19/10/2018 13:02 GMT+7

Làm gì để trẻ không táo bón?

DUY KHOA - HỒNG PHƯƠNG ghi
DUY KHOA - HỒNG PHƯƠNG ghi

TTO - 95% các trường hợp táo bón ở trẻ em thường là do ăn uống, sinh hoạt và chỉ có 5% là do bệnh lý (suy giáp, u ruột, liệt ruột, dị tật bẩm sinh như phình đại tràng, giãn đại tràng…).

Làm gì để trẻ không táo bón? - Ảnh 1.

Cho trẻ ăn rau mỗi ngày để tránh táo bón - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Táo bón là tình trạng bé đi đại tiện khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn. 

* Thưa bác sĩ, ở trẻ em thì nguyên nhân từ đâu gây ra táo bón? (Xuân Hiền - Đắk Nông)

- THS.BS TRẦN THỊ HỒNG LOAN (Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood) trả lời:

Các nguyên nhân gây táo bón do chế độ ăn uống thường gặp ở trẻ gồm:

+ Trẻ biếng ăn, ăn ít so với nhu cầu hằng ngày

+ Trẻ bú sữa công thức nhưng pha đặc so với hướng dẫn

+ Mẹ bị táo bón cho con bú, con cũng dễ bị táo bón

+ Trẻ uống ít nước

+ Trẻ ăn ít chất xơ (thiếu hoa quả, ít rau xanh)

Ngoài ra, khi táo bón lâu ngày, trẻ sẽ bị rách hậu môn gây chảy máu, đau rát; thậm chí có thể dẫn đến trường hợp vì sợ đau mà sau đó trẻ sẽ nín nhịn đi ngoài, từ đó làm nặng hơn tình trạng táo bón (vòng luẩn quẩn). Phụ huynh cũng cần lưu ý nếu sử dụng thường xuyên thuốc bơm thụt hậu môn để trị táo bón lâu ngày cũng có thể dẫn đến việc làm mất phản xạ đi tiêu của trẻ.

* Làm sao để phòng ngừa táo bón?

- Khi trẻ bị táo bón, phụ huynh cần giúp trẻ thực hiện các việc sau:

+ Đầu tiên, cần điều trị để tống tháo hết phân cũ, cứng trong ruột trẻ ra ngoài.

+ Cần cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý theo tuổi, cụ thể: ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, rau và trái cây) trong mỗi bữa chính, cung cấp đủ lượng chất xơ, pha sữa cho trẻ đúng cách và cho trẻ uống đủ nước.

+ Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc điều trị táo bón cho trẻ, nó có tác dụng giữ nước để làm phân mềm và xốp hơn nên cha mẹ cần kiên trì hỗ trợ, khuyến khích con tập ăn và ăn đủ lượng chất xơ theo tuổi. 

Chất xơ có trong tất cả các loại rau củ quả, các loại đậu nguyên hạt hay ngũ cốc nguyên cám. 

Nên chọn các loại rau củ có tính chất nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, rau dền, rau đay, khoai lang và các loại khoai có nhớt như khoai mỡ, khoai sọ, khoai từ... 

Khi nấu bột và cháo phải băm nhỏ rau củ và kiên nhẫn tập cho trẻ ăn cả cái (xác). Phụ huynh cần tập cho trẻ ăn các loại quả như: chuối, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long... Khi trẻ đã bị táo bón, cần hạn chế cho trẻ ăn cà rốt.

+ Nếu mẹ bị táo bón, khi cho con bú thì phải điều trị táo bón cho cả mẹ và con.

+ Tăng cường lượng nước uống cho trẻ khi thời tiết nắng nóng, trẻ chạy nhảy nhiều hay ra nhiều mồ hôi.

+ Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn hay trước giờ đại tiện để kích thích làm tăng nhu động ruột của trẻ.

+ Nên tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ, tạo cho trẻ thói quen đi tiêu mỗi ngày trong khoảng 5-10 phút vào lúc thoải mái nhất, thời gian tốt nhất là vào buổi sáng hoặc buổi tối.

- BS NGUYỄN HUY CHƯỞNG (Bệnh viện Nhi đồng TP) trả lời:

Táo bón ở trẻ em có thể chia thành hai nhóm. Nhóm một do nguyên nhân bệnh lý, bệnh tại đường tiêu hóa và bệnh ngoài đường tiêu hóa. Khi mắc táo bón thuộc nhóm một, bệnh nhân phải được trị bệnh gốc mới hết táo bón.

Nhóm hai, nguyên nhân do ăn uống không cân bằng, thiếu chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày gây khó đi tiêu, đi tiêu bị đau như bệnh táo bón. Ở nhóm này, phụ huynh cần điều chỉnh khẩu phần ăn tăng cường chất xơ cho trẻ.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng góp phần làm xấu đi tình trạng táo bón do mỗi khi đi tiêu bị đau nên trẻ sợ đi, hoặc trẻ sợ đi tiêu chỗ lạ nên cố nín lại... 

Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh nên tập thói quen cho trẻ ngồi bô vào đúng một giờ nhất định trong ngày, dần hình thành thói quen. Trẻ được tập như vậy kết hợp với chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp trẻ cải thiện tốt tình trạng táo bón. 

Trong trường hợp đã thực hiện đúng các biện pháp trên nhưng vài tuần lễ không có cải thiện, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa khám bệnh và tìm căn nguyên, điều trị bệnh cho trẻ.

Chớ coi thường táo bón Chớ coi thường táo bón Điều trị chứng són phân do táo bón ở trẻ em Điều trị chứng són phân do táo bón ở trẻ em Trẻ táo bón cần điều trị sớm Trẻ táo bón cần điều trị sớm
DUY KHOA - HỒNG PHƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên