Quy trình sản xuất mỗi chiếc áo đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận - Ảnh: NVCC
Những chiếc áo do cô gái 9X đời đầu Nguyễn Thị Như Ngọc, hiện là giám đốc điều hành một công ty may đồng phục có trụ sở tại quận Gò Vấp, lên ý tưởng thiết kế và kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp để sản xuất.
Trong cuộc chiến vượt dịch thế này, chúng ta đều là những chiến sĩ. Các anh chị là chiến sĩ trên mặt trận y tế, chúng tôi - những chủ doanh nghiệp - cũng là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, và chúng ta còn có những hậu phương vững chắc luôn ủng hộ tinh thần, không ai bỏ mặc ai cả. Chúng tôi biết ơn và trân trọng công sức, đóng góp của các y bác sĩ đã dũng cảm chiến đấu tại tuyến đầu. Chúng tôi tin rằng chúng ta đồng lòng thì sẽ vượt qua.
Nguyễn Thị Như Ngọc
Ý tưởng thiết thực
Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 4, Ngọc nói với chuyên môn trong lĩnh vực may mặc, cô và các cộng sự đã nghĩ về việc mình có thể làm gì để đóng góp cho cộng đồng. Họ nghĩ đến những sản phẩm liên quan đến thế mạnh, liệu vật dụng nào sẽ cần thiết và có ích?
"Một lần tôi tình cờ xem phóng sự về các y bác sĩ tuyến đầu tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ suốt cả ngày. Mồ hôi ra đến mức nhăn cả da tay. Với thời tiết oi bức thế này, tôi cảm nhận được sự khó chịu của họ", cô gái 9X kể.
Bắt đầu lên ý tưởng làm dạng áo lót mặc bên trong vừa nhẹ, mát, thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt, Ngọc nghĩ đến việc dùng chất liệu sợi bông cotton 100%. Tuy nhiên, loại vải này theo Ngọc, đạt được các yếu tố thấm hút và mát mẻ nhưng khó bốc hơi thoát ẩm và có độ giãn khá nhiều.
Đang loay hoay tìm cách khắc phục nhược điểm, Như Ngọc tình cờ đọc được thông tin chia sẻ về sáng kiến áo lót chống sốc nhiệt của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an sử dụng vải lưới.
"Chúng tôi thấy quá hay nên đã liên hệ với các anh chị tại bệnh viện, xin được chung tay hỗ trợ sản xuất trong dự án này. Chúng tôi may mắn được các anh chị phản hồi, cùng trao đổi, thống nhất về thiết kế, vật liệu, các yếu tố kỹ thuật khác, để sản phẩm làm ra có thể dùng được ngay" - Ngọc chia sẻ. Cô cùng các y bác sĩ của bệnh viện thảo luận, tìm ra phương pháp cải tiến để áo được hoàn thiện hơn.
Mỗi áo lưới nặng 150gr, phần mút nặng 50gr. Nặng nhất là đá khô, khoảng 2kg cho 4 túi đá, sử dụng trong 6-8 tiếng. Với số lượng 600 áo, giá thành sản xuất chỉ khoảng 60.000 đồng/áo. Ngọc nói nếu cộng đồng tiếp tục chung tay sản xuất với số lượng lớn hơn, sản phẩm sẽ có giá tốt hơn.
Để đảm bảo tính tiện dụng và chất lượng của sản phẩm để trợ giúp tối đa cho các y bác sĩ tuyến đầu, quy trình sản xuất mỗi chiếc áo đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từ nhóm thực hiện.
Đầu tiên, nhóm thiết kế thành phần rập sản phẩm, sau đó gửi cho Bệnh viện Y học cổ truyền để kiểm duyệt.
Sau khi đã được duyệt, nhóm sẽ nhập nguyên phụ liệu, cắt bán thành phẩm, kiểm tra độ co rút và tiến hành may. Khi hoàn thành, áo được kiểm tra thông số lần cuối, sau đó được ủi, đóng gói hoàn thiện và chuyển tặng.
"Riêng phần đá khô, mỗi áo cần 4 bịch gel đá khô, mỗi bịch nặng 500gr. Tổng khối lượng gel của 600 bộ áo lên đến hơn 1 tấn, không thuận tiện để vận chuyển từ TP.HCM ra nên chúng tôi đã được các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền kết nối với một nhà cung cấp gel này tại Hà Nội", Như Ngọc chia sẻ.
Cô giải thích toàn bộ áo được chuyển đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an bởi đây là nơi khai sinh ra sáng kiến về áo. Bên cạnh đó, áo đi kèm gel đá khô, cần cấp đông, tái sử dụng và khử khuẩn. Hiện nay tại bệnh viện dã chiến mới có các thiết bị đảm bảo tiêu chí này.
Chung tay chiến đấu chống dịch
Trong số 600 áo được sản xuất, có 300 áo do quỹ công ty của Như Ngọc đóng góp, 300 chiếc còn lại thành hình nhờ sự đóng góp từ cộng đồng.
Ngọc kể ban đầu cô cùng các cộng sự chỉ định tự thực hiện áo rồi chủ động gửi đến các y bác sĩ. Nhưng rồi cô quyết định lan tỏa ý tưởng với mong muốn tạo cơ hội cho những ai cùng chí hướng có thể đồng hành. Và kết quả đã khiến Ngọc vô cùng xúc động.
"Bạn bè, người quen, khách hàng và cả đối tác nhắn tin cho tôi rất nhiều. Họ bày tỏ muốn cùng tham gia dự án. Tôi không công khai số tài khoản để mọi người đóng góp. Thay vào đó, tôi tin những người thực sự muốn chung tay sẽ chủ động trao đổi với mình", cô nói.
Và rồi tin nhắn từ những người xa lạ bắt đầu xuất hiện. Có người đề nghị được phụ sản xuất, người đề nghị gửi mẫu áo để lan tỏa thông tin đến nhiều người hơn. Một người khác giúp kết nối địa chỉ trao tặng để Ngọc gửi sản phẩm đến đúng tuyến đầu. Cô không ngờ nhận được sự khích lệ, ủng hộ của nhiều người đến vậy. Đó cũng là niềm tin mà cộng đồng đặt vào Ngọc.
Công ty của Như Ngọc nằm trong vùng tâm dịch Gò Vấp, trong khi cô sinh sống tại quận 12, cũng là một địa điểm khác bị dịch ảnh hưởng. Ngoài dự án làm áo chống sốc nhiệt, Ngọc đồng thời phải hoàn thành những đơn hàng khác của công ty. Điều khiến nhiều người quý nhất ở tinh thần của cô gái này là cô đang mang thai 6 tháng.
"Đây là thai kỳ đầy ý nghĩa khi con chính là người bạn đồng hành cùng tôi trong mọi suy nghĩ và hành động hướng đến dự án. Càng làm tôi càng thấy như được tăng thêm sức khỏe và sự tích cực. Tôi tin rằng con cũng cảm nhận được điều này", Như Ngọc tâm sự. Gia đình Ngọc, cả chồng, bố mẹ và em trai cũng luôn đồng hành, ủng hộ và hỗ trợ cô ngay từ đầu dự án.
"Trước kia, tôi quan niệm rằng khi thật giàu có sẽ đóng góp thật nhiều cho các dự án cộng đồng. Nhưng rồi tôi nhận ra không cần chờ đến lúc đó. Chỉ cần có thể làm gì, hãy làm ngay. Cuộc sống này không thể biết trước điều gì, sống ngày nào phải làm ngày đó mang ý nghĩa", Ngọc trải lòng.
Tầm nhìn xa cho sản phẩm
Sau khi 600 áo được chuyển đi, Ngọc nói cô chưa tiếp tục sản xuất mà dành thời gian cải tiến sản phẩm và theo dõi tình hình dịch bệnh. Thông tin từ Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết tại TP.HCM có khá nhiều nhà hảo tâm muốn sản xuất áo, nhưng do không làm trong ngành may mặc nên nhiều người vẫn đang loay hoay với việc lên ý tưởng.
"Các bác sĩ ở bệnh viện nói rằng nếu dịch còn tiếp tục kéo dài, các anh chị sẽ kết nối để chúng tôi làm việc trực tiếp với các nhà hảo tâm, chung tay tiếp tục sản xuất áo", cô chia sẻ.
Tầm nhìn dài hạn của Ngọc là phát triển sản phẩm thành dòng áo phòng hộ để sẵn sàng sử dụng bất cứ khi nào có dịch bệnh bùng phát, và cũng tạo thế chủ động hơn cho các y bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận