01/02/2018 09:18 GMT+7

Làm gì để những bé gái sẽ không bé mãi?

QUỲNH TRÂN
QUỲNH TRÂN

TTO - Sau khi đọc bài “Mạnh mẽ lên tiếng chống nạn ấu dâm”, một du học sinh tại Mỹ đã gửi bài về tòa soạn chia sẻ những câu chuyện về chống nạn xâm hại tình dục với mong muốn hoạt động này sẽ mạnh mẽ hơn.

Làm gì để những bé gái sẽ không bé mãi? - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Trang Nhung đang hướng dẫn kỹ năng sống cho các em học sinh Trường TH Phú Thọ Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh: TỰ TRUNG

"Những bé gái ngày xưa sẽ không bé mãi, họ sẽ trở thành những phụ nữ mạnh mẽ, và họ sẽ quay lại để đánh đổ thế giới của ông". 

Mạnh mẽ lên tiếng chống nạn ấu dâm Mạnh mẽ lên tiếng chống nạn ấu dâm

TTO - Thống kê từ năm 2012 đến nay, mỗi năm VN trung bình có gần 1.500 trẻ là nạn nhân ấu dâm. Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, 93% trẻ bị xâm hại tình dục từ người thân, người quen, nghĩa là nguy cơ này có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào.

Đây là một câu nói trong bài diễn văn của vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Kyle Stephens trong phiên tòa xét xử Larry Nassar. Nassar vừa bị tòa án bang Michigan tuyên án từ 40 đến 175 năm tù vì tội xâm hại tình dục hơn 150 phụ nữ và trẻ em trong quá trình làm bác sĩ chuyên gia cho đội tuyển thể dục dụng cụ Olympic Mỹ.

"Xin hãy mặc quần jean hôm nay"

Stephens bị Nassar bắt đầu xâm hại khi cô chỉ mới 6 tuổi. Khi Stephens tố cáo Nassar với bố mẹ cô, Nassar thuyết phục bố mẹ cô rằng cô là kẻ nói dối. Và Stephens tiếp tục bị xâm hại suốt 6 năm sau đó.

Khi tôi xem đoạn video clip quay Kyle Stephens đọc bài diễn văn và đối mặt với kẻ xâm hại cô trong tòa án, cũng như những người tham dự phiên tòa ở Michigan, tôi không kiềm được nước mắt. Tôi nhớ đến vụ cô bé 13 tuổi ở Cà Mau tự tử sau khi tố cáo tên hàng xóm xâm hại. 

Khác với Kyle Stephens, cô bé ấy đã không có cơ hội trở thành người phụ nữ mạnh mẽ để một ngày quay lại đạp đổ thế giới của kẻ có tội với em. Em chết tức tưởi sau khi công an thông báo sẽ không khởi tố vụ án. Sau khi em mất, mẹ em kể với phóng viên: "Tôi cứ nói với con tôi từ từ chờ các chú xử. Chờ tới lúc con tôi chết".

Trên thế giới, đã có nhiều vụ án xâm hại tình dục bị tòa án bác bỏ vì những lý do mang tính "victim-blaming" (tạm dịch "đổ lỗi cho nạn nhân"). Tôi là sinh viên năm cuối ở một trường đại học tại bờ Đông nước Mỹ, trong suốt 3 năm học vừa qua, cứ đến ngày 25-4, tất cả sinh viên chúng tôi đều nhận được email thông báo từ trường: "Tất cả mọi người xin hãy mặc quần jean hôm nay" kèm câu chuyện về nguồn gốc của ngày "Denim day".

Đó là câu chuyện xảy ra ở Ý vào năm 1992, một cô gái 18 tuổi bị thầy dạy lái xe chở đến chỗ vắng, tuột một ống quần jean của cô ra và hãm hiếp cô. Sau khi bị cô gái tố cáo, tòa xử hắn ta tội hiếp dâm. Nhưng trong phiên tòa phúc thẩm, tòa lại tuyên bị cáo vô tội và hắn được thả. 

Lý do mà vị thẩm phán đưa ra được dịch nguyên văn là: "Bởi vì nạn nhân mặc một chiếc quần jean rất, rất chật, nạn nhân chắc hẳn đã phải giúp bị cáo cởi quần cô ra. Và vì cô giúp bị cáo cởi quần, vụ việc không còn là hiếp dâm, mà chỉ là tình dục đồng thuận".

Phẫn nộ với lời tuyên án này, những phụ nữ ở Quốc hội Ý đã biểu tình bằng việc mặc quần jean đi làm. Từ đó, ngày 25-4 mỗi năm được gọi là "Denim day", ngày mà toàn thế giới phản đối nạn bạo hành tình dục và kêu gọi các nạn nhân lên tiếng.

Mạnh mẽ chống xâm hại tình dục

Khi vị thẩm phán người Ý kia tuyên tên tội phạm hiếp dâm vô tội chỉ vì nạn nhân đang mặc quần jean bó, ông ấy đang đổ lỗi cho nạn nhân.

Ở Việt Nam, cha mẹ và người lớn vẫn hay dặn các bé gái không được ăn mặc hở hang, không được đi ban đêm một mình hay không được nghe lời người lạ. Nhưng những lời khuyên này vô tình dẫn đến việc "đổ lỗi cho nạn nhân": "Ai bảo đêm ấy cô ta đi một mình lại mặc áo hai dây", "Cô ta mặc váy ngắn như thế rõ ràng đang mời gọi đàn ông". 

Những câu "buộc tội" từ dư luận kiểu này khiến nạn nhân ngại chia sẻ câu chuyện của họ, ngại báo cho cơ quan chức năng về vụ việc đã xảy ra. Họ sợ bị đánh giá, sợ bị dè bỉu.

Trong khi đó, chính những lời nói ấy lại vô tình tạo ra những cái cớ cho nạn xâm hại: "Tôi làm vậy vì tôi nghĩ cô ấy mặc quần áo khêu gợi để hấp dẫn tôi", "Rõ ràng cô ta đang có ý mời gọi"... Hệ quả của những chuyện này là xã hội dần xem nhẹ những tội ác về xâm hại tình dục.

Tôi vẫn thường chia sẻ với bạn bè quốc tế về sự phẫn nộ của tôi khi việc xâm hại tình dục ở VN vẫn chưa nhận được đủ sự quan tâm nhiều từ xã hội. Nhưng mới đây, tôi bỗng thấy chút hi vọng khi biết đến một triển lãm về chống xâm hại tình dục trẻ em tổ chức đầu năm 2018 tại TP.HCM.

Tôi nghĩ nếu ở nước mình những hoạt động xã hội nhằm chống nạn xâm hại tình dục như triển lãm nói trên được tổ chức thường xuyên và truyền bá rộng rãi hơn, có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến những đoạn kết đau lòng như vụ việc cô bé 13 tuổi ở Cà Mau. Và các bé gái sẽ có một tuổi thơ yên bình, và không ai phải nói lên trong căm hờn: "Những bé gái ngày xưa sẽ không bé mãi...".

Chống đổ lỗi cho nạn nhân

Các trường đại học ở Mỹ là một trong những nơi mà các hoạt động xã hội diễn ra sôi động nhất. Ở riêng trường tôi, mỗi năm sinh viên đều tổ chức những hoạt động hoặc đưa ra sáng kiến để nâng cao nhận thức về vấn nạn xâm hại tình dục.

Tháng 4 mỗi năm, sinh viên cả nam lẫn nữ sẽ dành một buổi tối đi biểu tình quanh trường và hô khẩu hiệu "Take back the night!" ("Hãy lấy lại cái đêm ấy!") nhằm lấy sự đoàn kết để lên tiếng chống lại tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân của bạo hành tình dục.

QUỲNH TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên