31/05/2021 08:21 GMT+7

Làm gì khi hoãn thi tuyển sinh lớp 10?

H.HƯƠNG - T.THƯƠNG
H.HƯƠNG - T.THƯƠNG

TTO - Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, "phút 89" TP.HCM quyết định dời kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho đến khi có thông báo mới. Vậy trong khoảng thời gian này, học sinh, phụ huynh nên làm gì?

Làm gì khi hoãn thi tuyển sinh lớp 10? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng, quận 10, TP.HCM ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Nghe tin hoãn thi, ba mẹ em reo lên sung sướng và cho rằng UBND TP.HCM đã có quyết định sáng suốt, hợp lòng dân. Tuy nhiên, em và các bạn của em thì mong được đi thi. 

Thi cho xong để nhẹ người chứ như hiện tại thì rất nặng nề. Chúng em lại tiếp tục chờ đợi, không biết bao giờ mới được đi thi trong khi chúng em đã chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, về tinh thần" - Nguyễn Thị Thanh Hà, học sinh lớp 9 ở quận 7, TP.HCM, bày tỏ.

Vừa ôn thi, vừa giữ vững tinh thần

Thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) - đồng tình việc hoãn thi là quyết định rất đúng đắn để sàng lọc, xử lý tình hình dịch bệnh và hợp với lòng của không ít phụ huynh. 

"Về phía học sinh, các em đã quen với cách học trực tuyến, vậy thì khoảng thời gian này để không quên, không sốc về mặt tâm lý, nhà trường tiếp tục kết nối bằng hình thức dạy trực tuyến. 

Cũng để các em có được quá trình hoạt động ở nhà, kết nối gia đình và nhà trường. Các em lớp 9 cũng làm như các em học sinh lớp 12 đang làm, là ôn hình thức dạy trực tuyến. Về phía phụ huynh, cần tạo không gian không khí cho các con như xem phim, nghe nhạc, thể dục thể thao... để giải tỏa và để cuộc sống mỗi ngày của các em đều vui" - thầy Phú nhấn mạnh.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho rằng quyết định hoãn thi tuy có hơi sốc nhưng đã nằm trong dự đoán của phụ huynh, học sinh, giáo viên. 

Vị hiệu trưởng này nói: "Nhà trường sẽ phổ biến giáo viên sẽ hỗ trợ học sinh bất cứ lúc nào bằng online, mạng xã hội, điện thoại... Thêm vào đó, quan trọng nhất vẫn là tinh thần thả lỏng, lạc quan của học sinh. Các em hãy xem như "trục trặc" nhỏ và đâu lại vào đấy".

Cũng tâm lý vừa mừng vừa lo trước quyết định hoãn thi, thầy Nguyễn Xuân Đắc - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) - cho rằng quyết định này khiến rất nhiều giáo viên mừng vì độ an toàn, lo là vì đặt mình vào tâm lý của học sinh, phụ huynh, là vô cùng mệt mỏi.

Thầy đưa ra lời khuyên: "Tình hình này khiến ta không lường trước được điều gì, nên lúc này phụ huynh, học sinh cũng đừng quá hoang mang. Năm học đã kết thúc, thầy cô ở xa, chỉ có cha mẹ là gần con cái mỗi ngày, nên cha mẹ lúc này phải là chỗ dựa tâm lý cho các con, động viên, đồng hành... 

Về phía học trò, không còn cách nào khác, chính mình phải lên kế hoạch tự ôn. Thay vì để lo lắng kéo dài, các em hãy tập thích nghi, tự đưa ra hướng xử lý cho mình, nó như một "bài tập" về kỹ năng cho các em thử thách".

Xét tuyển, tại sao không?

"Theo dõi thông tin về dịch bệnh, tôi rất lo lắng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, tôi đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM hãy thực hiện xét tuyển vào lớp 10 thay vì thi tuyển. Năm nay tôi có tên trong danh sách làm cán bộ coi thi, thực sự rất lo lắng" - cô Ng.H., giáo viên ở quận Bình Thạnh, đề xuất.

Cô N.T.T.H., giáo viên môn văn lớp 9, phân tích: "Nhiều người lo ngại khi xét tuyển vào lớp 10 thì chất lượng "đầu vào" sẽ không đạt được yêu cầu, không thi thì học sinh sẽ lơ là học tập, giáo viên giảng dạy cho có. 

Nhưng thời điểm này, tất cả các trường THCS đều đã kết thúc chương trình dạy và ôn thi cho học sinh lớp 9. Cả thầy và trò chúng tôi đều dạy và học với tâm niệm là có thi. Vậy thì quyết định xét tuyển lớp 10 sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng đầu vào".

Trong khi đó, về phía các trường THPT, đa số đều nhận định là thi tuyển sẽ tốt hơn xét tuyển. Ông Nguyễn Văn Cải - phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi - thông tin: 

"Trước đây, các trường THPT trên địa bàn huyện Củ Chi cũng đã từng thực hiện xét tuyển vào lớp 10 liên tục nhiều năm liền. Thời điểm đó, trong các cuộc họp giao ban chuyên môn, một số lãnh đạo trường THPT đã đề xuất thi tuyển để cải thiện chất lượng đầu vào, chọn học sinh đủ năng lực học tiếp bậc THPT.

Những năm gần đây, các trường THPT ở Củ Chi được tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Tuy điểm chuẩn vào lớp 10 vẫn còn thấp hơn nhiều trường ở nội thành nhưng chất lượng "đầu vào" trội hơn hẳn so với thời kỳ xét tuyển.

Tôi cho rằng sau 4 năm học sinh học tập ở bậc THCS, rất cần có 1 kỳ thi cho các em để đánh giá chất lượng giáo dục một cách sát sườn và khách quan. Bởi có thi thì sự chuẩn bị về kiến thức của học sinh THCS có phần chỉn chu và chín chắn hơn rất nhiều. 

Thứ hai là khi thi tuyển, học sinh được chọn nguyện vọng vào ngôi trường THPT mà mình yêu thích, đam mê; phù hợp với năng lực cá nhân mỗi em. Điều này phù hợp với Luật giáo dục: người học được lựa chọn nơi phù hợp để học chứ không chỉ chọn trường THPT trên địa bàn".

Tương tự, thầy Nguyễn Quang Minh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp - cũng đánh giá: "Xét tuyển lớp 10 là phương án tôi không mong muốn vì rất nhiều bất cập, làm mất đi cơ hội được học trường tốt của nhiều học sinh giỏi thực sự. 

Khi xét tuyển, để tránh sự rối loạn không cần thiết, chắc chắn phải có quy định học sinh quận nào đăng ký xét tuyển ở quận đó. Nhưng trên thực tế, khi thi tuyển, nhiều học sinh giỏi ở Gò Vấp lại thi đậu và được học ở các trường top đầu như Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình; Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3... 

Đó là chưa kể việc xét tuyển theo học bạ cũng rất khó khăn khi số học bạ đạt yêu cầu lại cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Vì vậy, tôi đề xuất là tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển đối với những thí sinh bị phong tỏa, cách ly mà thôi".

Không thể nói là làm ngay được

Lãnh đạo một trường THPT ở quận 1 cũng đề nghị: "Nếu thực hiện xét tuyển thì phải có thời gian chứ không thể nói là làm ngay được.

Nếu có, sở cần công bố quy trình xét tuyển với các tiêu chí xét tuyển cụ thể, chi tiết, đồng thời phải có sự giám sát chặt chẽ của "bên thứ ba" để đảm bảo sự khách quan, công bằng. Tuy nhiên, với vai trò là người quản lý trường THPT, tôi vẫn hi vọng có được kỳ thi tuyển sinh như mọi năm".

H.HG.

Không đơn giản

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng:

"TP.HCM cũng đã từng thực hiện xét tuyển vào lớp 10 nhưng những năm ấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập là trên 90%. Thậm chí, có địa phương tỉ lệ này đạt gần 100%.

Còn những năm gần đây, TP.HCM đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, mỗi năm chỉ có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập. Số còn lại sẽ học ở các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục.

Năm nay, TP có 99.569 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Trong đó có 83.324 em đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 công lập, chỉ tiêu tuyển sinh của 114 trường THPT công lập của TP là 67.989 học sinh (tính cả chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 tích hợp). Như vậy, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ có 15.335 học sinh rớt khỏi kỳ thi.

Bây giờ, nếu xét tuyển thì cũng phải gạt ra 15.335 học sinh. Liệu những tiêu chí đưa ra để xét tuyển có thuyết phục được 15.335 gia đình có con em rơi ra khỏi lớp 10 công lập hay không. Đây là vấn đề không đơn giản.

Đó là chưa kể khi tổ chức xét tuyển, hơn 16.000 học sinh lớp 9 trước đây không đăng ký thi vào lớp 10 năm nay có thể thay đổi nguyện vọng. Các em có quyền đăng ký xét tuyển vào lớp 10 công lập đồng nghĩa với việc sở phải gạt ra khỏi lớp 10 công lập hơn 30.000 học sinh - còn đau đầu hơn nữa".

"Thở phào" khi thi xong tuyển sinh phổ thông năng khiếu

Quyết định cho tạm hoãn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM được đưa ra trưa 30-5, đúng vào lúc hơn 2.600 thí sinh thi vào Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa kết thúc bài thi bắt buộc cuối cùng, ngữ văn (không chuyên). Chiều cùng ngày, hơn 1.000 em tiếp tục hoàn tất bài thi tiếng Anh (chuyên), chính thức khép lại kỳ thi.

Sau khi đồng hành cùng con qua 5 ngày "lều chõng", cũng là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại TP.HCM, nhiều phụ huynh giờ đã có thể phần nào "thở phào".

Chị Ánh Nguyệt (quận 3, TP.HCM), có con dự thi chuyên toán và chuyên lý, cho biết những ngày con thi chị đều hồi hộp ngóng tin tức dịch bệnh liệu có ảnh hưởng đến con hay không.

anh1 (31-5-2021) 1(read-only)

Thí sinh ra về theo từng phòng thi để đảm bảo hạn chế tập trung quá đông người là một trong nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trong suốt những ngày thi - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Huỳnh Văn Phương (ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai) trong gần một tuần qua cùng con ở nhờ nhà người thân (quận 10, TP.HCM) để cho con dự thi lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu.

"Con tôi thi chuyên tiếng Anh, năm nay tỉ lệ chọi cao quá nhưng nghe con nói làm bài được, mình cũng hy vọng. Chiều nay sau bữa thi cuối cùng, chúng tôi sẽ về Đồng Nai. Tôi hy vọng các cháu và phụ huynh sẽ an toàn qua mùa dịch này" - ông Phương nói.

Năm nay, tổng số có hơn 2.600 thí sinh tham gia thi tuyển vào Trường phổ thông Năng khiếu. Dự kiến trường tuyển 600 chỉ tiêu, trong đó 455 chỉ tiêu vào lớp chuyên.

TRỌNG NHÂN

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Thi cho xong hay hoãn cho an toàn? Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Thi cho xong hay hoãn cho an toàn?

TTO - Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang rất phức tạp, TP đang tính toán giãn cách xã hội nơi có nguy cơ cao. Liệu kỳ thi vẫn sẽ diễn ra hay hoãn lại?

H.HƯƠNG - T.THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên