nghề, mến trẻ mới chịu được áp lực công việc

Với nghề bảo mẫu, không chỉ cần có nghiệp vụ mà các cô còn phải yêu nghề, mến trẻ mới chịu đựng được áp lực của công việc.

Tôi nghĩ trách nhiệm, nguyên tắc và tình cảm của người chủ ở những nơi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ rất quan trọng. Còn nếu làm không nổi thì không nên mở.

Liên tiếp các vụ trẻ em bị bạo hành

- Tháng 4-2024, mạng xã hội lan truyền hai video ghi cảnh người phụ nữ có hành động dùng tay, đồ vật đánh một bé trai khiến cháu bé khóc nghẹn, la hét thất thanh. Vụ việc sau đó được xác định xảy ra tại nhóm lớp mầm non Tí Bo trên đường Linh Đông, phường Linh Đông, Thủ Đức (TP.HCM). Cùng thời điểm này, một bé trai 8 tháng tuổi được phát hiện chết bất thường ở nơi giữ trẻ tự phát tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương.

- Tháng 7, UBND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) xử phạt hành chính, buộc bà T.T.N. (39 tuổi, trú phường Tân Lợi, chủ nhóm trẻ) xin lỗi công khai. Trước đó người dân có clip tố cáo nhóm giữ trẻ trái phép này tát trẻ 3 tuổi khi cho ăn.

- Chiều 1-9, Công an phường Ia Kring (TP Pleiku, Gia Lai) nhận tin báo bé Hồ Dương Tuấn Kiệt (5 tuổi, thiểu năng, không nói được) bị bạo hành khi đang được nuôi dưỡng tại một cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trên đường Trần Nhật Duật, TP Pleiku và qua đời sau đó với nhiều vết thương trên cơ thể. Ngày 5-9, Công an tỉnh Gia Lai xác định nguyên nhân ban đầu khiến bé tử vong là do bị bạo hành.

- Ngày 4-9, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Võ Thị Mỹ Linh (31 tuổi, quê Đồng Tháp) tù chung thân về tội giết người. Trong quá trình nhận giữ trẻ tại căn hộ chung cư ở quận Bình Tân, Linh nhiều lần dùng ức lòng bàn tay đánh vào đỉnh đầu bé N.D.H.A. (sinh ngày 1-7-2022) do bé quẫy đạp không cho thay tã khiến bé tử vong.

Làm sao ngăn trẻ bị bạo hành? - Ảnh 7.Công an quận 12 tạm giữ hình sự bảo mẫu của mái ấm Hoa Hồng

Bước đầu công an xác định có 5 bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) có hành vi hành hạ trẻ em được nuôi dưỡng tại đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên