10/07/2017 08:25 GMT+7

Làm đường 10 năm chưa xong, đội vốn hàng trăm tỉ đồng

NGỌC ẨN - TÂM ĐỨC
NGỌC ẨN - TÂM ĐỨC

TTO - UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) triển khai thi công dự án nâng cấp tỉnh lộ 8 (dài 6,8km, rộng 20m, kể cả vỉa hè) kéo dài gần 10 năm, vốn đầu tư tăng 4,6 lần, từ 186 tỉ đồng lên 870 tỉ đồng.

Tỉnh lộ 8 chật hẹp nhưng 10 năm qua dự án nâng cấp, mở rộng đường này vẫn triển khai ì ạch, phần lớn chưa được tiến hành thi công - Ảnh: T.ĐỨC
Tỉnh lộ 8 chật hẹp nhưng 10 năm qua dự án nâng cấp, mở rộng đường này vẫn triển khai ì ạch, phần lớn chưa được tiến hành thi công - Ảnh: T.ĐỨC

Theo cơ quan chức năng, do dự án bị kéo dài, chi phí xây lắp từ 110 tỉ đồng tăng lên 282 tỉ đồng, chi phí đền bù giải tỏa từ 52,8 tỉ đồng lên 457 tỉ đồng, dự phòng phí từ 16,9 tỉ đồng lên 82,4 tỉ đồng...

Dân lo mất an toàn

Ngày 8-7, trên tỉnh lộ 8 (đoạn từ Tân Quy đến tỉnh lộ 9) chỉ dài khoảng 4,8km nhưng nhà dân, quán xá vẫn chi chít nhau, chưa được giải tỏa dù dự án được duyệt vào năm 2008. Còn trên đoạn đường từ Khu công nghiệp Đông Nam đến tỉnh lộ 9 dài khoảng 2km vừa triển khai thi công vào năm 2016 nhưng mới làm phần nền đường, hai bên đường còn nhà chưa giải tỏa.

Tại đoạn đường 2km đang thi công lởm chởm chắp vá, nền đường lồi lõm. Trong khi mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn như xe đầu kéo, xe ben... lưu thông trên mặt đường chật hẹp, rộng 6-7m.

Chị N.T.T., ngụ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, cho biết có nghe nói đến dự án mở rộng đường, trong khi đó tuyến đường này quá hẹp, quá nhiều xe tải qua lại nên chị không dám để con tự đi học mà phải chở từng đứa đến trường.

“Đường có chút xíu mà xe chạy quá nhiều đến mức việc đi bộ băng qua đường cũng là một cực hình” - chị T. nói.

Nhiều người dân bày tỏ lo lắng về tuyến đường chật hẹp, đông xe trong khi hàng nghìn học sinh đi học, công nhân đi làm ở khu công nghiệp bằng xe máy, xe đạp thường xuyên bị ép xuống lề. Bà con cho biết gần đây mới xảy ra tai nạn chết người.

“Làm đường kiểu gì mà mặt đường trồi nhựa, nứt nẻ tùm lum khiến nhiều người đi ban đêm ủi vô té hoài” - một người dân than phiền về đoạn đường 2km đang thi công.

Vướng giải tỏa

Anh L.Q.C. ở xã Bình Mỹ cho biết việc làm tỉnh lộ 8 bị ách tắc là cơ quan chức năng đền bù quá thấp, đa số hộ dân không chấp nhận. Tương tự, ông Nguyễn Văn Phương, cư ngụ xã Bình Mỹ, cũng nói không ai cản trở công tác giải phóng mặt bằng để làm đường, nhưng tiền đền bù không hợp lý, đất của ông có chủ quyền nhưng tiền đền bù chỉ 2,9 triệu đồng/m2, trong khi nhà cạnh bên lại hơn 6 triệu đồng/m2.

Ông Lê Văn Thuận - phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi (chủ đầu tư dự án tỉnh lộ 8) - cho biết dự án được phê duyệt từ năm 2008, thời hạn thực hiện dự án từ quý 3-2008 đến quý 4-2009. Nhưng do vướng nhiều thủ tục pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành nên không thể triển khai.

Đến năm 2012, sau khi có công văn chỉ đạo của lãnh đạo TP mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Ngày 12-7-2016 triển khai thi công gói thầu xây lắp số 1 có chiều dài 2km từ Khu công nghiệp Đông Nam đến tỉnh lộ 9.

Theo chủ đầu tư, đoạn 2km đang thi công chưa xong cũng do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Cụ thể, còn 143 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 15 hộ không chấp nhận mức giá bồi thường, 10 hộ nằm trong diện bồi thường của Khu công nghiệp Đông Nam.

Ông Lê Văn Thuận thừa nhận mặt đường đang thi công chắp vá, nham nhở bởi đang trong quá trình triển khai mở rộng mặt bằng, đến nay gói thầu mới thi công được 75% khối lương.

Trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến dự án chậm trễ vẫn là do công tác giải phóng mặt bằng.

Ban quản lý dự án huyện Củ Chi và đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng là Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cũng thuộc UBND huyện Củ Chi. Như vậy, trách nhiệm ở đây là thuộc UBND huyện Củ Chi, “còn nguyên nhân lỗi cụ thể thế nào thì UBND huyện sẽ làm rõ chi tiết”.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, quan điểm của sở về dự án này là rất cần thiết đầu tư, tỉnh lộ 8 và tuyến đường nối Long An - TP.HCM và tỉnh Bình Dương có lưu lượng xe lưu thông rất lớn. Đó là chưa kể việc mở rộng tuyến đường là nhằm giúp phát triển các khu công nghiệp Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Bên cạnh việc cần làm rõ trách nhiệm về dự án chậm trễ, Sở Giao thông vận tải sẽ kiến nghị UBND TP cho điều chỉnh vốn dự án để thực hiện dự án này.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Phải truy trách nhiệm

Dự án thi công kéo dài dẫn đến chậm trễ và đội vốn phải truy trách nhiệm chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án cũng phải chịu trách nhiệm. Việc dự án trì trệ kéo dài và đội vốn sẽ dẫn đến tác động lớn đối với kinh tế - xã hội, đồng thời khiến bội chi ngân sách, làm đảo lộn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.

NGỌC ẨN - TÂM ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên