02/07/2018 14:37 GMT+7

Làm đẹp cho “góc con người”

Nguồn: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM
Nguồn: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM

Một hàm răng không đẹp có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ. Nắn chỉnh răng có thể mang lại những hiệu quả tích cực về mặt tâm lý.

Làm đẹp cho “góc con người” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: parenting.com

Với bác sĩ, cải thiện thẩm mỹ bộ răng để có nụ cười đẹp có thể không phải là lý do chính cần thiết để nắn chỉnh răng, tuy nhiên, với bệnh nhân thì có lẽ đó là nguyên nhân quan trọng nhất. Một hàm răng không đẹp có thể ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ. Thực tế, nắn chỉnh răng có thể mang lại những hiệu quả tích cực về mặt tâm lý.

Có phải ai cũng cần làm đẹp răng?

Phần lớn điều trị chỉnh nha được tiến hành vì nhu cầu thẩm mỹ và lợi ích mà mỗi bệnh nhân nhận được từ việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của mức độ sai khớp cắn và nhận thức của bệnh nhân về vấn đề này. Một số cá nhân có thể có sự lệch lạc ở mức độ quá rõ ràng làm ảnh hưởng trầm trọng tới gương mặt của họ. Lệch lạc khớp cắn mức độ nhẹ nên được điều trị với sự cẩn trọng vì khả năng tái phát sau khi điều trị.

Các bậc phụ huynh có thể có rất nhiều yêu cầu khác nhau nhưng các bác sĩ lâm sàng nên tiếp cận những vấn đề này một cách cẩn trọng và chỉ tiến hành điều trị khi nó đem lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân. Điều thiết yếu nhất cần nhớ là phụ huynh và bác sĩ cần phải nhận thức rõ về những hạn chế cũng như sự đòi hỏi nhiều thời gian của việc điều trị chỉnh nha.

Kế hoạch làm đẹp cho răng

Trong quá trình phát triển của bộ răng, có thể chia làm ba giai đoạn chính như sau: Giai đoạn răng sữa, giai đoạn răng hỗn hợp và giai đoạn răng vĩnh viễn. Sau đây là một số gợi ý những trường hợp nào cần và nên điều trị theo các giai đoạn của bộ răng:

Đối với hàm răng sữa: Điều trị nắn chỉnh răng ở hàm răng sữa nhằm mục đích loại bỏ các cản trở đến sự tăng trưởng bình thường của mặt và cung răng; duy trì hoặc phục hồi lại chức năng bình thường. Những trường hợp có cắn chéo phía trước và sau; mất răng sữa gây thiếu khoảng trên cung hàm; các răng cửa sữa thay không đúng quy luật gây rối loạn sự mọc răng bình thường của các răng cửa vĩnh viễn; các răng mọc sai vị trí làm rối loạn chức năng khớp cắn hoặc gây ra khiếm khuyết há ngậm miệng; các thói quen xấu hoặc sai chức năng gây ra sai lệch phát triển. Bên cạnh đó, nếu trẻ không hợp tác điều trị, không đảm bảo kết quả có thể chấp nhận được và có thể đạt được kết quả tốt hơn mà ít nỗ lực hơn tại một thời điểm khác thì không nên thực hiện ngay việc nắn chỉnh, làm đẹp răng.

Đối với hàm răng hỗn hợp: Đây là thời kỳ thích hợp nhất để hướng dẫn cắn khớp và ngăn chặn sai khớp cắn. Nha sĩ sẽ có thách thức lớn nhất cũng như cơ hội tốt nhất để tiến hành điều trị có hiệu quả. Lý do cần thực hiện nắn chỉnh với hàm răng hỗn hợp là để loại bỏ các cản trở sự phát triển bình thường của bộ răng; điều trị sai khớp cắn ở bộ răng vĩnh viễn.

Các trường hợp cần điều trị: Sự mất răng sữa gây nguy cơ thiếu khoảng trên cung hàm; sự đóng khoảng do sự mất sớm các răng sữa. Khoảng bị mất trên cung hàm cần phải được hồi phục; răng mọc sai vị trí gây cản trở phát triển chức năng cắn khớp bình thường, gây rối loạn mọc răng hoặc há ngậm miệng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng, răng thừa có thể là nguyên nhân gây sai khớp cắn…

Đối với hàm răng vĩnh viễn: Tất cả các sai khớp cắn có thể sửa chữa nên điều trị ở giai đoạn còn trẻ. Mặc dù phần lớn các tài liệu đều khuyên nên điều trị sớm, tuy nhiên không phải lúc nào sớm nhất cũng là tốt nhất, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể. Chỉnh nha cũng có thể chỉ định cho người lớn tuổi, người già, tuy nhiên thường có nhiều trở ngại hơn do vấn đề mất răng và bệnh nha chu.

Nguồn: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên