Phóng to |
Đại diện Công ty Lâm Việt (Bình Dương) cho biết đang phải vay vốn với lãi suất 20%/năm. Trong ảnh: sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Lâm Việt - Ảnh: Lê Sơn |
Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động
Ông Phúc cho biết lãi suất đang có xu hướng giảm do tốc độ tăng chỉ số giá giảm dần, các cân đối và tỉ giá ngoại tệ đang đi dần vào ổn định. Lãi suất huy động bình quân hiện nay đang ở mức 15,5%/năm, lãi suất cho vay bình quân thực tế khoảng 18,7%. Trong khi đó, theo Ủy ban Kinh tế, lãi suất huy động tăng mạnh, lên đến 17-18% cho các kỳ hạn, cá biệt lên đến 19-20%; lãi suất cho vay dao động 18-22%, cá biệt lên đến 25-27%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm tăng 13,29% là ở mức rất cao, vượt xa chỉ tiêu đề ra (nghị quyết của Quốc hội cho năm 2011 là GDP tăng 7-7,5% và CPI tăng không quá 7%), cùng với lãi suất cao đã gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo (chiếm hơn 22% dân số).
Qua giám sát của Ủy ban Kinh tế, đa số doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, cả việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn tăng quá cao, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Tại Bắc Giang, từ đầu năm đến nay có 43 doanh nghiệp xin ngừng hoạt động, con số này ở Bắc Ninh là 44. Có chuyên gia dẫn thông tin từ ngành thuế cho thấy từ đầu năm đến nay ước tính có khoảng 30% doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Vẫn theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế, thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp bị giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bộ phận dân cư này và đây là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng đình công gia tăng.
Trong ba tháng đầu năm đã xảy ra 214 cuộc đình công tại 14 tỉnh thành, trong đó 83% các cuộc đình công ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng với mức lạm phát như vậy, không chỉ đời sống của người nghèo gặp khó khăn mà đại bộ phận dân cư phải đối mặt với khó khăn, không chỉ một số doanh nghiệp lao đao mà nhiều doanh nghiệp lao đao.
Phóng to |
Lãi suất cho vay từ cuối năm 2010 đến nay ở mức rất cao khiến nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất - Ảnh: T.V.N. - Đồ họa: Như Khanh |
Cẩn thận với siết chặt tín dụng
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nghị quyết 11 của Chính phủ đã ra đời rất kịp thời và mang lại những kết quả bước đầu. Chẳng hạn như việc thắt chặt tín dụng và kiểm soát tốt thị trường ngoại hối đã làm giảm sức ép lên lạm phát. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 dưới 20% và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán 15-16%.
Tuy vậy, trong bản báo cáo thẩm tra, thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách nhận định mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ. Theo đó, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụt giảm, lạm phát và lãi suất tăng cao đang làm chi phí đầu vào bị đẩy lên, tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh tác động bất lợi đến sản xuất trong nước, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
“Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ cần có giải pháp về chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, tích cực sử dụng các công cụ kinh tế thị trường, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường tài chính và khó khăn cho ngân hàng. Việc giảm đột ngột mức tăng trưởng tín dụng 31% từ năm 2010 xuống dưới 20% năm 2011 có kết quả nhất định cho mục tiêu chống lạm phát nhưng sẽ gây khó khăn bất thường cho nền kinh tế” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ và nhìn nhận đúng tình hình thực tế hơn nữa, làm rõ những chính sách đưa ra cái nào làm giảm bớt gánh nặng, còn cái nào tăng gánh nặng cho dân. “Chính phủ nói lãi suất huy động bình quân 15,5%, lãi suất cho vay 18% thì doanh nghiệp người ta không đồng ý, con số của Ủy ban Kinh tế mới chính xác” - bà Mai nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cảnh báo nếu thắt chặt tín dụng quá mức, lãi suất bị đẩy lên quá cao, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư nên đình trệ sản xuất, hàng hóa làm ra khó bán... thì coi chừng hết lạm phát lại đến giảm phát. Quốc hội cũng không nên điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, lạm phát nữa, vì bây giờ điều chỉnh mà không thực hiện được thì khó ăn khó nói với dân.
Ông Kiên yêu cầu Chính phủ phân tích kỹ tình hình, đưa ra những nhận định, dự báo cho thời gian tới và cả năm 2012, 2013. “Phân tích, đánh giá kỹ tình hình, cung cấp bức tranh khách quan, trung thực để nhân dân chia sẻ với những khó khăn tạm thời của nền kinh tế; nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, sẵn sàng đối thoại để minh bạch hóa thông tin là việc quan trọng” - ông Kiên nói.
* Ông HÀ VĂN HIỀN (chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế): Nguy cơ nhập siêu ép tỉ giá Nhập siêu sáu tháng đầu năm đạt 15,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu cả năm (18%) nhưng chưa có tính bền vững do đóng góp vào việc giảm tỉ lệ nhập siêu này có yếu tố tăng giá và tăng xuất khẩu kim loại quý. Kim ngạch nhập khẩu một số hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế nhập khẩu lại tăng mạnh (năm tháng đầu năm nhóm hàng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi, xe máy nguyên chiếc có lượng nhập khẩu tăng 70%; nhóm hàng cần kiểm soát như đá quý, phụ tùng xe hơi... tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2010). Nếu nhập siêu không được kiểm soát tốt thì cán cân thương mại sẽ tiếp tục thâm hụt lớn, tỉ giá vẫn có nguy cơ chịu sức ép vào cuối năm nay. * Ông VÕ HỒNG PHÚC (bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư): Giữ vững chủ quyền, bảo vệ ngư dân Trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên biển Đông; kiên quyết, chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế - thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên biển thuộc chủ quyền quốc gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận