14/06/2015 09:08 GMT+7

Làm khoa học vì... thèm bánh tráng

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TT - Thích ăn món bánh tráng với mì Quảng, một nhóm sinh viên công nghệ nhiệt - điện lạnh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã chế tạo hệ thống tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh để sấy bánh tráng.

Các thành viên trong nhóm hi vọng sẽ mang hệ thống tận dụng nhiệt thải đến với các hộ dân sản xuất bánh tráng thủ công trong cả nước - Ảnh: Trường Trung
Các thành viên trong nhóm hi vọng sẽ mang hệ thống tận dụng nhiệt thải đến với các hộ dân sản xuất bánh tráng thủ công trong cả nước - Ảnh: Trường Trung

Đề tài do nhóm sinh viên Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền, Lê Văn Viễn nghiên cứu, vừa đoạt giải nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

Bạn Nguyễn Thị Hà kể lại: “Có lần về nhà bạn chơi, mẹ bạn nấu mì nhưng không có bánh tráng vì mưa liên tục không phơi được. Tụi mình nghĩ sao không có cách để có bánh tráng ăn quanh năm?”.

Mang theo “ấm ức” vì lần ăn bánh tráng hụt, những người bạn trong nhóm đã lặn lội về vùng quê Đại Lộc tìm hiểu hiện trạng sản xuất của bà con. Các thành viên trong nhóm đều bất ngờ bởi bánh tráng là thương hiệu nổi tiếng đất Quảng nhưng được sản xuất và sấy 100% bằng phương pháp thủ công.

“Vào những ngày không có nắng, để sấy bánh các hộ phải dùng các nhiên liệu phụ phẩm nông nghiệp như trấu, củi và than lấy nhiệt. Cách này vừa tốn kém, gây ô nhiễm môi trường và tốn nhân công” - sinh viên Đào Thị Phượng chia sẻ.

Sau gần ba tháng tìm hiểu, nhóm chế tạo đã cho ra mẫu thiết bị sấy dựa trên nguyên lý tận dụng nhiệt thải. Hệ thống sử dụng một phần năng lượng theo khói thải đi vào bộ trao đổi nhiệt (calorifer) gia nhiệt cho không khí. Từ đó không khí nóng sẽ được thổi vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh tráng, sấy khô rồi thoát ra ngoài.

Với mẫu thiết kế ban đầu, đảm bảo bánh tráng sau khi sấy sẽ đạt được độ ẩm cần thiết cho việc bảo quản với năng suất 30kg bánh/ngày (mỗi ký từ 15 - 20 bánh tráng).

Những ngày ăn ngủ cùng đề tài, các thành viên trong nhóm phải ăn rất nhiều... bánh tráng. “Cứ mỗi lần thử nghiệm, tụi mình mua cả chục bánh tráng khô về nhúng nước rồi thực hiện quy trình sấy. Sấy khô rồi mang nướng ăn, có hôm nhiệt không đủ, bánh chưa khô cũng nướng luôn” - một thành viên hóm hỉnh.

Thạc sĩ Mã Phước Hoàng, khoa công nghệ nhiệt - điện lạnh, cho rằng đây là đề tài có thể áp dụng ngay vì chi phí rẻ và không gian lắp đặt nhỏ rất phù hợp với quy mô sản xuất thủ công.

“Theo tính toán, sản phẩm khi đưa vào sản xuất chỉ cần 15 triệu đồng là sẽ ra thành phẩm, khả năng ổn định nhiệt cao nên người sử dụng không cần điều chỉnh nhiều. Nếu sản phẩm được đưa vào ứng dụng sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho bà con cũng như đáp ứng được các tiêu chí môi trường” - thạc sĩ Hoàng nhận định.

Các thành viên trong nhóm cho biết sẽ mang sản phẩm này tham dự Holcim Prize 2015 toàn quốc để có điều kiện quảng bá và tìm kiếm hỗ trợ sản xuất nhằm đưa sản phẩm tới tận tay bà con.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên