Những cây pơ mu quý hàng trăm năm tuổi, đường kính gốc lên tới 2 - 3m, được người dân địa phương và lực lượng giữ rừng bảo vệ đặc biệt như vật báu của rừng Kon Ka Kinh.
Tại vườn quốc gia này, cây pơ mu sinh sống nhiều tại tiểu khu 74, 75 xã Kon Pne, huyện Kbang, thuộc quản lý của Trạm bảo vệ rừng số 6, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Pơ mu là cây thân gỗ lá thường xanh, cao 25 - 30m khi trưởng thành. Tại vườn quốc gia này, độ tuổi những cây cổ thụ lên tới hàng trăm năm.
Cũng bởi là loại gỗ quý và có giá trị, rừng pơ mu luôn bị không ít lâm tặc thèm thuồng dòm ngó.
Trong khu rừng, có những cây pơ mu cổ thụ còn lưu dấu vết cưa cắt dưới gốc nhưng kịp thời được lực lượng chức năng phát hiện và bảo vệ.
Anh Nguyễn Thanh Cao, trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 6, cho hay rừng pơ mu là mục tiêu được đơn vị quan tâm bảo vệ đặc biệt.
Hàng tuần, cán bộ trạm này tổ chức 2 lượt tuần tra định kỳ lên rừng pơ mu, chưa kể các đợt kiểm tra đột xuất, phối hợp truy quét đối tượng vi phạm cùng ngành chức năng.
Anh Cao nói quần thể rừng pơ mu có số lượng cây lớn, diện tích phân bố rộng và gỗ quý hiếm nên anh em giữ rừng rất chú trọng.
Bên cạnh đó, bà con nhân dân xã Kon Pne cũng góp công lớn bởi rất có ý thức bảo vệ gìn giữ rừng pơ mu. Họ thường xuyên tuần tra rừng pơ mu, báo cáo cơ quan chức năng ngay khi phát hiện có dấu hiệu tác động vào khu rừng.
Điều đặc biệt là đồng bào bản địa không bao giờ khai thác gỗ pơ mu, kể cả những cây bị ngã đổ do già cỗi hoặc gió bão. Theo anh Cao, sự tham gia của bà con đã chia sẻ bớt gánh nặng công việc cho trạm khi phải quản lý diện tích 7.000ha chỉ với 7 nhân sự.
Được biết, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích hơn 42.000ha, thuộc các huyện Kbang và Mang Yang, Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Trong đó, đỉnh Kon Ka Kinh cao 1.748m là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku và được coi là "nóc nhà" của tỉnh Gia Lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận