24/04/2018 18:59 GMT+7

Làm sao để trẻ khuyết tật có khả năng tự vệ?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Trẻ bình thường để yêu thương đúng cách đã không dễ, với trẻ bị khuyết tật còn khó hơn nhiều. Một tọa đàm với tên gọi “Yêu thương con đúng cách” vừa diễn ra tại Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội, nơi dạy dỗ những trẻ thiệt thòi.

Làm sao để trẻ khuyết tật có khả năng tự vệ? - Ảnh 1.

Một phụ huynh phát biểu tại tọa đàm "Yêu thương con đúng cách" - Ảnh: LÊ KIÊN

Hơn 1.000 trẻ trai và gái là nạn nhân của xâm hại tình dục, trong đó nhóm trẻ khiếm thính, khiếm thị có nguy cơ rất cao rơi vào tình trạng này, đây là số liệu thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội năm 2016 được nhóm KID+ thông tin tại buổi tọa đàm. 

KID+ là nhóm thực hiện dự án phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em đang hỗ trợ các trường, trung tâm trẻ khiếm thính, khiếm thị tại Hà Nội. 

Cũng chia sẻ về nguy cơ này, bà Phạm Lan Hương - Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - chia sẻ những câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ khiếm thính, khiếm thị bị kẻ xấu hãm hại trên đường do thiếu kỹ năng xử lý tình huống, và vì khiếm khuyết nên không có khả năng tự vệ.

"Khi phát hiện con khuyết tật, một số bố, mẹ nảy sinh tâm lý đổ lỗi cho nhau. Có những gia đình ly hôn. Nhưng cũng có những bậc phụ huynh khi thấy con khuyết tật thì nghĩ con mình không còn hy vọng gì cả, hoặc chỉ chăm sóc, làm giúp con mọi việc mà không chú ý đến việc giúp con có được các kỹ năng để tự lập và hòa nhập", một cô giáo chia sẻ tại tọa đàm.

"Yêu thương con đúng cách" là làm sao để những trẻ có kỹ năng để có thể chung sống và bảo vệ bản thân mình. Và quan trọng là với sự yêu thương và hỗ trợ đúng cách, nhiều người khuyết tật đã thành công trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một bà mẹ đã đồng hành với cô con gái khi phát hiện con bị khiếm thính từ năm 2 tuổi đến nay - khi cô đã trở thành một giáo viên cho biết: "Quá trình dạy con tôi hiểu, cái gì những đứa trẻ bình thường làm được thì con cũng làm được, chỉ cần kiên trì, tỉ mỉ dạy con". 

Khi chưa học được ngôn ngữ ký hiệu (bằng tay) thì những đứa trẻ khiếm thính không có bất cứ phương tiện nào giao tiếp với thế giới bên ngoài và người mẹ trở thành phiên dịch, là cầu nối của con với thế giới bên ngoài.

Không chỉ giao tiếp thông thường, để trẻ học được những kiến thức cơ bản, đối với các thầy, cô giáo dạy trẻ khiếm thính, khó khăn gấp hàng chục lần những giáo viên dạy trẻ bình thường. 

Cô Trịnh Thị Liên, giáo viên Trường PTCS Xã Đàn, cho biết "một bài tập đọc với trẻ khiếm thính thực sự khó khăn vì ngoài việc dạy trẻ phát âm, còn phải giải thích cho trẻ hiểu những nội dung đơn giản. Có những điều trẻ bình thường đều biết thì trẻ khiếm thính phải mất một khoảng thời gian dài để giải thích, để giúp các em cảm nhận, trải nghiệm với các giác quan khác. 

Vốn từ, ngôn ngữ của trẻ khiếm thính có thể phát triển tốt nhưng cần một quá trình nhẫn nại của người thầy, và đăng sau là sự đồng hành của cha mẹ.

Tại Hà Nội hiện nay có một số trường nhận trẻ khiếm thính, khiếm thị vào lớp hòa nhập nhưng trừ các trường, trung tâm chuyên biệt như Trường Xã Đàn thì các nơi khác không có nhiều thời gian, không có giáo viên đặc biệt có chuyên môn để kèm cặp những trẻ thiệt thòi này.

Nhưng có một nghịch lý là hàng năm có khá nhiều sinh viên tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt ở các trường đại học sư phạm ra trường không xin được việc làm trong các trường công lập chỉ vì không có định biên. Người ta không thể dành một suất biên chế để nhận một giáo viên đặc biệt chỉ để dạy dỗ vài học sinh khuyết tật.

Chính điều này cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhiều bậc phụ huynh khi không may có con không lành lặn về thể chất. Tại tọa đàm, phần lớn phụ huynh đều chỉ bày tỏ mong muốn "con được hòa nhập"…

Không phải những kỳ vọng về điểm số, về thành tích, danh hiệu như hàng triệu bậc cha mẹ khác mà ước mơ khiêm tốn "được hòa nhập" cũng quá khó khăn.

Thông tư liên bộ số 42 giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật quy định về mức học bổng dành cho người khuyết tật đi học tại các cơ sở giáo dục - mới chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính nhưng đã đầy khó khăn khi thực hiện vì có những thủ tục rắc rối khiến nhiều người khuyết tật không đảm bảo các điều kiện để được thụ hưởng. 

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hệ thống trường, trung tâm có thể tiếp nhận trẻ khuyết tật, chính sách thu hút giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Ở một buổi tọa đàm có rất nhiều nước mắt như buổi tọa đàm ở Trường Xã Đàn, nước mắt của cha, mẹ của thầy, cô giáo đủ thấy những giá trị mà họ cố công để có được vì một mục đích chung là "yêu thương đúng cách" với những trẻ thiệt thòi thật gian nan.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên