Nhiều ngân hàng cho rằng phải áp lãi suất cao với các khoản vay qua thẻ để bù đắp rủi ro do nợ xấu cao - Ảnh: Thanh Đạm |
Theo các NH, lãi suất cho vay thẻ tín dụng chỉ có thể giảm với điều kiện hệ thống luật pháp hỗ trợ NH đòi nợ chủ thẻ chặt chẽ hơn. Còn hiện nay NH chủ yếu lấy lãi suất bù đắp rủi ro.
Ngân hàng cũng bị lừa
Góp vốn và chuẩn bị ứng cử vào chức danh thành viên HĐQT của một liên doanh, một ngày đẹp trời ông T. (TP.HCM) bất ngờ khi đối tác đến từ Nhật thông báo rằng lịch sử tín dụng của ông rất xấu, với khoản nợ thẻ 50 triệu đồng quá hạn đã hai năm và bị liệt vào danh sách đen trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC).
Choáng váng, ông T. tìm hiểu mới biết khoản nợ này tại một NH mà ông chưa từng có giao dịch gì. Cất công đến NH, ông T. mới biết NH này đã bị công ty X làm giả hồ sơ để làm thẻ tín dụng cho nhân viên rồi rút tiền chi xài.
Lãnh đạo NH này cho biết khi được chào mời mở thẻ, công ty X cung cấp đầy đủ hồ sơ của người lao động, CMND, bảng lương, trong đó có cả hồ sơ của ông T. và ký bảo lãnh nên NH cấp thẻ mà không nghi ngờ gì.
“NH đã rà soát và xử lý khoản nợ này, xin lỗi ông T. đồng thời gửi đơn lên CIC đề nghị rút tên ông T.” - lãnh đạo NH này cho biết. Bản thân công ty phát hành thẻ khi NH mời lên làm việc đã thừa nhận và cam kết hoàn trả nhưng đến hạn không thực hiện được nên NH phải xử lý bằng biện pháp khác.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Một NH cổ phần lớn từng có tỉ lệ nợ xấu thẻ tín dụng lên đến 33% do phát hành thẻ tín dụng hạn mức 10 triệu đồng cho tài xế taxi, nhưng sau đó nhiều chủ thẻ rút tiền rồi biến mất.
Giám đốc trung tâm thẻ một NH cổ phần lớn tại TP.HCM nói nợ xấu thẻ tín dụng dao động trong mức 10%. Nợ khó đòi rất nhiều. Chính NH này cũng phát đơn kiện khắp nơi nhưng tỉ lệ xử lý được không cao vì chủ thẻ đã chuyển đi nơi khác hoặc không hợp tác. Có trường hợp khách hàng có tiền nhưng không chịu trả.
Đưa ra tòa cũng khó đòi nợ
Giữa tháng 7, một NH cổ phần tại TP.HCM đã xiết nợ với ông D. - nhân viên cũ của NH và là chủ thẻ tín dụng đang nợ quá hạn.
Từ tháng 4, ông D. đã không thanh toán dù quá hạn và được NH gửi thư cảnh báo. Sau khi khóa thẻ và gửi thư cảnh báo về dư nợ, phí chậm thanh toán và lãi quá hạn nhưng ông D. vẫn không trả.
Khi ông D. có một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán, NH đã nhanh chóng “xiết” luôn khoản nợ này trước khi ông D. kịp rút ra.
Theo các NH, thường khi chủ thẻ có nợ quá hạn mà không hợp tác, NH sử dụng biện pháp cuối cùng là đưa ra tòa. Nhưng nhiều trường hợp sau khi ra tòa, chủ thẻ chấp nhận trả với điều kiện NH phải miễn giảm lãi, phạt.
Giám đốc chi nhánh một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết phần lớn trường hợp nợ xấu thẻ tín dụng mà NH thu được nợ là do sau đó khách phải vay vốn NH làm ăn. Khi xét duyệt hồ sơ, NH cho vay lục lại lịch sử nợ của khách hàng và phát hiện có khoản nợ quá hạn, buộc khách hàng thanh toán nợ cũ để được giải ngân khoản vay mới.
Theo phó tổng giám đốc một NH lớn, việc cho vay qua thẻ tín dụng thuộc quan hệ dân sự, muốn đòi nợ NH phải khởi kiện nhưng điều kiện là phải tìm được chủ thẻ. Tuy nhiên, hơn 50% trường hợp nợ xấu không có mặt ở địa chỉ đăng ký.
Lời giải thích của các NH về chuyện lãi suất thẻ tín dụng quá cao chỉ mới là lý lẽ từ một phía. Bởi không thể bắt người đàng hoàng phải gánh chịu rủi ro cho những người không đàng hoàng, chưa kể rủi ro có phần do NH quản lý kém.
Chuyên gia thẻ Huỳnh Trung Minh cho rằng lãi suất cho vay thẻ tín dụng cao chỉ có thể giảm được nếu cơ sở hạ tầng dữ liệu tốt hơn và nhận thức của người dân liên quan đến trách nhiệm của người đi vay tăng lên, hệ thống chấm điểm tín dụng cho khách hàng hoàn thiện. Hiện khách hàng vay qua thẻ tín dụng, NH không có gì để xiết nợ và cũng không đủ nhân lực để theo kiện nhằm thu hồi các khoản vay quá nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận