Nghe đọc nội dung toàn bài:
Và thú thật đọc bài tường thuật ấy rồi, không biết các bậc uyên bác thấy sao, riêng tôi vẫn không sao hiểu được vậy thì cái gọi là triết lý giáo dục là gì, thậm chí càng thấy rối mù thêm.
Đúng ra bàn về triết lý giáo dục hiện nay (chứ không phải triết lý giáo dục muôn đời, hay truyền thống, như nhiều vị trong cuộc hội thảo được tường thuật vừa rồi đã kể lại dông dài) chẳng phải là chuyện mới. Ít ra trong diễn đàn giáo dục do giáo sư Hoàng Tụy khởi xướng cách đây năm năm vấn đề này đã được nói đến rất nghiêm túc, khá sâu sắc, và được coi là nguồn gốc của mọi sai lầm đang diễn ra trong nền giáo dục của chúng ta mà chúng ta đang bức xúc bàn thảo hiện nay.
Mọi sai lầm cụ thể hiện nay đều bắt nguồn từ một triết lý giáo dục sai. Sai về căn bản. Đó là nguyên nhân gốc của mọi chuyện, từ đó dẫn đến điều mà giáo sư Hoàng Tụy đã nghiêm khắc chỉ ra: chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục.
Tất nhiên đây là vấn đề rất lớn, không thể chỉ nói trong mấy câu, trong một vài cuộc là xong; và nếu sắp đến chúng ta có thật sự muốn thay đổi (hay như cách nói của nhiều người tâm huyết và có uy tín lớn: muốn thay đổi có tính cách mạng) trong giáo dục, thì chính là phải bắt đầu từ đây. Không thay đổi triệt để, không "cách mạng" từ đây thì mọi sửa đổi sẽ chỉ là chắp vá, thậm chí càng gây thêm rối ren, càng lạc hướng đi xa hơn...
Tuy nhiên, để bắt đầu, cũng có thể nói một cách ngắn gọn: Chúng ta tiến hành nền giáo dục này để làm gì? Để nhằm tạo ra những con người như thế nào? Suốt nhiều chục năm, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, và từ đó người được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng.
Vấn đề bây giờ là có dám, có quyết phá vỡ cái triết lý đó đi không. Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo.
Tôi nghĩ nếu vì lý do gì đó mà chúng ta tránh né vấn đề gốc này, thì tất cả những bàn cãi về cái gọi là triết lý giáo dục, và từ đó cả mọi việc cụ thể khác nữa, dù có được diễn đạt bằng những ngôn từ cao sang đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa. Và chắc những người đứng đắn và thật sự tâm huyết chẳng muốn vào cuộc làm gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận