07/02/2012 07:56 GMT+7

Làm quen với VN30

HOÀI GIANG
HOÀI GIANG

TT - Mặc dù ngày ra mắt đầu tiên 6-2, VN30 đã giảm 1,94 điểm, đóng cửa ở mức 447,47 điểm, nhưng với cách tính toán mới, vị thế của một số cổ phiếu (CP) trên thị trường đã có sự thay đổi lớn.

Trong đó các CP có khối lượng tự do lưu hành nhiều và thanh khoản tốt đã tạo cơ hội mới cho nhà đầu tư...

Juth1wf2.jpgPhóng to

Đồ họa: V.Cường

Cũng trong phiên giao dịch này, chỉ số chứng khoán ở cả hai sàn đều mất điểm, trong đó VN-Index giảm 2,01 điểm còn 399,73 điểm, và HNX-Index giảm còn 61,49 điểm.

Thay ngôi đổi vị

Khác với VN-Index, VN30 không còn quá phụ thuộc vào nhóm CP từng bị xem là “thủ phạm” khiến thị trường diễn biến méo mó, do một số CP có giá trị vốn hóa lớn (là giá thị trường của CP nhân với số lượng CP đang lưu hành) nhưng khối lượng CP giao dịch thực tế không nhiều.

Cụ thể, theo phương pháp tính đơn thuần dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của CP, VN-Index đã phụ thuộc rất lớn vào nhóm năm CP gồm VIC, MSN, VCB, CTG và BVH. Trong một báo cáo công bố ngày 1-2 của Công ty Chứng khoán TP.HCM, năm CP có tác động lớn nhất đối với VN-Index gồm VIC, VCB, MSN, CTG và BVH với tổng giá trị vốn hóa chiếm 47,89% tổng giá trị vốn hóa của sàn HoSE, trong đó VIC chiếm tỉ lệ cao nhất với 11,2%, kế đến VCB là 10,59%, MSN 10,31%, CTG 9,05% và BVH là 6,74%.

Mặc dù có ảnh hưởng lớn đến VN-Index, nhưng một số CP trong nhóm này (như VCB, CTG, BVH) có khối lượng cổ phiếu thật sự tự do lưu hành trên thị trường (free float) không nhiều, do cổ đông nhà nước chiếm tỉ lệ khá lớn, chưa kể những đối tượng ít có khả năng giao dịch như cổ đông thuộc hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát và tổ chức liên quan, cổ đông nhà nước, cổ đông chiến lược...

Trong khi đó, với việc tính toán dựa vào giá trị vốn hóa, free float và thanh khoản, VN30 không còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhóm CP này. Tuy nhiên, theo cách tính của VN30 (dựa vào giá trị vốn hóa, free float và thanh khoản, giới hạn tỉ trọng vốn hóa...), tỉ trọng của nhóm 5 CP chi phối VN-Index chỉ còn 34,62%, trong đó tỉ trọng của VCB giảm xuống còn 4,09%, BVH còn 3,11%, CTG là 7,42%, VIC là 10% và MSN 10%. Ngược lại, tỉ trọng của STB trong VN30 đã tăng lên 10% so với tỉ lệ 3,4% trong rổ VN-Index, EIB tăng lên 10% so với 3,38%, FPT tăng lên 6,67% so với 2,04% và HAG tăng từ 1,83% lên 3,3%...

Thay vào đó, một số CP khác có tỉ lệ free float cao và thanh khoản tốt, như STB, EIB, VNM và FPT, cùng với VIC và MSN trở thành những trụ cột của thị trường.

Dù không thể triệt tiêu hết sự ảnh hưởng của những CP lớn, nhưng theo ông Trần Đắc Sinh - chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), với việc lựa chọn những CP có tính thanh khoản cao nhất, nên giá cả của các CP trong rổ VN30 sẽ phản ánh tốt nhất mối quan hệ cung và cầu CP, từ đó hạn chế được sự làm giá vốn thường xảy ra đối với những CP có thanh khoản kém.

Gia tăng thanh khoản

Với việc lọt vào danh sách VN30, nhiều CP có cơ hội được biết đến nhiều hơn, nhà đầu tư quan tâm hơn. Ông Trần Đắc Sinh cho rằng với việc đưa vào áp dụng VN30, một chỉ số có khả năng mô phỏng và đầu tư được, các nhà đầu tư bắt đầu có thêm nhiều cơ hội đầu tư. Đặc biệt, đây là cơ sở để phát triển các quỹ đầu tư chỉ số, quỹ ETF (quỹ đầu tư tín thác, có thể đầu tư vào một danh mục CP của những ngành, nhóm nghề tương đồng) kéo theo sự gia tăng thanh khoản trên thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng với tính đại diện cao (ngành, vốn hóa, free float, thanh khoản...), VN30 hoàn toàn đáp ứng tiêu chí các công ty quản lý quỹ xây dựng quỹ đầu tư chỉ số. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng việc thành lập các quỹ đầu tư chỉ số là bước đi tiếp theo của một số công ty quản lý quỹ lớn trong nước, khi mà quỹ mở đã được cho phép hoạt động. Nhiều khả năng một số quỹ đầu tư chỉ số cũng sẽ lấy VN30 làm tham chiếu, thay vì VN-Index hoặc tự xây dựng danh mục như trước.

“Vẫn còn quá sớm để đưa ra những nhận định, nhưng VN30 đang tạo ra những cơ hội mới cho các nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư cá nhân trong nước...” - một chuyên gia nói. Theo chuyên gia này, quỹ đầu tư chỉ số thường xây dựng danh mục mô phỏng chỉ số tham chiếu, với tỉ trọng tương ứng với tỉ trọng của CP đó trong rổ tính chỉ số. Nếu chọn VN30 làm tham chiếu, các quỹ sẽ phải mua các CP trong rổ này để xây dựng danh mục quỹ chỉ số. Và động thái này sẽ giúp cầu của các CP trong rổ VN30 tốt hơn.

Với tỉ trọng trong VN30 tăng mạnh, theo một số chuyên gia, các cổ phiếu như STB, EIB, FPT, HAG... sẽ được các quỹ đầu tư chỉ số theo VN30 quan tâm nhiều hơn. Đây là một trong những yếu tố giúp một số CP trong nhóm này tăng mạnh trong thời gian gần đây, do nhiều nhà đầu tư mua vào để chờ cơ hội.

Chiếm 74% giá trị vốn hóa thị trường

Theo HoSE, VN30 chiếm 74% giá trị vốn hóa toàn thị trường theo số liệu bình quân sáu tháng cuối năm 2011 và chiếm 60% về giá trị giao dịch. 30 cổ phiếu trong rổ đến từ 9 trong tổng số 11 ngành của các công ty niêm yết trên sở, trong đó nhiều nhất là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 9 công ty, chiếm 57% giá trị vốn hóa của rổ.

Các ngành lớn trong VN-Index đều có đại diện trong VN30. Tốc độ luân chuyển chứng khoán của các cổ phiếu trong VN30 là 23,5%, so với mức 28% toàn thị trường, các chỉ số ROE, ROA bình quân của các cổ phiếu trong rổ cũng ở mức bình quân của thị trường.

(Nguồn: HoSE)

HOÀI GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên