
Kệ ti vi, kệ bảng do ông Tâm mua vật liệu rồi tự hàn - Ảnh: M.T.
Tuy nhiên do không phải là doanh nghiệp nên không có hóa đơn chứng từ, ông đã nhiều lần mua hóa đơn khống và bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 10 triệu đồng. Vị hiệu trưởng này bị xét xử tội tham ô tài sản và bản án sơ thẩm đã tuyên ông đến 7 năm tù.
Mua hóa đơn để hợp thức hóa
Ông Trần Văn Tâm nhận nhiệm vụ hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ, nay là xã Tân Ân) tỉnh Cà Mau từ giữa tháng 7-2022.
Trong bối cảnh học liệu, cơ sở vật chất thiếu thốn, ông Tâm chủ động mua vật liệu rồi tự tay làm các vật dụng như kệ hồ sơ, kệ tivi, ghế thang... để phục vụ việc dạy và học trong trường.
Tuy nhiên vì không có hợp đồng mua bán hay hóa đơn đầu vào nên không thể làm thủ tục thanh quyết toán theo quy định tài chính hiện hành. Để hợp thức hóa chi phí, ông Tâm đã mua hóa đơn của doanh nghiệp khác thực hiện thủ tục thanh toán.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hiển, ngày 29-12-2022 ông Tâm duyệt chi số tiền 11 triệu đồng theo hóa đơn bán hàng của Công ty H.K..
Trong số tiền này, chủ Công ty H.K. đã tự cộng tiền nợ vật tư cá nhân của ông Tâm trước đây là 5,5 triệu đồng. Khoảng 10 ngày sau, ông Tâm lấy tiền cá nhân trả lại hơn 1,2 triệu đồng cho doanh nghiệp.
Số tiền nợ cá nhân của ông Tâm đã được thanh toán trong ngân sách nhà trường hơn 4,2 triệu đồng nhưng ông không báo cáo với tập thể.
Cùng ngày, ông Tâm duyệt chi chứng từ mua ghế thang kẽm hơn 1,8 triệu đồng. Số tiền này ông Tâm tự liên hệ doanh nghiệp mua hóa đơn.
Từ hai chứng từ trên, cơ quan điều tra xác định ông Tâm chiếm đoạt hơn 6,1 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tâm dùng tiền này mua sơn để sửa bồn hoa nhà trường. Từ đó công an xác định lần thứ nhất, vị hiệu trưởng chiếm đoạt hơn 3,8 triệu đồng.
Lần thứ hai (ngày 15-3-2023), ông Tâm duyệt chi hai chứng từ với số tiền 6,9 triệu đồng làm hai kệ ti vi (sản phẩm này được hàn trước đó, tiền vật tư đã thanh toán). Trước khi duyệt chi, ông đến hai công ty mua hai hóa đơn, đưa kế toán trường làm thủ tục thanh toán.
Cơ quan công an kết luận ông Tâm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để chiếm đoạt hai lần với số tiền hơn 10,7 triệu đồng.
Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi của mình, ông Tâm có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ yếu tố cấu thành tội "tham ô tài sản".
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tâm thừa nhận hơn 10 triệu đồng dư từ việc làm các sản phẩm cho nhà trường nhưng số tiền này đều dùng cho tập thể: chi phí làm việc với đoàn thanh tra; công tác phí đi Hà Nội; trả tiền mạng VNPT... bị cáo chỉ chưa kịp thông báo cho tập thể giáo viên. Bị cáo chi sai trong nguyên tắc tài chính, không chiếm đoạt.
Ngày 17-2-2025, TAND huyện Ngọc Hiển (cũ) tuyên án ông Tâm 7 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trong hai năm và tịch thu hơn 10,7 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Ông Tâm kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không có ý đồ chiếm đoạt, chỉ sai phạm thủ tục.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Văn Tâm thừa nhận việc sử dụng hóa đơn khống là sai quy định nhưng khẳng định không có động cơ tham ô. Các sản phẩm ông làm ra đều đã được nhà trường sử dụng cho mục đích công (điều này phù hợp với lời khai và hồ sơ chứng cứ).
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm đã bỏ qua quy trình tố tụng quan trọng và có nhiều sai sót như: không định giá tài sản do ông Tâm làm ra; không triệu tập đại diện pháp lý của nhà trường tham gia tố tụng; chưa xác minh đầy đủ thiệt hại thực tế; chưa đánh giá đúng bản chất vụ việc...
Do đó, hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Cà Mau đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngôi trường nơi ông Tâm làm hiệu trưởng - Ảnh: M.T.
Một người thầy có tâm, tận tụy
Ngay sau khi ông Tâm bị bắt tạm giam hồi tháng 8-2024, đồng nghiệp tại Trường THCS Tam Giang Tây tỏ ra bất ngờ. Nhiều giáo viên cho biết ông là người có tâm, tận tụy với nghề và sống giản dị.
"Anh Tâm rất chịu khó, biết hàn sắt, sửa bàn ghế, làm bảng thông báo... giúp trường tiết kiệm chi phí đáng kể. Ai ngờ lại rơi vào vòng lao lý vì chuyện hóa đơn, chứng từ", một giáo viên chia sẻ.
Vợ ông Tâm, bà Lê Thị Tuyết cho biết sau bản án sơ thẩm, gia đình đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. "Chồng tôi có sai khi dùng hóa đơn khống nhưng anh ấy không lấy tiền đó bỏ túi. Làm xong kệ, ghế, bảng anh đem vô trường hết, chỉ mong được trả lại chi phí vật tư và công sức. Nếu không làm thì trường cũng phải mua ngoài với giá cao hơn", bà nói trong nghẹn ngào.
Theo bà Tuyết, sau khi bản án sơ thẩm bị hủy, gia đình mong cơ quan điều tra làm rõ đúng, sai khách quan, thấu tình đạt lý.
Trong đơn đề nghị xem xét gửi các cơ quan có thẩm quyền, ông Tâm cho rằng tất cả số tiền chi làm sản phẩm cho nhà trường ông đã sử dụng chi cho công việc chung của tập thể, ngay cả tiền công làm, tiền % hóa đơn ông cũng đưa vào để sử dụng cho tập thể, thậm chí tạm ứng tiền cá nhân để giải quyết công việc chung.
Theo đơn, do nhà trường nhiều việc, trường lại không có phó hiệu trưởng để phụ trách chuyên môn, thiếu giáo viên, bản thân ông Tâm vừa dạy học vừa làm quản lý.
Vì vậy ông chưa kịp công khai trước tập thể các khoản chi tại thời điểm đó nên thực hiện chưa đúng về nguyên tắc sử dụng tài chính của đơn vị chứ ông không tham ô tài sản.
Cần xem xét toàn diện cả lý và tình
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Quách Trọng Phú - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng hành vi của thầy Tâm dù có dấu hiệu của tội phạm nhưng lại diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Cần xác định công sức lao động, giá trị thực tế các sản phẩm mà thầy Tâm đã làm phục vụ cho nhà trường.
Một người từng là hiệu trưởng, đảng viên bị tuyên tội "tham ô tài sản" chỉ vì những khoản chi chưa kịp công khai trước hội đồng sư phạm nhà trường dù ông Tâm đã nhận lỗi và khắc phục hậu quả.
Luật sư cho rằng bị cáo không có động cơ nhằm trục lợi cho cá nhân, hành vi sai sót chủ yếu xuất phát từ việc nhận thức về quản lý tài chính còn hạn chế. Việc kết luận đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng là quá nặng nề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận