12/10/2017 06:19 GMT+7

Làm chính trị kiểu truyền hình thực tế như Donald Trump

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Chính trị nước Mỹ chưa bao giờ đa dạng và nhiều sắc màu như "một show truyền hình thực tế" cho tới thời tổng thống Donald Trump.

Làm chính trị kiểu truyền hình thực tế như Donald Trump - Ảnh 1.

Chính trị Mỹ đang bị ví như một show truyền hình thực tế vì cách điều hành của ông Trump - Ảnh: AFP

Cánh tây Nhà Trắng - biểu tượng quyền lực của nước Mỹ, trong mấy ngày qua trở thành phim trường của một bộ phim truyền hình kịch tính kết hợp yếu tố chính trị. 

Nó được cầm trịch bởi một "ông bầu" luôn có khả năng khiến khán giả không thể rời bỏ đến phút cuối và người xem tập sau luôn cao hơn tập trước.

Bị ám ảnh bởi tỉ lệ người xem (rating), ông bầu luôn cố gắng tìm ra mạch chuyện mới, đẩy các nhân vật chính đến bờ vực. Người xem sẽ không bao giờ biết chính xác ai sẽ là người rời khỏi cuộc chơi.

Ông bầu đó, không ai khác là đương kim tổng thống Mỹ, người đã từng dẫn dắt show truyền hình thực tế "The Apprentice" trong suốt 14 năm liên tiếp.

"Những chiêu trò của truyền hình thực tế đang được vận dụng triệt để và hoàn hảo", bà Laurie Ouellette, giáo sư truyền thông tại Đại học Minnesot, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về truyền hình thực tế, đưa ra nhận định.

Khó lường

Trong số những người vào "vòng nguy hiểm" tuần này, Thượng nghị sĩ (TNS) Bob Corker của Tennessee đã được gọi tên. Bày tỏ lo ngại những phát ngôn của tổng thống Trump có thể dẫn tới thế chiến thứ 3, vị TNS lập tức bị chính người ông đã từng hết lòng ủng hộ bật lại không nể tình xưa nghĩa cũ.

Làm chính trị kiểu truyền hình thực tế như Donald Trump - Ảnh 2.

TNS Bob Corker, nhân vật mới nhất lọt vào vòng nguy hiểm - Ảnh: REUTERS

"Các show truyền hình thực tế nổi tiếng với chuyện tạo ra kịch tính bằng việc sỉ nhục, dìm hàng cùng lối hành xử hung hăng", GS. Ouellette nói với New York Times. Trong trường hợp của ông Corker, điều này đã đúng.

Không dừng lại ở chuyện khẳng định ông Corker đã van nài như thế nào để tái tranh cử TNS và bị từ chối, tổng thống Trump lôi chiều cao của ông này ra chế giễu.

Chuyện kể rằng hồi năm ngoái sau khi đắc cử, ông Corker đã được cân nhắc ngồi vào chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ. Nhưng theo lời của các cộng sự thân tín của tổng thống, vì ông Corker quá lùn (1,69m) nên đã bị ông Trump loại vào phút chót vì "không thể để một ngoại trưởng Mỹ lùn như thế được".

Rốt cuộc, ông Rex Tillerson là người được cất nhắc. Nhưng sự lựa chọn cao 1,78m của ông Trump cũng vừa lọt vào tốp đỏ tuần rồi khi có tin đồn nói ông Tillerson đã gọi ông Trump là "đồ ngu" trong một cuộc họp ở Lầu Năm Góc.

Ngoại trưởng Mỹ thoạt đầu không phủ nhận chuyện này nhưng sau đó đã phải nhờ người phát ngôn lên tiếng. Tổng thống Trump, chọn cách tin vào lời phủ nhận, nhưng trong cuộc phỏng vấn ngày 10-10, tuyên bố thẳng mình đủ khôn hơn cấp dưới.

Tôi nghĩ là tin xạo. Nhưng nếu Rex đã nói như vậy thật, tôi nghĩ nên đi kiểm tra chỉ số I.Q. Tôi sẽ cho quý vị thấy ai mới là người chiến thắng"

Tổng thống Donald Trump nói với tạp chí Forbes

Bao giờ hạ màn?

Câu trả lời là chưa biết, bởi người cầm trịch đang cho thấy sự linh hoạt sắc xảo. Khi được hỏi có trù dập ông Tillerson hay không, tổng thống Mỹ đã khẳng định chắc nịch "chẳng hề". Lúc ấy ông đang ngồi kế Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10-10.

"Chắc chắn, ông Kissinger khó lòng vượt qua ông Corker trên sân bóng rổ, nhưng tổng thống Trump cũng đủ khôn ngoan để không đưa ra một lời thách thức đo I.Q với cựu ngoại trưởng", báo New York Times viết.

Làm chính trị kiểu truyền hình thực tế như Donald Trump - Ảnh 4.

Tổng thống Trump (phải) trò chuyện với cựu Ngoại trưởng Kissinger - Ảnh: REUTERS

Sau cuộc gặp với ông Kissinger, ông Trump đã ăn trưa với ngoại trưởng đương nhiệm Tillerson cùng "hòa giải viên" bất đắc dĩ là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders mô tả không khí cuộc gặp là "tuyệt vời" đồng thời phủ nhận chuyện thách thức kiểm tra I.Q.

"Tổng thống chắc chắn không bao giờ xỉa xói ngoại trưởng Tillerson không đủ thông minh. Ông ấy tin ông Tillerson 100%. Các vị nên có óc hài hước chút và lâu lâu cũng nên thử như vậy".

Đó chẳng phải lần đầu tiên thư ký báo chí Nhà Trắng phải đăng đàn giải thích lại một câu nói của ông Trump.

Tính hết

Có người phân tích việc ông Trump công kích ông Corker là bởi đã quá thất vọng với các thành viên Cộng hòa chậm chạp thông qua các ý tưởng chính sách của ông.

Nhưng sao những việc như thế này cứ tiếp diễn? Ông Corker không phải là người đầu tiên lọt vào vòng nguy hiểm, trước đó còn có cả một danh sách dài đằng đẵng khác mà phần nhiều trong số này đã bị sa thải.

Điều này một phần xuất phát từ chính tính cách cá nhân của tổng thống Trump. Báo đài Mỹ nói nhiều về cái gọi là "vòng tròn thân tín" gồm những cá nhân chủ chốt mà ông Trump tin tưởng hơn hết thảy.  

Dù Nhà Trắng luôn phủ nhận, thực tế đã cho thấy điều truyền thông nói là đúng. Nói như một nhà bình luận, hoặc là anh phải thật giỏi và làm tốt việc của mình để không ai nói được gì, hoặc anh phải thể hiện sự trung thành với tổng thống.

Một phần khác, ông chủ Nhà Trắng đang cố gắng lấy lại niềm tin của nhóm cử tri bảo thủ. Ông trùm bất động sản thừa hiểu sức mạnh của mạng xã hội nên luôn vận dụng triệt để. Mỗi dòng tweet của ông, dù là chỉ trích các cầu thủ Giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ không đứng khi hát quốc ca hay những chuyện nhỏ hơn, đều có sự tính toán.

Nhưng việc gì phải tạo kịch tính như truyền hình thực tế? Vì ông Trump hiểu rõ luôn có những tờ báo "canh me" soi mói từng câu nói, từng cử chỉ của ông.

Để ý có thể thấy, những việc mà các tờ báo Mỹ cho là "động trời", cuối cùng điều lẳng lặng mà chìm không lâu sau khi bị khui ra. 

Dù nhiều người nói ông Trump luôn đi quá đà, nhưng nói như một nhà quan sát, thực tế chỉ có ông Trump mới đang kiểm soát thông tin và dẫn dắt truyền thông Mỹ.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên