04/01/2020 08:58 GMT+7

Lái xe có rượu bia: Hàn Quốc 3 ly rượu Soju tù 3 năm

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Tại Hàn Quốc, chỉ 3 ly rượu soju - tương đương nồng độ cồn 0,05mg/lít khí thở là có thể ngồi tù 3 năm, tịch thu bằng lái và phạt hàng ngàn USD. Ở Mỹ, mức độ cồn cho phép trong máu là 80mg/100ml máu...

Lái xe có rượu bia: Hàn Quốc 3 ly rượu Soju tù 3 năm - Ảnh 1.

Say xỉn sau tay lái là hành vi bị phạt nặng ở nhiều nước trên thế giới - Ảnh: KTUX

Do đó, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng những khung hình phạt nghiêm khắc với hành vi sử dụng rượu, bia và chất kích thích khi tham gia giao thông.

Xét nguy cơ gây tai nạn cao, ảnh hưởng tới nhiều người, chính quyền các nước quy định chặt chẽ đối với nồng độ cồn trong máu của người lái xe. Tước bằng lái và giam xe là hình phạt cho những vi phạm nhẹ, còn nặng sẽ phải đi tù hoặc học cải tạo.

3 ly soju khi lái xe, ngồi tù 3 năm

Tại Mỹ, người 18 tuổi trở lên dù có thể đi bầu cử hoặc gia nhập quân đội nhưng vẫn chưa được uống rượu, bia. Chỉ những người 21 tuổi trở lên mới được phép mua đồ uống có cồn.

Các cửa hàng, quán bar đều phải xin giấy phép bán đồ uống có cồn và phải kiểm tra giấy tờ tùy thân để đảm bảo khách hàng đủ tuổi uống bia, rượu.

Giới hạn mức độ cồn cho phép trong máu ở Mỹ là 80mg/100ml máu. Nếu nhiều hơn sẽ bị khép vào tội lái xe dưới tác động của chất kích thích (DUI).

Nếu lần đầu tiên vi phạm, người lái xe phải trả số tiền phạt 300-1.000 USD (tương đương 7-23 triệu đồng), từ lần thứ 2 trở đi sẽ là 5.000 USD trở lên (tương đương 116 triệu đồng). Ngoài việc phạt tiền, tài xế còn đối mặt với việc ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm và tịch thu bằng lái.

Sau thời hạn giam còn phải tham gia chương trình giáo dục, cải tạo dành cho người vi phạm lái xe trong tình trạng có độ cồn.

Tại Hàn Quốc, quy định còn khắt khe hơn khi chỉ cần 3 ly rượu soju - tương đương nồng độ cồn 0,05mg/lít khí thở là có thể ngồi tù 3 năm, tịch thu bằng lái và phạt hàng ngàn USD (tùy theo mức độ nghiêm trọng).

Hầu hết các nước đều có khung hình phạt tù cho người vi phạm. Riêng ở Singapore, người vi phạm còn phải đi lao động công ích.

Trong khi đó ở Nhật Bản, do số lượng người đi xe đạp rất nhiều, chính quyền cũng ban hành quy định khắt khe về bia, rượu đối với người đi xe đạp. Điều này đồng nghĩa chạy xe đạp ở Nhật sau buổi nhậu cũng bị phạt.

Hiệu quả tới đâu?

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nội Khoa Jama (JAMA Internal Medicine) do Hiệp hội Y khoa Mỹ xuất bản, các bang có luật lệ càng nghiêm khắc và mức phạt cao hơn đối với tài xế sử dụng rượu, bia thì tỉ lệ xảy ra tai nạn càng thấp hơn các bang khác.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 500.000 trường hợp tử vong do tai nạn ở người trưởng thành từ năm 2000 đến 2015, hơn một phần ba số ca tử vong này có liên quan đến rượu, bia.

Các nhà nghiên cứu cũng chấm điểm từng bang theo thang điểm từ 0 đến 100 về mức độ thực hiện và hiệu quả của 29 chính sách quản lý rượu, bia khác nhau. Theo đó, mỗi lần tăng 10 điểm phần trăm về mức độ của các chính sách về rượu, bia của bang thì bang đó giảm 10% về tỉ lệ tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Tuy nhiên, khi xem xét dữ liệu về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các nhà khoa học không nhận thấy tác động rõ rệt của chính sách quản lý rượu, bia. Nói cách khác, nghiên cứu chưa chứng minh được sự liên quan trực tiếp của chính sách quản lý đến các vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Ngoài phạt thì làm gì?

Theo Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, có một giải pháp kèm theo hình phạt cho những người đã vi phạm DUI, đó là gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn (ignition interlock) lên xe. Mỗi khi muốn nổ máy xe, tài xế phải thổi vào máy, nếu nồng độ cồn dưới 0,5% thì xe mới khởi động.

Tài xế vi phạm DUI lần đầu trong vòng 5 năm sẽ phải gắn thiết bị này lên xe 6 tháng, lần thứ 2 sẽ là 1 năm và lần thứ 3 sẽ là 3 năm.

Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông đại chúng cũng được đẩy mạnh để truyền bá thông điệp về những nguy hiểm tính mạng và hậu quả pháp lý của việc lái xe khi say xỉn. Truyền thông có nhiệm vụ thuyết phục mọi người đã uống rượu, bia thì không lái xe và khuyến khích họ khuyên ngăn những người lái xe khác.

Cuối cùng là công tác dài hơi nhất: giáo dục. Các chương trình giảng dạy tại trường có tác dụng cung cấp thông tin cần thiết về luật pháp và tác hại của rượu, bia khi lái xe, cũng như nhắc nhở thanh thiếu niên không lên xe với tài xế say xỉn.

Lái xe say rượu: Tước quyền tự do sẽ khiến người ta sám hối? Lái xe say rượu: Tước quyền tự do sẽ khiến người ta sám hối?

TTO - LTS: Cần thêm quy định hình phạt lao động giáo dục để tác động thay đổi xã hội và phải tìm cách thực thi như thế nào để không ai có thể "né phạt"? Hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên