30/11/2019 14:29 GMT+7

Làm giả sừng tê giác bán ra thị trường có cứu được tê giác thật?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - 'Bơm' sừng tê giác giả vào thị trường nhằm làm giảm nhu cầu sản phẩm thật và bảo vệ tê giác. Ý tưởng của một nhóm nhà khoa học Anh liệu có khả thi hơn những nỗ lực trước đây nhằm bảo vệ loài vật quý hiếm này?

Làm giả sừng tê giác bán ra thị trường có cứu được tê giác thật? - Ảnh 1.

Với chiếc sừng được mệnh danh thần dược và có giá trị hàng chục USD mỗi ký trên thị trường chợ đen, không lạ gì khi tê giác vẫn bị săn trộm nhiều, bất chấp nỗ lực bảo vệ của thế giới

Chỉ riêng tại Nam Phi, trong năm 2018 đã có 769 con tê giác bị săn trộm, chiếm phần lớn trong tổng số 890 con tê giác bị săn khắp châu Phi, và con số thực tế có thể còn cao hơn. 

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), thế giới hiện còn khoảng 20.000 con tê giác trắng, 5.000 con tê giác đen và 3.500 con tê giác một sừng. Riêng một số loài như tê giác Sumatra hiện chỉ còn 80 con trên thế giới.

Giới bảo tồn đã gần như nghĩ ra mọi cách để giảm việc săn trộm, từ tiêm thuốc độc vào sừng tê cho đến ý tưởng hợp pháp hóa việc mua bán sừng trong nước. Gần đây, các nhà khoa học Anh lại tỏ ra tự tin với phương pháp chế tạo sừng tê giả nhằm làm rối loạn thị trường.

Dễ và rẻ

"Theo các nhà kinh tế, nếu ta bơm vào thị trường một mặt hàng thay thế một sản phẩm, giá cả của hàng hóa đó sẽ giảm. Nếu giá giảm trong khi hình phạt cho việc lấy sừng tê vẫn có tính răn đe cao, giá trị sừng tê sẽ thay đổi với con buôn" - giáo sư Fritz Vollrath, đồng tác giả nghiên cứu "sừng tê giả" đăng trên tạp chí Scientific Reports của Đại học Oxford, giải thích quy luật kinh tế của ý tưởng "mới mà không mới" này.

Sừng của hầu hết các loài động vật (bao gồm cả bò) là một lõi xương được bao phủ bởi một lớp keratin - chất sừng cùng loại protein có trong tóc và móng tay của chúng ta. Trong khi đó, sừng tê giác thực chất phát triển từ lông mũi của chúng và gắn kết lại thành một khối keratin rắn và không có lõi xương.

Trong nghiên cứu đăng hồi đầu tháng 11-2019, nhóm của giáo sư Vollrath cho biết họ tạo được sừng tê giác y như thật bằng lông đuôi ngựa được dán lại với nhau bằng chất tạo từ cellulose. "Nếu đem đi đánh bóng, nó rất giống sừng tê giác thật" - ông khẳng định. Không chỉ cùng chất liệu, đặc tính vật lý, loại sừng giả này thậm chí có mùi như sừng thật khi bị đốt.

Nói công trình của nhóm Vollrath là "mới mà không mới" là bởi năm 2015, Pembient, một trong những công ty tham gia chiến dịch chế tạo sừng tê giác giả bằng công nghệ in sinh học 3D, từng đối mặt với thách thức lớn về tài chính. Cụ thể, trang Motherboard năm 2015 dẫn lời một nhà khoa học hoài nghi với giải pháp này ước tính chi phí in 1kg sừng tê giả bằng keratin "chất lượng cao và trông như thật" có thể lên đến 3 tỉ USD. 

Mathew Markus, CEO của Pembient, khi đó đã đáp trả đòn tấn công này, bày tỏ tin tưởng tiến bộ công nghệ rồi sẽ giúp giảm chi phí làm sừng giả. 

Công trình của nhóm Vollrath chính xác là những gì Markus đã hình dung và tin tưởng. Sau khi nhóm Vollrath công bố công trình, Markus đã dành lời khen ngợi cho sự đột phá của các nhà khoa học Anh và cho biết sẽ tìm hiểu thêm ý tưởng này.

Những người giàu ở Trung Quốc và Việt Nam thường biếu nhau sừng tê, tin rằng chúng có công dụng chữa bệnh, giải rượu (ở Việt Nam) hay được chế tác thành đồ trang sức, ly tách hay được sưu tầm (ở Trung Quốc). "Chúng ta thấy phần lớn sừng tê được sử dụng vì như một biểu tượng địa vị" - báo The New York Times ngày 25-11 dẫn lời bà Olivia Swaak-Goldman, lãnh đạo Tổ chức Ủy ban công lý động vật hoang dã, nhận định.

Chính vì vậy, nhóm của ông Vollrath muốn phổ biến công thức sản xuất sừng giả để khiến chúng mất đi các đặc tính làm nên giá trị là hiếm, giá đắt và không phải ai cũng sở hữu nổi. "Điều tôi hi vọng là câu chuyện sẽ lan tỏa rằng sừng tê giác không phải là một thần dược gì cả mà chỉ là những sợi lông gắn với nhau bằng chất dính có trong mũi tê giác, không có gì đặc biệt hay thần kỳ" - Vollrath bày tỏ.

Frederick Chen, nhà kinh tế của Đại học Wake Forest (Mỹ), cho rằng việc đưa sừng giả vào thị trường dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng không phải không có tác dụng. Theo ông, những loại sừng giả với đặc tính dễ bị hỏng sau khi mua hay gây đau bụng khi sử dụng có thể làm giảm nhu cầu sở hữu chúng. "Nếu ta đưa yếu tố chất lượng không đảm bảo về thị trường sừng tê, ta sẽ gây ra hoang mang (cho người mua) và cuối cùng có thể hủy hoại được thị trường sừng tê" - Chen nói với The New York Times.

Làm giả sừng tê giác bán ra thị trường có cứu được tê giác thật? - Ảnh 2.

Một phụ nữ mài sừng tê giác tại Hà Nội. Tổ chức Hiệp định về buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) năm 2016 từng cảnh báo Việt Nam là điểm nóng nhất trong việc buôn bán sừng và các vật phẩm từ tê giác - Ảnh: AFP

Coi chừng phản tác dụng

Nhưng những ý kiến lo ngại có cái lý của họ bởi đây là một việc chưa từng có tiền lệ. Chưa kể, nếu thực hiện, các nhà nghiên cứu còn phải đối mặt với những vấn đề về tổ chức và đạo đức như làm sao để đưa sừng giả vào chợ đen một cách hợp pháp hay liệu họ có đang cổ xúy cho những niềm tin sai trái rằng sừng tê là một thần dược hay không.

Giới bảo tồn từ lâu đã cật lực phản đối việc đưa sừng giả vào thị trường bởi lo ngại chúng có thể gây ra tác dụng ngược là kích thích nhu cầu với sừng tê. "Việc đẩy sản phẩm tổng hợp thay thế ra thị trường có thể củng cố quan điểm rằng sừng tê là một mặt hàng đáng mơ ước, từ đó thúc đẩy nhu cầu hiện tại - chuyên gia Richard Thomas của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Traffic lập luận - Như thế, việc đưa ra sản phẩm tổng hợp lại càng khiến người ta muốn sở hữu sừng tê thật hơn". 

Nhà tội phạm học động vật hoang dã Tanya Wyatt nêu ra ví dụ các sản phẩm lông thú giả hay mật gấu tổng hợp cũng từng được áp dụng nhưng thực tế không làm giảm nhu cầu với đồ thật.

Một số ý kiến khác chỉ ra rằng việc tạo ra sừng tê giác giả sẽ cản trở các nỗ lực thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn nạn buôn sừng tê giác. "Các nhân viên chấp pháp sẽ khó có thể phân biệt được sừng thật và giả, đặc biệt là nếu cả hai đều được bán trên thị trường dưới dạng bột hoặc được tổng hợp trong các loại dược phẩm khác" - Tổ chức WFF cho biết. 

Làm giả sừng tê giác bán ra thị trường có cứu được tê giác thật? - Ảnh 3.

Bề mặt và cấu tạo của sừng tê thật (trái) và sừng tê giả (phải) của các nhà khoa học Anh - Ảnh: Scientific Reports

Lông giả cứu động vật hay hủy hoại môi trường?

Nữ hoàng Anh Elizabeth II từ năm 2019 đã bắt đầu chuyển sang sử dụng trang phục bằng lông thú tổng hợp sau nhiều năm bị giới bảo vệ động vật chỉ trích. "Việc lãnh đạo một quốc gia không sử dụng lông thật sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng lông thú không còn thời trang" - Claire Bass, lãnh đạo Tổ chức Humane Society International, nói trên tờ Insider. Nhưng ngược lại, lông thú tổng hợp lại là thứ giết hại môi trường, góp phần thải ra các hạt vi nhựa, đặc biệt là trong thời đại ngành công nghiệp thời trang ăn liền (fast fashion) đang thịnh hành. Chưa kể, những ý kiến bác bỏ cả hai, dù lông thật hay giả, cho rằng "chẳng có gì đẹp khi giả vờ mặc một thứ từ con vật bị đối xử tàn nhẫn cả".

Thu thập móng tay người thay cho sừng tê giác Thu thập móng tay người thay cho sừng tê giác

TTO - Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Bjorn Persson (chuyên chụp ảnh động vật) vừa triển khai một chiến dịch sáng tạo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức chống lại nạn giết tê giác lấy sừng.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên