08/05/2013 09:45 GMT+7

Lãi suất giảm, doanh nghiệp cũng không dám vay

L.THANH - A.HỒNG
L.THANH - A.HỒNG

TT - Tại hội thảo về chính sách để tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế được Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 7-5, ông Phạm Xuân Hòe - phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết để quyết định vay vốn hay không thì lãi suất cho vay chỉ tác động 1%, còn các yếu tố kinh tế khác là 99%. Cái khó nhất bây giờ là đầu ra cho sản phẩm. Lãi suất cho vay giảm nhưng tín dụng không thể tăng được là vì thế.

Chẳng hạn, theo ông Hòe, tổng nhu cầu thép của VN hiện 5.000-6.000 tấn/năm, nhưng tổng công suất ngành thép là 11.000 tấn, vượt 30-40% nhu cầu. Tương tự, tổng công suất ngành ximăng 60-66 triệu tấn/năm nhưng thực tế nền kinh tế chỉ tiêu thụ được 40-46 triệu tấn. Do đó, cả ngành thép và ximăng hiện đang phải vật lộn tìm đầu ra cho sản phẩm.

“Vấn đề quan trọng là được hấp thụ vốn của doanh nghiệp như thế nào. Khi mà thị trường chưa sáng sủa, kinh doanh chưa thấy có hiệu quả thì việc giảm lãi suất cho vay cũng không khuyến khích doanh nghiệp vay vốn” - ông Hòe nhận định. Trong khi đó, theo ông Ngô Quang Lương - phó chánh văn phòng, lãi suất huy động khó có thể giảm tiếp vì nếu giảm quá sâu, người dân không gửi vào ngân hàng nữa mà có thể đầu tư vào vàng, ngoại tệ.

* Cùng ngày, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhiều doanh nghiệp thừa nhận tại thời điểm hiện nay dù ngân hàng có giảm lãi suất cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề. Theo ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khó khăn thời gian qua đã bào mòn hết tích lũy của doanh nghiệp trước đây. “Giờ doanh nghiệp mất hàng, mất thị trường, vốn có cho cũng không dám vay vì gần như bị bít mạch rồi” - ông Minh nói.

Ông Văn Đức Mười, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm, cho rằng hiện nay doanh nghiệp không còn nghĩ đi vay ngân hàng để sản xuất nữa do còn vướng hàng tồn kho. Theo ông Mười, cần cơ chế thoáng để tái cấu trúc nợ, nếu không thì không có chu trình sản xuất mới.

Tại buổi họp, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về vốn huy động ngân hàng đi đâu khi cho vay bốn tháng đầu năm tăng rất thấp. Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM - thừa nhận có hiện tượng vốn huy động đang chảy vào vàng đấu thầu như dư luận nhưng chỉ xảy ra ở những ngân hàng cần tất toán trạng thái vàng và không nhiều. Cũng theo ông Minh, thời gian qua tín dụng tăng chậm còn có nguyên nhân ngân hàng chỉ mở rộng đối tượng cho vay chứ không nới lỏng điều kiện nhằm tránh nợ xấu.

L.THANH - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên