26/03/2013 08:25 GMT+7

Làm đồ chơi từ nắp chai nhựa

NGÔ THIÊN PHÚC
NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Giờ “Bé vui học toán” của lớp lá, cô giáo ra bài “Các bé hãy xếp các con vật sao cho tương ứng với số đếm bên cạnh”. Lập tức, những đôi tay nhỏ nhắn nhanh nhẹn tìm con vật trong các rổ đồ chơi xếp vào bảng bài tập của mình theo con số tương ứng bên cạnh.

a3xLfVES.jpgPhóng to
Cô giáo Lê Yến Hương dạy trẻ mầm non bằng những dụng cụ, đồ chơi được làm từ nắp chai nhựa phế thải - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Ít ai biết được hàng nghìn con vật, chữ cái, số đếm... trong tiết học ấy được làm ra bằng những nắp chai nhựa vứt đi từ đôi tay của hai cô giáo: Lê Thị Ngọc Hà và Lê Yến Hương, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai).

Làm thuê lấy công bằng nắp chai

Giải nhất hội thi sáng kiến

Với niềm đam mê sáng tạo, trong năm 2011 cô giáo Lê Yến Hương đã đoạt giải nhì trong hội thi Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập với sản phẩm “Đồ dùng dạy học cho trẻ làm quen với toán và chữ viết làm bằng đĩa CD phế thải”. Năm 2012, cùng với cuộc thi đó, cô Hương cùng cô Lê Thị Ngọc Hà xuất sắc vượt qua hàng trăm sáng kiến dự thi để đoạt giải nhất với sáng kiến “Đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo cho trẻ mầm non làm bằng nắp chai nhựa”. Hội thi do Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Để có những bộ đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ như hiện nay, hai cô giáo phải bỏ rất nhiều thời gian đi nhặt từng nắp chai nhựa đủ loại ở gia đình, quán cà phê... để sáng chế. Những lúc đi ngoài đường, cứ hễ thấy chai nhựa nào bỏ bên đường, các cô đều dừng lại nhặt về, phụ huynh các bé đi ngang đều ngỡ ngàng hỏi chuyện.

Sau khi biết mục đích của cô giáo là làm đồ chơi cho các bé ở lớp, đa số phụ huynh có nắp chai nhựa nào ở nhà sau khi dùng xong đều đưa đến góp thêm cho cô giáo. Rồi những đợt liên hoan có tham gia, hai cô giáo đều là người ở lại cuối cùng để nhặt nắp chai đem về.

Cần mẫn, chịu khó góp nhặt nhiều nơi trong một thời gian dài nhưng nắp chai vẫn không đủ. Nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, cô Hương lóe lên một ý nghĩ tại sao không đến các bãi phế liệu để tìm kiếm nhỉ? Nhưng chuyện đi xin không mấy ngàn cái nắp chai nhựa đâu lại dễ dàng với vùng nông thôn còn nghèo khó này khi chủ bãi phế liệu cũng phải mua ve chai về để kiếm sống.

Cuối cùng hai cô quyết định đến xin vào giúp phân loại phế liệu tại một đại lý phế liệu trong xã. Thay vì lấy tiền công, hai cô giáo chỉ xin những nắp chai nhựa đầy màu sắc để làm đồ chơi. “Đến vựa phế liệu thì có rất nhiều loại nắp chai, không quen với việc phân loại nên nhiều hôm đi về bụi bẩn lấm lem đầy người, nhưng nghĩ đến các em nhỏ thì mệt mỏi trong người như tan biến” - cô Lê Thị Ngọc Hà tâm sự.

Sau khi nhặt nắp chai về, hai cô rửa bằng xà phòng, ngâm khử trùng, sấy khô sạch sẽ rồi bắt đầu chế tác thành những con vật, chữ cái, tháp nhà, bánh xe...

Vừa học vừa chơi

Hiện nay những bộ đồ chơi tự tạo dùng cho trẻ mầm non của hai cô giáo có khoảng 10.000 nắp chai nhựa với nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhiều chủ đề dạy học mầm non cho trẻ như: học số đếm, làm quen con chữ, phát triển tư duy. Đó là chưa kể đến hàng trăm đĩa CD với hình hài ngộ nghĩnh, bắt mắt được treo lủng lẳng khắp các lớp học cùng hơn 100 sản phẩm đồ chơi tự chế từ phế liệu của các cô giáo trong trường.

Mỗi bộ đồ chơi là mỗi kiểu dáng, hình hài khác nhau thích ứng từng môn học trên lớp mẫu giáo: ghép chữ cái theo từ cho trước, tìm và xếp chữ còn thiếu trong từ, xếp các con vật và đếm theo khả năng trong phạm vi 10, lắp ghép các bông hoa từ các bộ phận để chơi hoạt động góc... Hay bộ đồ chơi này cũng có thể dành cho các bé lớp mầm, lớp chồi: xâu vòng, xâu nắp vào que đếm số, nắp to nắp nhỏ, bỏ vào lấy ra, dựng kim tự tháp, tập làm nghệ sĩ, hoạt động với đồ vật...

“Là trường mầm non ở vùng sâu, vùng xa khi kinh phí còn khó khăn trong việc đầu tư dụng cụ thì những bộ đồ chơi tự tạo làm bằng phế liệu được nhà trường phát động nhiều năm nay, trong đó bộ đồ chơi bằng nắp chai nhựa có thể ứng dụng rộng rãi, giúp trẻ bắt nhịp tốt hơn trong học tập cũng như vui chơi” - cô Trần Thị Thúy Hải, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, cho biết.

Cô Chu Như Ý, trưởng Phòng giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai), nhận xét: “Sáng kiến biến những nắp chai phế liệu thành dụng cụ học tập, đồ chơi của hai cô giáo Trường Sơn Ca thể hiện sự sáng tạo, phù hợp với chương trình giáo dục mầm non mới bởi áp dụng đa dạng cho nhiều bộ môn, nhiều hoạt động, nhiều độ tuổi... Hiện nay Sở GD-ĐT đang nhân rộng sáng kiến mô hình trên cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh học hỏi, đặc biệt là các trường mầm non vùng nông thôn”.

NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên