09/11/2017 10:33 GMT+7

Làm gì để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm hùm?

TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)
TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)

TTO - Làm gì để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm hùm? Dưới đây là bài phân tích của TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)

Làm gì để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm hùm? - Ảnh 1.

Tôm hùm Khánh Hòa được người nuôi mang vào TP.HCM bán giá rẻ để vớt vát lại sau cơn bão số 12 - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu.

"Cơn bão số 12 gây thiệt hại rất lớn với các hộ nuôi tôm hùm lồng ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên khi nhiều người "trắng tay" sau bão, cho thấy dường như người dân không hề có giải pháp tài chính nào để phòng ngừa rủi ro.

Thuần theo nguyên tắc rủi ro cao, lợi nhuận cao thì việc đầu tư vào nuôi tôm hùm lồng ở nước ta phải cần nhiều cân nhắc, vì quá nhiều khả năng là một hình thức cá cược chứ không phải kinh doanh có rủi ro."

TS VÕ ĐÌNH TRÍ

Theo Tổng cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm lồng năm 2016 đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỉ đồng, tập trung 90% sản lượng ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Đây cũng là hoạt động kinh tế chính của rất nhiều hộ gia đình, vì nghề nuôi tôm hùm lồng kéo theo nhiều nghề phụ trợ khác như nguồn cung cấp thức ăn cho tôm, nguồn tôm giống, thiết bị ngư cụ, lồng bè...

Lợi nhuận khó bù được rủi ro

Hiện nay, theo tính toán của người trong nghề, nếu nuôi trung bình 15 lồng tôm hùm xanh, với mức đầu tư trung bình 45 triệu đồng/lồng trong vòng 9 tháng, và mọi chuyện thuận lợi thì tỉ suất sinh lợi trung bình của khoản đầu tư là từ 30-35%/năm. Nhưng nếu trong vòng 3 năm (nuôi được 4 vụ), chỉ cần thua lỗ nặng 1 vụ thì toàn bộ lợi nhuận của 3 vụ kia sẽ tan biến.

Hiện nay, việc nuôi tôm hùm lồng lại có quá nhiều rủi ro, khó có thể đảm bảo trong 3 năm liên tiếp vụ nào cũng thắng. 

Thứ nhất, do các địa phương không quản lý được quy hoạch, số lượng lồng trên 1ha mặt nước vượt xa quy định là 60 lồng/ha, rồi số lượng tôm trong một lồng cũng dày đặc hơn. Vì mật độ nuôi quá dày dẫn đến môi trường nước càng bị ô nhiễm, dễ xảy ra dịch bệnh. Tháng 5-2017 đã có khoảng 400 tấn tôm hùm ở Phú Yên bị chết do nhiễm bệnh, ước thiệt hại lên đến 700 tỉ đồng.

Thứ hai, mức độ biến động giá thu mua. Hiện nay đầu ra của tôm hùm phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, vì thế rủi ro bị thao túng giá là rất cao, mức độ biến động giá có khi lên đến +/- 30%, một tỉ lệ quá cao trong kinh tế.

Thứ ba, hiểm họa tiềm ẩn từ bão lũ của vùng nuôi tập trung là rất cao. Ngoài việc hứng chịu nhiều cơn bão trong năm, việc suy giảm nghiêm trọng rừng đầu nguồn khiến cho lũ xảy ra nhiều hơn và cường độ mạnh hơn ở khu vực miền Trung. Lượng nước nguồn thoát ra biển nhanh, làm thay đổi nhanh môi trường nước ở các đầm vịnh, có thể khiến cho tôm không thích ứng kịp.

Ngoài ba rủi ro quan trọng kể trên, đương nhiên người nuôi tôm hùm còn phải đương đầu với nhiều rủi ro khác như chất lượng con giống, dịch bệnh trong quá trình nuôi, biến động giá của các chi phí đầu vào.

Làm gì để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm hùm? - Ảnh 3.

TS Võ Đình Trí - Ảnh: NVCC

Cần công cụ bảo hiểm phù hợp

Riêng về rủi ro thảm họa do thiên nhiên, bảo hiểm nông nghiệp hay mùa vụ là rất phổ biến ở nhiều nước. Ở Việt Nam, một số loại hình bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai, trong đó có bảo hiểm cho tôm, nhưng dường như không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp trong việc chia sẻ rủi ro, đảm bảo an toàn về tài chính cho người nông dân ngày càng được ghi nhận trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã và đang hỗ trợ nhiều cho chương trình tài chính - bảo hiểm cho rủi ro thảm họa (Disaster Risk Financing and Insurance Program - DRFI Program). Chương trình này là một trong các chương trình ưu tiên của Hội nghị bộ trưởng tài chính APEC 2017.

Nhưng nỗ lực không chỉ đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, chính phủ và các định chế tài chính quốc tế. Bản thân người làm nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng cần thấy được bảo hiểm là một công cụ tài chính phòng tránh rủi ro hữu hiệu. 

Muốn vậy, cần chuẩn hóa quá trình nuôi trồng. Hộ gia đình nuôi tôm phải có đăng ký kinh doanh để hạch toán chi phí bảo hiểm vào chi phí kinh doanh, khấu trừ các khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào, hạch toán đủ các chi phí sản xuất.

Quan trọng hơn, việc quản lý rõ ràng các khoản chi phí đầu vào sẽ giúp các công ty bảo hiểm thuận lợi hơn trong việc đánh giá rủi ro, chấp nhận bảo hiểm và bồi thường khi có sự cố xảy ra.

TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên