13/12/2020 09:48 GMT+7

Lá thư âm nhạc: The Beatles - thiên tình sử vĩ đại

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Shout! vừa ra mắt độc giả Việt Nam trong sự đón nhận hào hứng của những bạn đọc hâm mộ ban nhạc The Beatles. Hiền Trang đã chuyển ngữ cuốn sách 700 trang ấn bản tiếng Việt này trong niềm say mê vì lòng mến mộ tứ quái.

Lá thư âm nhạc: The Beatles - thiên tình sử vĩ đại - Ảnh 1.

Shout! - The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 là cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách “Âm nhạc định hình thế giới” của Sống (Alphabooks) - Ảnh: T.T.D.

Cô chia sẻ tình yêu với The Beatles ở tư cách một độc giả của Philip Norman.

Cuốn tiểu sử hay nhất, chi tiết nhất và nghiêm túc nhất về The Beatles và thời đại của họ.

Chicago Sun-Times bình luận về Shout!

Bạn biết rõ The Beatles, hoặc cho rằng mình biết rõ về họ. Nhưng có thật là thế hay không?

Những kiến giải đặc biệt

Philip Norman bảo rằng khi ông khởi sự cuốn Shout!, bạn bè đều khuyên ông chủ đề The Beatles đã được khai thác cạn cả rồi, còn gì mới đâu mà viết. Norman tất nhiên bỏ ngoài tai. Ông ngang ngạnh y như... Nobita trong một tập truyện Doraemon, khi bạn bè nói Trái đất này đã hết chỗ để thám hiểm, nhưng cậu không tin và cứ đâm đầu vào tìm, cuối cùng lại tìm ra một vùng đất hoàn toàn huyền bí.

Chúng ta biết rất rõ về âm nhạc của họ, thời trang của họ, họ đã thay đổi thế giới ra sao, để lại di sản thế nào, còn câu chuyện cuộc đời họ lại có rất nhiều thêu dệt. Vậy mà chính câu chuyện ấy có lẽ là tài sản lớn nhất của The Beatles, lớn không kém gì âm nhạc, một câu chuyện mà đúng như Norman nói, kỳ vĩ cỡ một tiểu thuyết của Lev Tolstoi, bởi nó chứa đựng mọi thứ của cuộc đời: tình yêu, tình bạn, tuổi trẻ, vinh quang, mất mát, chiến tranh, hằn thù, tội lỗi, tan rã, đố kỵ, sám hối, sự sống, cái chết. Nhưng ngay cả Tolstoi cũng chẳng dám biến nhân vật chính của mình thực sự trở thành anh hùng thế kỷ.

Xuất thân là một tiểu thuyết gia, Philip Norman đã kết nối những quãng đời của The Beatles bằng nghệ thuật tiểu thuyết nhằm thăm dò những vũng mờ trong tâm hồn của John, Paul, George và Ringo. Điều đó đôi khi cũng khiến ông suy diễn, nhưng lại tạo nên những kiến giải đặc biệt cho từng nhân vật.

Bỏ đi những biểu tượng mà họ được gán cho, John Lennon không còn là "vị thánh hòa bình", mà chỉ là một người đàn ông vật lộn với những nỗi đau riêng. Paul McCartney không chỉ là "anh chàng dễ thương" mà còn là người tham vọng nhất trong việc lèo lái The Beatles. Sự "giải thiêng" George Harrison thú vị hơn cả. Không còn vẻ minh triết thiêng liêng, cây guitar trầm lắng hóa ra chẳng trầm lắng chút nào. Anh dỗi hờn, ngây thơ, đôi khi khờ dại. Có lẽ chỉ Ringo Starr vẫn là như thế: khiêm cung, giản đơn và hạnh phúc tràn trề.

Một "tình sử" không còn lặp lại

Có một tấm ảnh rất đẹp về giây phút "hoài thai" The Beatles mà mãi 52 năm sau khi được chụp, nó mới được lục lại từ một ngăn kéo gia đình. Tấm ảnh chụp ngày 6-7-1956, phía sau một chiếc xe tải cũ, với mấy cậu bé giữa dàn nhạc cụ "lèng mèng" như chiếc bass làm từ thùng trà, dàn trống trắng... Ở chính giữa tấm ảnh, một cậu bé mặc chiếc áo kẻ caro, ôm đàn. Chỉ mấy tiếng nữa thôi, cậu bé ấy, John Lennon, đang say xỉn và vừa cãi nhau với người bác, sẽ gặp Paul McCartney lần đầu tiên.

Khoảnh khắc John gặp Paul vẫn luôn là một giây phút lịch sử với người yêu The Beatles. Có cả một cuốn sách chỉ nói về ngày họ gặp gỡ, hoàn toàn tự nhiên, không có sự sắp đặt của bất cứ ông bầu nào, ông bầu duy nhất của họ khi ấy là "số phận". Và đây chính là điều khiến The Beatles là một câu chuyện đặc biệt mà những nhóm nhạc ngày nay, chẳng hạn như BTS, dù nổi tiếng đến đâu, cũng sẽ không bao giờ có thể so được.

Những nhóm nhạc ngày nay gặp nhau trong những buổi audition, những cuộc thi ca hát của một ông trùm showbiz, những buổi tuyển trainee. Họ là một sản phẩm, không phải một câu chuyện thuần khiết do cuộc đời tự nhào nặn như The Beatles.

Họ không gặp nhau trong một buổi hội làng như John và Paul, rồi chạy sang nhà nhau tập nhạc và đi hát ở bất cứ xó xỉnh nào có thể hát, họ cũng không quen nhau trên một chuyến xe buýt như Paul và George. Họ cũng không "nhảy" nhóm như Ringo, chuyển từ nhóm "đắt giá" nhất Liverpool thời ấy sang The Beatles vì thấy bên đây sẵn sàng trả công hậu hĩ hơn chút đỉnh, đổi lại chỉ phải cạo râu và làm đầu.

Đến lúc tan rã trong cay đắng, ban nhạc vẫn mãi ám ảnh về nhau. Trong lần biểu diễn cuối cùng trước công chúng của John, John đã gọi Paul là "vị hôn thê năm xưa", rồi hát I saw her standing there, một sáng tác của Paul.

The Beatles không chỉ viết nhạc về tình yêu, chính câu chuyện của họ là hiện thân của tình yêu. Định nghĩa về The Beatles là gì? Nghệ sĩ vĩ đại nhất ư? Những nhà cải cách văn hóa ư? Tất cả đều đúng. Nhưng nói như Ringo cũng đúng, rằng The Beatles "chỉ là bốn anh chàng thực sự yêu thương nhau".

Ở phần đề tựa của cuốn Shout!, Norman đã kết lại bằng một nhận định của nhân viên truyền thông năm xưa của The Beatles, Derek Taylor, rằng The Beatles là "the greatest romance of 20th century", mà chúng tôi thống nhất dịch là "điều lãng mạn nhất của thế kỷ 20". Nhưng hiểu theo cách khác, nó cũng là "thiên tình sử vĩ đại nhất thế kỷ 20".

Lá thư âm nhạc: Ẩn ức của thế hệ rapper mới Lá thư âm nhạc: Ẩn ức của thế hệ rapper mới

TTO - Khi những nhân tố pop mới xoay vòng vài concept, cá tính âm nhạc nửa vời và thường xuyên bắt chước lẫn nhau, chỉ trong vài tháng, chúng ta chứng kiến một đợt sóng thần ập vào của thế hệ rapper mới, với tuyên ngôn âm nhạc dõng dạc và mạch lạc.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên