12/12/2014 10:05 GMT+7

​Làm giàu nhờ trồng rau giữa phố

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TT - Khi sương mai còn phủ mờ trên các tuyến phố, các con đường nội thành chưa có người qua lại thì đâu đó bên vỉa hè đã có tiếng bước chân của người nông dân.

Mảnh đất bỏ hoang của một dự án ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã trở thành “cần câu cơm” của cả trăm gia đình - Ảnh: Trường Trung
Mảnh đất bỏ hoang của một dự án ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã trở thành “cần câu cơm” của cả trăm gia đình - Ảnh: Trường Trung

Những năm gần đây, cảnh náo nhiệt của các vườn rau giữa phố ở Đà Nẵng không phải chuyện lạ. Người ta nghe tiếng sột soạt của những giỏ rau va vào đất, tiếng người phụ nữ trung niên thúc giục chồng: “Cắt thêm luống nữa ông ơi! Chỗ này ngày hôm qua bán hết trơn từ 9 giờ. Hôm nay cuối tuần chắc bán đắt”; tiếng thương lái thu mua trả giá: “Bớt chút giá đi chị Hai, hôm qua chỗ rau cải có một ít bị giập”... 

Liếp rau xanh bên vỉa hè

Trồng rau ở quê thì dễ nhưng trồng rau ở phố không chỉ là sự kỳ công mà còn phải thuận theo “nhân hòa” nơi đây. Ban đầu bà con cũng bị phản ứng dữ lắm. Nào là kéo điện tự phát, đào ao tự phát, ủ phân gây ruồi muỗi. Tụi tui phải tìm cách khắc phục, ở đây ai không cam kết trồng rau đúng quy trình và đảm bảo vệ sinh, sử dụng thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến khu dân cư là không được đâu
Anh ĐỖ VĂN DƯỠNG

Mặt trời dần lên cao, ngoài đường xe cộ đã qua lại tấp nập. Vài thương lái thu mua rau đã rút từ lúc nào. Những người phụ nữ cũng đã kịp đến phiên chợ sáng. Trên đồng rau lúc này chỉ còn vài người tranh thủ tưới nước, làm phân. Tại một góc vỉa hè đường An Dương Vương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) những người đàn ông mặt mày còn lấm bẩn, nhễ nhại mồ hôi tụ quanh một quán cà phê để thư giãn trước khi trở lại công việc trồng rau.

Nhấp ly cà phê nhìn ra luống cải xanh tốt chỉ cách khu du lịch SunWheel và khu phố sầm uất một dòng sông Hàn, ông Trần Viết Mai nhớ lại: “Cách đây mấy năm, ở khu này ghê lắm, cỏ mọc um tùm, bao nhiêu rác rưới. Thấy tiếc đất, lại không có nghề ngỗng nên tui kéo gia đình ra đây làm. Đầu tiên là chở cát về làm lớp đất mặt, sau đó kéo điện, đào giếng khoan rồi đặt bơm, đào hồ để chứa nước và phân bón trồng rau. Anh nhìn những hàng rau xanh mướt, thẳng tắp thì thấy sự kỳ công của tụi tui”.

Nhà ông Mai ngày trước ở ngay thửa đất mà hiện ông đang canh tác. Năm 2004 khi Nhà nước thu hồi để triển khai các dự án ở khu Bạch Đằng Đông, nhà ông dời về nơi ở mới. Đất bị thu hồi nhưng nghề mới thì chưa có, tiền đền bù tiêu mãi cũng hết nên ông đi làm thuê khắp nơi. Thỉnh thoảng nhớ mảnh đất cũ ông ghé lại xem, thấy cỏ mọc hoang hóa, máu nông dân lại nổi lên. Nhớ ruộng, xót đất, ông với vợ rủ nhau ra đây phát băm, đốt rồi trồng vài vạt cải. Cứ thế đến giờ diện tích được mở rộng ra hơn bốn sào. Dần dà gần chục năm qua, thay vì sỏi đá ngổn ngang, lau sậy um tùm thì rau xanh đã nảy nở dưới những bàn tay của người dân phố thị.

Người nhớ nơi ở cũ, người nhớ nghề nông, người không có kế sinh nhai cứ thế lũ lượt kéo ra “vùng quy hoạch dự án”, biến nơi đây thành khu đất màu mỡ. Giờ đây ở khu đất này, từ sáng sớm đến chiều sẩm, lúc nào cũng có tiếng người gọi nhau, tiếng máy bơm nước, người làm luống, bón phân. Vườn rau rộng gần 10ha này mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn rau, củ, quả các loại.

“Gia đình tôi làm nông lâu đời nên đi đâu cũng nhớ ruộng. Trồng rau, lúa, hoa màu gì cũng được tất. Hồi mới mất đất tôi cũng trăn trở lắm, chạy vô Điện Bàn (Quảng Nam) thuê đất trồng hoa nhưng được vài mùa rớt giá lại thôi. Quay ra thì thấy khu này dự án chả rục rịch gì nên hò nhau làm. Trồng rau ở quê thì dễ nhưng trồng rau ở phố không chỉ là sự kỳ công mà còn phải thuận theo “nhân hòa” nơi đây. Ban đầu bà con cũng bị phản ứng dữ lắm. Nào là kéo điện tự phát, đào ao tự phát, ủ phân gây ruồi muỗi. Tụi tui phải tìm cách khắc phục, ở đây ai không cam kết trồng rau đúng quy trình và đảm bảo vệ sinh, sử dụng thuốc trừ sâu làm ảnh hưởng đến khu dân cư là không được đâu”- anh Đỗ Văn Dưỡng, người trồng rau, góp chuyện. Anh Dưỡng cho biết với gần ba sào đất “trồng rau trên phố”, trung bình mỗi tháng số tiền mà anh thu được sau khi trừ chi phí là hơn 12 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính để nuôi ba đứa con, trong đó có một cháu lớn đang học đại học.

Ông Lê Tiến Dũng, chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ An, cho biết có 103 hộ canh tác dọc theo các khu đất dự án tại tuyến đường An Dương Vương, Hàm Tử, Phan Hành Sơn, Mỹ An 5... “Trồng rau ở đây được cái là gần thị trường tiêu thụ, giá cũng cao, các hộ nông dân ở đây ai cũng thu nhập cả chục triệu mỗi tháng nên hầu như ai cũng tận dụng từng chút đất nên không thể nào có chuyện hoang hóa. Hằng tháng chúng tôi đều họp tập huấn, vừa góp ý tìm cách làm sao ít ảnh hưởng nhất người dân xung quanh. Nói chung ở đây ai cũng ý thức sản xuất rau an toàn trên cả quy định VietGAP, nhưng do là đất tận dụng nên chỉ dám đầu tư tạm thời” - ông Dũng chia sẻ.

Tiền tỉ trên đất hoang

Những ngày này, tại khu đất trống cạnh công viên xử lý nước thải Đà Nẵng (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tấp nập xe cộ ra vào. Từng đoàn xe bán tải ngược xuôi đưa những cây to quá hai người ôm về vườn ươm. Dưới những tán cây lộc vừng, vú sữa, sung, mận... Bà Nguyễn Thị Hải, chủ vườn ươm Lê Anh, giới thiệu các loại cây kiểng lên tới cả trăm triệu đồng mỗi cây. Chỉ vào khu đất chuẩn bị ươm hoa tết, bà Hải cho biết năm nay bà tính “chơi lớn” với hoa tết. Bà dự trù sẽ ươm 1.000 chậu cúc mâm xôi và chừa lại khoảnh đất giáp vỉa hè để mua mai Bình Định về tung ra thị trường.

Gia đình bà Hải ngày trước làm vườn ươm ở một khu đất dự án bỏ không tại phường Hòa Cường Bắc. Cách đây ba năm, dự án triển khai, vợ chồng bà lại dời về khu đất này để lập vườn ươm vì nghe dự án này còn treo rất lâu. “Để tránh rủi ro, tụi tui ở đây ai cũng đi “săn” vài khu đất dự án bỏ không dự phòng khi nào bị thu hồi sẽ có mặt bằng mới mà chuyển đi ngay. Nói chung ai cũng nhắm đất ở trong nội ô vì dễ di chuyển, nhưng quan trọng hơn cả là vị trí phải thuận lợi để dễ bán hàng”. Bà Hải cho biết mỗi lần dời đổi vị trí là một lần tốn chi phí vận chuyển và xây nhà ở, hồ chứa nước không dưới 200 triệu đồng. Tuy nhiên theo bà, chi phí này chẳng nhằm nhò gì so với khối tài sản di động dịch chuyển, chỉ cần “trụ” được ở mỗi khu đất trên ba năm là dư sức thu hồi vốn.

Trên khu đất rộng hơn 5ha của dự án chưa triển khai này, ngoài gia đình bà Hải có cả thảy 13 hộ làm vườn ươm. Tuy nhiên, thành công nhất và chơi bạo nhất là anh Lê Văn Khoa. Nhờ biết cách “săn” cây đẹp và chăm sóc vườn ươm nên anh đã mạnh dạn đầu tư vào đây hàng tỉ đồng. “Chơi cây cảnh ở phố là phải chịu khó và bạo chi vì thị trường lên xuống từng đợt. Hồi trước tôi lên rừng, xuống biển để mua cây “độc”. Khách qua lại nhiều nên bán được, cứ rứa “mua gốc bán ngọn” mình lấy lời tái đầu tư” - anh Khoa nói. Hiện nay trên khu đất hơn nửa hecta mà anh mượn tạm này có cả ngàn cây cảnh, trị giá gần chục tỉ đồng. Theo ông Ngô Văn Hưng, chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, khu vực này là đất dự án “treo” bỏ hoang cả chục năm trời. Trước đây nơi này là điểm “nóng” tập trung các đối tượng tiêm chích ma túy, nhưng từ khi có khu chuyên doanh cây cảnh thì nơi đây trở thành công viên cây xanh người dân lui tới thường xuyên.

Thu hoạch rau trên phố để mang ra chợ - Ảnh: Trường Trung
Thu hoạch rau trên phố để mang ra chợ - Ảnh: Trường Trung

Mượn đất “treo” cho nông dân sản xuất

Theo Hội Nông dân TP Đà Nẵng, hiện nay toàn thành phố có hơn 20 khu đất dự án lớn nhỏ chưa triển khai được, hội mượn để giúp nông dân triển khai canh tác. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các khu vực bị giải tỏa nhiều như quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. Ông Nguyễn Kim Dũng, phó chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, cho biết không phải gần đây hội mới đề nghị thành phố cho mượn các khu đất “treo” để giúp người dân có nơi sản xuất, mà hơn mười năm trước hội đã làm việc này. “Các cấp hội đã đứng ra bảo lãnh với ban quản lý các dự án cho nông dân mượn đất, đồng thời cam kết trả nguyên hiện trạng khi dự án triển khai. Việc này có nhiều ý nghĩa, vừa tránh lãng phí đất đai vừa giúp nông dân có điều kiện canh tác, nâng cao thu nhập, tránh thất nghiệp sau khi bị thu hồi đất và bảo vệ môi trường” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, hiện nay ngoài hỗ trợ về tài nguyên đất cho nông dân, hội cũng đang tập trung ưu tiên vốn vay cho các hộ có ý định đầu tư trên các khu đất dự án “treo”, chủ yếu vào các mô hình như trồng rau, hoa và chăn nuôi gia súc.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên