22/12/2022 18:19 GMT+7

'Làm dệt may 25 năm, chưa bao giờ thấy chỉ trong 1 tháng lại khác biệt đến thế'

NGỌC AN
NGỌC AN

Triển vọng thị trường ngành dệt may Việt Nam năm 2023 được dự báo là tiếp tục có nhiều thách thức và rủi ro lớn khi đơn hàng sụt giảm mạnh, buộc ngành phải đưa ra nhiều giải pháp ứng phó thách thức.

Làm dệt may 25 năm, chưa bao giờ thấy chỉ trong 1 tháng lại khác biệt đến thế - Ảnh 1.

Sản xuất dệt may gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm mạnh và đảo chiều trong các tháng cuối năm - Ảnh: N.K

Chiều 22-12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trao đổi với báo chí về hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2022 và định hướng năm 2023. 

Chia sẻ nếu như đầu năm hừng hực khí thế thì cuối năm "đổi chiều nhanh chóng", ông Lê Tiến Trường - chủ tịch hội đồng quản trị Vinatex - cho hay nhiều đơn vị giảm đơn hàng đến 70 - 80%. "Người làm dệt may tròn 25 năm chưa bao giờ thấy chỉ trong 1 tháng mà mọi tín hiệu khác biệt đến thế", ông nói. 

Ông Trường cho biết sau thời gian đại dịch, người tiêu dùng mua nhiều hơn, khiến cho lượng đơn hàng của quý 1-2022 tăng vọt. Tuy vậy, đến cuối tháng 6, tồn kho hàng hóa tăng lên tới 50 - 60%, cùng với các vấn đề lãi suất tăng, lạm phát lên đỉnh, thất nghiệp...

"Xu thế 6 tháng cuối năm xấu, chưa thấy con đường đi lên rõ ràng và triển vọng cho đầu năm 2023 là thấp, rủi ro vẫn là nguy cơ. Chưa kể đồng nội tệ Việt Nam trong tương quan với các nước xuất khẩu dệt may Việt Nam là cao hơn, nên hàng dệt may đắt hơn", ông Trường nói. 

Theo ông Trường, trong bối cảnh cầu tiêu dùng thấp, các doanh nghiệp phải tranh nhau để có đơn hàng, nhưng giá bán của Việt Nam lại cao hơn nên doanh nghiệp phải chấp nhận kinh doanh không hiệu quả, mức lợi nhuận bình quân chỉ 5% vẫn phải giảm giá, không có lợi nhuận để duy trì đơn hàng.

Về giải pháp, ông cho hay sẽ tập trung giữ lao động lành nghề, giữ vị trí trong chuỗi, quyết định hy sinh lợi ích tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để giữ ổn định cao hơn về lao động. Do đó, dù năm nay không bằng năm ngoái nhưng vẫn chi thêm tháng lương 13 và cộng thêm 2 tháng, với mức bình quân là 15 triệu đồng/tháng. 

Ông Vương Đức Anh - chánh văn phòng tập đoàn - cho biết thêm 6 tháng đầu năm nhập khẩu hàng dệt may tăng trưởng ở Mỹ và EU lên 40%, nhưng sau biến cố của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhiều dự báo cho thấy sức mua yếu đi, trong đó có hàng hóa dệt may, do thu nhập giảm và lạm phát tăng. 

"Quý 4 tình hình diễn biến xấu nhất theo kịch bản đã dự báo. Thị trường Mỹ giảm 10 - 14%, trong khi 8 tháng đầu năm vẫn tăng 20%. Xuất khẩu dệt may cả nước 11 tháng đạt gần 42 tỉ USD, tăng 14% nhưng riêng tháng 11 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, là điều trái ngược khi quý 4 thường có kết quả xuất khẩu tốt nhất", ông Đức Anh thông tin ước tính doanh thu tập đoàn đạt 19.500 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch, lợi nhuận 1.189 tỉ đồng, vượt 24% kế hoạch.

Đến nay Vinatex chưa phải cắt giảm lao động mà tìm mọi cách để bảo toàn lực lượng, đào tạo đội ngũ chất lượng cao. Tuy vậy, người lao động không có tăng ca, làm thêm giờ mà giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước. 

Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40 giờ/tuần. Thu nhập bình quân của người lao động là 9,69 triệu/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021, đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động. 

Dệt may Việt Nam chiếm thị phần chỉ sau Trung Quốc, Vinatex lợi nhuận kỷ lục Dệt may Việt Nam chiếm thị phần chỉ sau Trung Quốc, Vinatex lợi nhuận kỷ lục

TTO - Thị phần toàn ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, trong khi đơn vị lớn nhất của ngành là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên