02/02/2017 14:04 GMT+7

Làm gì để tự điều chỉnh volume?

CẦM PHAN
CẦM PHAN

TTO - Có quá nhiều tiếng ta thán về “thú vui” karaoke của người người, nhà nhà trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Giờ đây, trong nhà, ngoài sân, trên vỉa hè, sát đường cái, dọc hẻm... chỉ với một cái mic “made in China” giá chưa đầy 100.000 đồng và một điện thoại thông minh có sẵn danh mục bài hát là vào bất cứ giờ nào, những giọng ca “khủng” nhất có thể làm náo động cả một vùng. 

Nhưng phía sau những quảng cáo hân hoan của những nhà bán lẻ công nghệ về “những loại mic kèm loa karaoke bluetooth “hot” nhất hiện nay” với tuyên bố “cơn sốt mic kèm loa karaoke bluetooth đang càn quét khắp hang cùng ngõ hẻm, từ giới mê công nghệ, các tín đồ sống ảo cho đến dân văn phòng và những ông bố bà mẹ trẻ” là những tức giận, chịu đựng, bối rối của không ít cư dân trót phải sống với niềm đam mê ca hát của... người khác.

Nhất là thú ca hát trỗi dậy sau những độ nhậu, khi người ta rất có nhu cầu nói mà lại không thấy ai muốn nghe!

Trong những tức giận, bối rối và chịu đựng ấy, người ta chọn những cách xử sự rất khác nhau. Có người nhấc điện thoại gọi lên phường phàn nàn, có người sang gặp tổ trưởng dân phố nhờ can thiệp, có người sang gõ cửa tận nơi đề nghị chủ nhà giảm âm lượng.

Dẫu chọn cách ứng xử nào, người ta cũng đều phải tự loay hoay tìm kiếm một giải pháp, có giải pháp hiệu quả nếu may mắn láng giềng là người biết điều, cũng có cách thức gây tai họa ngược, bất hòa nảy sinh, cự cãi và đánh lộn.

Những thực hành sống chung và tự điều tiết ấy trong một cộng đồng diễn ra không đơn giản, nhất là khi không có một thiết chế, một quy ước văn minh được xác lập và truyền đi trong cộng đồng dưới những hình thức đơn giản nhất để dễ dàng lĩnh hội.

Người ta có thể biết rõ và thường được nhắc rằng không được thả rông chó, không được vứt rác bừa bãi, nhưng với lập luận “Tết mà” để thoải mái gây ồn với karaoke, “nhà có việc mừng, hát chút cho vui” để thoải mái nhạc sống... rất khó bác bỏ, với khác biệt về trình độ, nhận thức và quan niệm của các cư dân trong một cộng đồng không dễ đạt được.

Cho nên, mọi thứ vẫn cần bắt đầu từ những quy ước rõ ràng, đơn giản, những thông điệp nhắc nhở thường xuyên, cần tới những nhân vật có uy tín làm giềng mối đoàn kết và văn minh trong từng cộng đồng, cần tới những giao tiếp thường ngày khăng khít và chân thật hơn giữa xóm giềng với nhau để khi cần thiết, điều hòa được những nhu cầu, lợi ích sống khác nhau mà không gây xung đột.

Sau cùng, không thể không tự hỏi về một căn nguyên sâu xa hơn về mặt văn hóa. Ở một siêu đô thị như TP.HCM, lễ tết vẫn là những dịp mà cả triệu người dân nghỉ ngơi, tụ họp, tìm đến những niềm vui văn hóa tốt đẹp mà ngày thường họ không có thời gian và điều kiện tiếp nhận, hưởng thụ.

Chính quyền thành phố đã rất nỗ lực trong duy trì những không gian sinh hoạt văn hóa, vui chơi công cộng tập trung như đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, các công viên giải trí khác.

Nhưng với những cộng đồng mang đặc tính đô thị khác hẳn các làng xã thôn quê, những hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính biểu diễn nhất thời như các đêm biểu diễn nhạc sống, do các thiết chế văn hóa cơ sở tổ chức trong một vài thời điểm... ngày càng ít lôi cuốn.

Nó cũng không thể hiện được sức sống, sức sáng tạo và biểu hiện của một thành phố trẻ dung chứa trong lòng nó rất nhiều nghệ sĩ đa tài, những cộng đồng trẻ giàu sáng tạo, những nhóm công dân trẻ khao khát có những không gian phù hợp để phô bày sự đa dạng và giàu có về mặt văn hóa của họ.

Thử hình dung về một đô thị hào phóng và cởi mở của nghệ thuật, cái đẹp và sức trẻ như vậy sẽ làm lan tỏa và bồi đắp sự đa dạng văn hóa như thế nào, khơi dậy và nâng cao trình độ hưởng thụ nghệ thuật của từng cá nhân ra sao, khích lệ và gắn kết các cộng đồng khác nhau thế nào trong sự sáng tạo và hưởng thụ văn hóa ấy.

Mọi thứ đều cần đến một quá trình thử nghiệm, tập dượt để từng bước điều chỉnh, nâng cao. Những nhà nghiên cứu văn hóa sau rất nhiều tranh cãi và lý thuyết, tựu trung đều nhìn nhận một điều: sự tiến hóa về mặt văn hóa, tinh thần chứ không phải vật chất hay công nghệ, mới là những bậc thang vững chắc đích thực để các cộng đồng đi về phía phát triển văn minh.

Sự gieo trồng về mặt văn hóa như vậy sẽ góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần, chuẩn mực và ứng xử văn minh, nói một cách lý thuyết, hoặc chí ít cũng giúp người ta biết điều chỉnh volume của cái mic karaoke cho phải lẽ, nói một cách thực tế.

CẦM PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên