Bi kịch gia đình, hậu quả xã hội cũng từ đó mà ra và chưa bao giờ giảm bớt.
Những đứa con lớn lên với mùi rượu
Người thân của tôi qua đời khi mới ngoài tuổi 60, ông không bệnh gì đáng kể ngoài việc suy kiệt vì nhiều năm uống rượu không ăn.
Mỗi sáng ông điểm tâm với vài ly đế, cũng có chút hủ tiếu hoặc bánh canh gọi là đưa cay, chủ yếu là làm mấy ly với ông bạn cùng sở thích.
Trưa kiểu gì cũng có một chầu, chiều chầu khác nữa. Những năm tháng cuối đời, ông bị chứng khó ngủ hành hạ, thường thức dậy nửa đêm và… uống một mình trong đêm.
Kiểu dân nhậu ở quê đâu có chịu mua rượu uống vài ly mỗi bữa cơm! Uống phải có bạn bè chiến hữu và phải có một điểm hẹn.
Điểm hẹn thường ở nhà ai đó. Và người trong nhà ấy ngày nào cũng phải nghe những giọng nói lè nhè của người say, chịu khó dọn rửa chén đũa, lau dọn bàn ghế.
Ông của tôi qua đời sau một lần uống rượu bị pha quá nhiều cồn công nghiệp (là các chiến hữu nhậu cùng nói vậy). Ai đi thì đi, ai ở cứ uống tiếp.
Năm năm sau thì chiến hữu lần lượt từ giã cuộc đời, chỉ một còn sống, sau cơn tai biến mạch máu não ông đã thôi uống rượu.
Chết vì rượu là cái chết từ từ, có khi hơn 20 năm kể từ khi ai đó bắt đầu nghiện, ngày nào cũng phải uống, rồi ngày uống mấy lần, rồi đêm cũng phải uống.
"Chết" ở đây không phải là việc trút hơi thở cuối cùng mà là chết dần khi bao người từ lao động chính trong nhà đã không thể làm lụng được như xưa, tay chân đã run và người lúc nào cũng phải tìm nơi có "độ", hoặc tự "gầy độ" để uống.
Chết từ khi người đàn ông có thể từng rất giỏi, vì say rượu triền miên mà suốt ngày lè nhè những chuyện xa lạ với người thân.
Bao nhiêu đứa trẻ lớn lên với cảnh cha chú (và cả ông nữa) ngày nào cũng có mùi men khật khưỡng về nhà? Rồi bao nhiêu bé trai, có cả bé gái trong số đó lớn lên đã thường xuyên uống rượu từ tuổi thiếu niên?
Ai trong cảnh này mới thấu hiểu sự chịu đựng triền miên của vợ con họ. Sự chịu đựng cũng có giới hạn. Khi phụ nữ quần quật lo làm lo cho con và lo cả cho người ngày nào cũng uống rượu, lo đến hàng chục năm… bao ấm ức tích tụ rất dễ dẫn đến bi kịch gia đình.
Những chuyện buồn kiểu này nơi nào cũng có. Điều này dứt khoát phải thay đổi. Và cũng không phải là chuyện riêng của nhà ai bởi hậu quả cay đắng hàng mấy mươi năm rồi.
Đây là câu chuyện nhận thức xã hội. Đi kèm với nó là các giải pháp lớn trong việc quản lý việc bán bia, rượu.
Quyết loại bỏ việc lạm dụng rượu bia
Chuyện nhậu không phải là chuyện của người nông nhàn hay người rảnh rang, không có việc. Ngày làm tối nhậu, sáng làm chiều nhậu.
Người đi làm việc cơ quan có đủ thứ lý do rủ nhau sau giờ làm việc đi lai rai. Một người trong nhóm được lên lương, nên mừng cho anh ấy.
Bị sếp phê bình, rủ bạn bè nhậu để tâm sự giãi bày. Có người mới vào đơn vị, nhậu để đón tiếp, làm quen. Người rời đơn vị hay được đề bạt lên cao, nhậu để chia tay, chúc mừng.
Công nhân, nông dân xong việc, nhậu để quên nhọc mệt trong ngày. Văn nghệ sĩ dùng men rượu để tìm cảm hứng.
Rồi thì quan, hôn, tang, tế, thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, cưới hỏi, bia và rượu là thức uống không thể thiếu.
Cứ thế, có khi cả tuần do mời mọc, nài ép, nể nang nhau mà không ngày nào về đến nhà trong trạng thái tỉnh táo.
Cho đến lúc sáng không có rượu thì run tay, chiều không có rượu thì bứt rứt, đường đến bệnh viện sớm sẽ quen chân, thời điểm đi gặp tổ tiên không còn xa nữa. Nhiều người biết vậy nhưng do nể bụng nhau mà không thể chối từ.
Gần đây khi thấy người ta không ép rượu nhau trong đám cưới, đám ma, tôi thấy biện pháp kiểm tra nồng độ cồn để xử phạt bước đầu có tác dụng.
Nếu duy trì mức độ quyết liệt và nghiêm minh chắc chắn sẽ thay đổi dần thói quen, tập quán ăn nhậu tiệc tùng của người Việt Nam.
Nhưng muốn hạn chế tối đa tác hại của rượu, bia còn cần phải có thêm nhiều biện pháp như: quản lý việc sản xuất rượu, bia thủ công; sản phẩm phải có thương hiệu đăng ký đàng hoàng, đóng chai dán nhãn cẩn thận, thường xuyên được kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, và phải chịu thuế thật cao để lấy tiền cấp cho ngân sách y tế.
Mấy hôm nay, xã hội nặng nề hơn với những vụ con giết cha vì cha hay nhậu và la mắng con, rồi vụ sau khi có men dùng vũ lực cưỡng hiếp lão bà gần đất xa trời, chú rể ngồi nhậu ngay sau đám cưới rồi xích mích và bị bắn phải đi cấp cứu…
Biết bao câu chuyện và tai nạn thương tâm khác nữa, căn nguyên là do "ma men" gây ra đó thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận