Anh Bjorn Persson chụp với một trong hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng ở châu Phi - Ảnh Facebook cá nhân của Bjorn Persson
Trong chiến dịch mang tên Nails Against Extinctionc (tạm dịch: Móng tay chống tuyệt chủng), anh Bjorn Persson kêu gọi mọi người quyên tặng móng tay làm nguyên liệu thay thế nguồn cung cấp chất keratin tương tự trong sừng tê giác, để tạo ra các sản phẩm phục vụ y học.
"Chúng tôi không cần tiền của bạn. Chúng tôi chỉ muốn có móng tay của bạn" là một trong những lời kêu gọi nổi bật trên trang web Here Forever Foundation. Với khẩu hiệu "Hãy cứu tê giác bằng đôi tay không của bạn", anh Bjorn Persson đã đi nhiều nơi để thực hiện chiến dịch đặc biệt này.
Thực ra không phải đến bây giờ anh Bjorn Persson mới tích cực tham gia bảo vệ động vật hoang dã mạnh mẽ như vậy. Theo trang Smart Coast Excellence, suốt nhiều năm qua, nhiếp ảnh gia và cũng là một nhà hoạt động tích cực bảo tồn động vật hoang dã sống tại Tyresö, Thụy Điển này đã có những chuyến lãng du khắp châu Phi tìm kiếm những khoảnh khắc đẹp trong thiên nhiên và các loài động vật.
Kể từ sau giai đoạn được đào tạo và làm việc với lực lượng chống săn trộm động vật hoang dã ở Nam Phi, Bjorn Persson hiểu rõ hơn tình thế cấp bách của chúng. Kể từ đó, anh quyết định dùng ngay chính nghệ thuật nhiếp ảnh, niềm đam mê và cũng là sở trường của anh, như một thứ vũ khí chống lại nạn săn bắt trộm động vật hoang dã. Anh cũng dành những khoản tiền lớn từ các giải thưởng nhiếp ảnh cho hoạt động bảo tồn những loài này.
Sừng tê giác được nhiều người tin là thứ thuốc trị bách bệnh, từ triệu chứng váng vất sau khi uống quá nhiều rượu tới bệnh ung thư. Điều đáng nói, thành phần được cho là có tác dụng chữa bệnh trong tê giác là chất keratin không khác gì so với chất sừng có trong móng tay người.
"Chúng tôi đang nhờ mọi người quyên tặng móng tay, và chúng tôi sẽ làm ra những loại thuốc trị tương tự với thuốc làm từ sừng tê giác để thay thế chúng và bán cho thị trường Trung Quốc và Việt Nam" - anh Bjorn Persson chia sẻ với Hãng tin Reuters về chiến dịch của mình.
Theo Reuters, trên thị trường chợ đen, giá 1kg keratin là 133 USD, trong khi một sừng tê giác nguyên vẹn có giá 300.000 USD. Cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định các đặc tính ưu việt của sừng tê giác trong trị bệnh.
"Chúng ta cần tạo ra những cuộc thảo luận trên thế giới, chúng ta cần lan tỏa nhận thức về sự việc đang diễn ra này vì những con tê giác đang bị giết rất vô lý" - anh Bjorn Persson nói.
Trong một đoạn chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân ngày 4-11, anh Bjorn Persson đăng bức hình một trong hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng anh đã có cơ hội chụp. "Việc chụp hình nó là một ký ức sẽ theo tôi suốt đời - anh viết - Tôi hi vọng những tấm hình của mình sẽ không phải là những tấm hình cuối cùng của loài vật xinh đẹp đó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận