01/11/2020 11:36 GMT+7

Lá thư âm nhạc: Những vị khách không mời

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Từ sau Hồng Nhung, có lẽ phải đến rapper Hà Lê, nhạc Trịnh mới có một cách tiếp cận thực sự khác. Ở giữa hai mốc đó, người ta dù có làm mới theo kiểu gì thì cũng vẫn theo quan niệm cũ: nhạc Trịnh luôn bồng bềnh trong một cõi yên tĩnh, hoang vu.

Lá thư âm nhạc: Những vị khách không mời - Ảnh 1.

Nhà sản xuất Billy Wild (thứ ba từ trái sang) và êkip làm nên album độc đáo Uninvited Guests - Ảnh: The Globe and Mail

1. Nói thế không có nghĩa album Ở trọ của Hà Lê thì hay hơn Lênh đênh nhớ phố của Giang Trang, hay bản remix Huế - Sài Gòn - Hà Nội của anh đáng nghe hơn bản diễn tấu ca khúc ấy của hiện tượng Hoàng Trang mới nổi. 

Hà Lê lấy đi ở nhạc Trịnh cái cảm giác "hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc", lại đem vào đó những đoạn cao trào, bùng nổ, trái ngược hoàn toàn với nhạc Trịnh vốn chậm rãi và bình thản trôi qua như dòng nước. 

Tiếng nói nội tâm đặc trưng của nhạc sĩ cũng phải sẻ chia sân khấu với phần phối khí dụng công.

Nhưng dù Ở trọ được đánh giá là một sự cách tân độc đáo, đây đó vẫn có một vài bình luận: "vô hồn", "tôi chỉ nghe Khánh Ly", đòi "trả nhạc Trịnh về với nguyên bản". Dường như, với họ, nhạc Trịnh có tính thoát tục, "cao sang", thần thánh. Và đã là thần thánh thì không được phạm vào.

Dẫu vậy, ít ra nhạc Trịnh vẫn là thứ thường xuyên được đem ra thử nghiệm nên người ta cũng quen hơn. Sẽ ra sao nếu thế hệ nghệ sĩ đương đại tiếp tục remix cả Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn; sẽ ra sao nếu ngay những "đền đài" trọng vọng nhất của kinh điển cũng trở thành mục tiêu của rap, của reggae, của dream pop?

2.  Thị trường âm nhạc nước ngoài có cả một văn hóa là văn hóa remix.

Nói về sự "cao sang", có nơi đâu hơn Verve Records? Họ sở hữu nhạc mục của những tượng đài jazz như Ella Fitzgerald, Nina Simone, Stan Getz, Billie Holiday. 

Nhưng không hề tách mình khỏi dòng chảy đương thời, Verve Records xuất bản cả một chuỗi album Verve Remixed, đến nay có 6 phần, đưa những ca khúc thuộc hàng "standard" (tiêu chuẩn) vào không gian nhạc điện tử.

Có gì đó thật hồi hộp khi nghe giọng hát như ma ám, vừa cám dỗ vừa quỷ quyệt của Nina Simone trong I put a spell on you được "vũ trường hóa" với một bản remix tiết tấu nhanh, hay tiếng hát ngân nga như chim hót của Ella Fitzgerald trong Blue skies phải vật lộn trong biển âm thanh điện tử. 

Khó có thể nói những bản remix hay hơn bản gốc, nhưng cái cảm giác "thót tim" khi nghe chúng, luôn phải tự hỏi tiếp theo họ sẽ làm gì đây, thực sự giống một trò chơi mạo hiểm với thính giác. Và đây là điều cần thiết, bởi âm nhạc chưa bao giờ chỉ nên là những giai điệu xuôi tai.

3. Song ngay cả ở phương Tây, cây cầu giữa kinh điển và đương thời dù đã xây nên nhưng không phải ai cũng muốn bước qua.

Mới đây, những người tiếp nối di sản của cố nghệ sĩ piano Glenn Gould đã thực hiện album Uninvited Guests, nghĩa là "những vị khách không mời", trong đó mời một số rapper thu âm trên nền nhạc của Gould. 

Đó quả là những vị khách không được chào đón. Ai cần sự hiện diện của các rapper ở đây? Một khán giả gọi nhạc trap là thứ ô nhiễm tiếng ồn, và Uninvited Guests là sự bất kính với biểu tượng Glenn Gould.

Khoan chưa nói Uninvited Guests là một album tuyệt vời và tiếng đàn của Gould cùng phần beat các bản rap ăn nhập đến ngỡ ngàng như "tri kỷ vong niên", nhưng có lẽ vị khán giả ấy cũng đã quên rằng chính Glenn Gould cũng là một "vị khách không mời" của nhạc cổ điển.

Năm 24 tuổi, Glenn Gould gây chấn động nhạc đàn bằng một cách tiếp cận "quái đản" với âm nhạc của Bach. Ông bỏ pedal, đẩy tốc độ lên cao, khiến âm nhạc "rườm rà" của Bach trở nên sáng rõ. Có người nói vui chính ông đã tiên đoán ra văn hóa remix.

Ngầm trong mắt nhiều người, nhạc cổ điển vẫn là "quý tộc", còn nhạc thị trường chỉ là "thứ dân". 

Điều đó phần nào cũng đúng, nhưng như trong câu chuyện của Mark Twain, hoàng tử vẫn có thể gặp chú bé nghèo khổ, họ thậm chí hoán đổi vị trí với nhau, và nhờ vậy, hoàng tử đã nhìn thấy thế giới có thể như thế nào. 

Chẳng phải âm nhạc vẫn còn phát triển vì nó luôn được gõ cửa bởi những vị khách không mời như vậy?

Lá thư âm nhạc: Thuật Lá thư âm nhạc: Thuật 'thôi miên' của âm nhạc

TTO - Post Malone nói rằng ở tuổi 16, anh đã bắt đầu thấy UFO. Thực ra có lẽ anh cũng không cần nhìn đâu xa bởi bản thân anh chính là một 'vật thể' kỳ lạ bay trong thế giới âm nhạc.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên