09/08/2018 15:35 GMT+7

Làm sao để gọi tên cảm xúc?

NGUYỄN TƯỜNG
NGUYỄN TƯỜNG

TTO - Gọi tên cảm xúc là việc khó. Gọi tên những cảm xúc hiện đại, trong những tình cảnh phức tạp của những năm tháng “khi người ta trẻ” lại càng khó.

Làm sao để gọi tên cảm xúc? - Ảnh 1.

Ảnh: N.T.

Cái có thể gặp ngay ở cuốn sách này đó là cảm giác tươi trẻ của một lối làm sách, “pha chế từ điển” đầy sáng tạo.

Có khi tưởng chừng xới tung cả kho tàng ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn khó huy động ra một từ chỉ để diễn tả một cảm xúc thoáng qua.

Thành thử, ý tưởng cho cuốn Từ điển cảm xúc thế giới (Nhóm của Chuyện, NXB Kim Đồng) thiệt hay ho. Hay ho ở chỗ thế này: có một nhóm bạn hợp nhau trên mạng, lấy tên là "Chuyện" vào năm 2014, họ chia sẻ những chuyện nho nhỏ về đời sống; sau một năm, họ quay sang ý tưởng... làm từ điển cảm xúc. 

Họ gom các từ chỉ trạng thái cảm xúc thú vị (khó gọi tên bằng tiếng Việt) để giới thiệu tới người đọc. Vậy là cuốn từ điển hoàn thành sau 3 năm, họ có gần 200 từ (mà họ gọi là "hạt cát trong đại dương") để tạo nên cuốn sách này.

Quá phù hợp để bỏ trong balô, khi chờ một người bạn ở tiệm cà phê, lúc di chuyển nơi nọ tới nơi kia có thể lấy ra đọc vài mục từ và mỉm cười. Có thể khi ta đang rơi vào một trạng thái nào đó khó diễn dịch gọn gàng thì cuốn sách nhỏ này cho ngay một từ bất ngờ từ một thứ tiếng khác.

Ví dụ, tiếng Tây Ban Nha có từ "tequiero" để chỉ trạng thái "giữa thích và yêu", tiếng Bồ Đào Nha lại có từ "saudade" chỉ cảm giác trống vắng nhớ nhung một ai, một vật gì không còn thuộc về mình, hay tâm lý học có từ "limerence" chỉ sự yêu mãnh liệt đến đáng sợ (thứ gì quá mức thì cũng đáng sợ thật!). 

Có những thứ cảm nhận hiện tượng tự nhiên khó gọi tên, cũng có từ gọi. 

Chẳng hạn tiếng Hi Lạp có từ "petrichor" để tả "mùi của mưa trên đất khô" (thi ca quá!), "sitooterie" là từ gốc Scotland chỉ một nơi thật sự tĩnh lặng - "nơi ngoài kia mình cùng ngồi" hay tiếng Đức lý tính là vậy nhưng có từ "fensterln" để chỉ hành động lãng mạn của anh Romeo leo cửa sổ vào phòng bạn gái; 

Tiếng Pháp đẹp là vậy nhưng cũng có chỗ cho "tính hấp dẫn của sự xấu" qua từ "Jolie laide", ngôn ngữ Do Thái theo chân dân tộc kinh qua lịch sử xê dịch vậy nhưng cũng kịp đẻ ra từ "luftmensch" để chỉ "những kẻ sống trên mây".

Nhà thơ Xuân Diệu sẽ giật mình khi tiếng Nhật có một từ để nói về trạng thái của cô thiếu nữ trong bài thơ Đây mùa thu tới - cảm giác "tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì" đó, gọi vắn tắt là "boketto". 

Nhưng cũng ngó ra cửa đó, mà chỉ cần có một đối tượng để chờ đợi (dù chẳng biết đối tượng ấy có đến không), thì người Eskimo sống quen trong băng giá hoang vắng sẽ nói ngắn gọn "iktsuarpok"...

Một chút hài hước trong cách dẫn dắt, trình bày, diễn giải, tranh vẽ... làm cho cuốn từ điển bỏ túi trở nên thú vị. Chẳng ai đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, nhưng cái có thể gặp ngay đó là cảm giác tươi trẻ của một lối làm sách, "pha chế từ điển" đầy sáng tạo. 

Cuốn từ điển cảm xúc này cho người đọc một sự thoải mái nhất khi đọc. Và vì là từ điển cảm xúc nên người đọc cũng có thể chia sẻ với những gì cảm tính của nhóm thực hiện.

Không sao, vui mà!

Dạy con gọi tên cảm xúc: Hãy trở thành những bậc cha mẹ vừa - đủ - tốt Dạy con gọi tên cảm xúc: Hãy trở thành những bậc cha mẹ vừa - đủ - tốt

TTO - Chương trình trao đổi về quan điểm nuôi dạy con của các chuyên gia tâm lý, triết học, xã hội học vừa thu hút nhiều phụ huynh và các bạn trẻ tại không gian Cà phê thứ bảy sáng 8-7.

NGUYỄN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên