Thứ 5, ngày 25 tháng 2 năm 2021
Lá thư âm nhạc: Ẩn ức của thế hệ rapper mới
TTO - Khi những nhân tố pop mới xoay vòng vài concept, cá tính âm nhạc nửa vời và thường xuyên bắt chước lẫn nhau, chỉ trong vài tháng, chúng ta chứng kiến một đợt sóng thần ập vào của thế hệ rapper mới, với tuyên ngôn âm nhạc dõng dạc và mạch lạc.

Rapper ICD, Hieuthuhai, GDucky - Ảnh: DUYÊN PHAN - VTV
1 Dế Choắt trưởng thành, hoài bão trong sáng, dễ gây thiện cảm. GDucky phức tạp hơn và khốc liệt hơn, sẵn sàng đi đến tận cùng những trạng thái cảm xúc bốc đồng nhất của con quái thú trong mình. ICD diễn cảm, tự sự, những bản rap như cắt ra từ nhật ký.
Hieuthuhai giải trí, hợp thị hiếu, có hào quang của một ngôi sao tương lai. Pháo "xéo xắt" một cách uyển chuyển, khó có thể làm nên chuyện lớn nhưng chắc sẽ tạo nên một ngách rất riêng cho mình.
Sự đa sắc của các thí sinh bước ra từ Rap Việt và King of Rap không thua kém gì một thời Vietnam Idol hay Sao Mai điểm hẹn là lò đào tạo những ngôi sao.
Cuộc "bút chiến" sôi nổi giữa những hội fan của Dế Choắt - GDucky hay ICD - RichChoi minh chứng rap sẽ là đời sống trung tâm của nhạc Việt trong thời kỳ tiếp theo.
Không còn đóng vai trò phụ họa trong bài hát của người khác, các rapper ngày nay đã có thể có những tác phẩm hoàn toàn độc lập.
Thế nhưng, việc hòa nhập rap vào văn hóa đại chúng sẽ có ý nghĩa gì?

Rapper Pháo và Dế Choắt - Ảnh: DUYÊN PHAN - VTV
2 Nếu như sự giành giật bản ngã của phần lớn những thế hệ rapper tại Mỹ, nơi khai sinh ra rap, đến từ sự dồn nén của việc làm người da đen sống trong một xã hội vẫn còn tàn dư tinh thần của chế độ nô lệ, thì với những rapper Việt ngày nay, ít nhất là theo diện mạo của các rapper trong hai cuộc thi lớn gần đây, nó lại đến từ sự dồn nén của chính việc làm một... rapper.
Một trong những ác mộng trong xã hội của chúng ta là theo đuổi một đam mê bị văn hóa chính thống dè chừng hay ghẻ lạnh.
GDucky có một đoạn rap ấn tượng về điều đó: "Suốt 12 năm đi học, gia đình và nhà trường luôn muốn nó phải miệt mài giơ tay. Nhưng không ai thỏa mãn tâm hồn thằng nhóc bằng cách dạy nó viết một bài thơ hay. [...] Nếu như rap là con đường bóng tối thì đó vẫn là con đường ta đi cả đời".
Cũng dòng cảm xúc bức bối ấy, ICD bộc bạch qua âm nhạc: "Từ bao giờ tôi không thể nói rằng tôi có ước mơ khác cơ mà? Giữa một dòng họ toàn thành tích học tập khủng tôi nên trả lời sao? Con muốn làm rapper à?".
Pháo đanh đá móc máy "miệng đời hiểm ác" luôn muốn hạ bệ nhạc rap: "Là chim sơn ca đang hát, hay cách khác là xướng ca vô loài". Một cách "ngụ ngôn" hơn là bản Chim sẻ và dâu tây, trong đó "dâu tây" Dế Choắt nhìn "chim sẻ" Wowy tập bay với rất nhiều đau đớn, nhưng dâu tây cũng khát khao được bay lên như thế.
Với các rapper Việt, giấc mơ không được chấp nhận chính là nguồn gốc của sự dằn vặt, niềm kiêu hãnh, cơn giận dữ. Giấc mơ gian khổ của họ là một lời nguyền, nhưng cũng là một phúc lạc. Sự chính thống hóa rap, vì thế, vừa hiện thực hóa giấc mơ của các rapper, nhưng cũng dập tắt xung đột chủ yếu làm nên nội tâm của họ.
Từ cuộc đối đầu giữa Khánh Nhỏ và cặp đôi Baby Red x Kenny Binh vào quãng hai chục năm trước đến cuộc cạnh tranh giữa Dế Choắt và GDucky tại mùa Rap Việt đầu tiên, có thể thấy những cuộc rap battle (rap chiến) đậm chất giang hồ từng khiến rap Việt bị coi như thứ âm nhạc hạ cấp giờ đã được chấp thuận trong một phiên bản thi tài kiểu khác, không những không theo "luật rừng" mà đôi khi còn rất trí thức.
3 Và có lẽ, một thế hệ rapper được nuôi dưỡng bởi truyền hình, được đưa lên thành ngôi sao đại chúng, thậm chí thành hình mẫu trưởng thành hay tấm gương vượt lên định kiến, tự nó đã chấm dứt lý do nó sinh ra.
Con đường rap không còn là bóng tối nữa, những ẩn ức về giấc mơ sẽ chấm dứt theo. Họ sẽ phải có những ẩn ức khác thay thế. Ta cùng chờ xem đó là gì.
-
TTO - Từ hôm nay, Tuổi Trẻ phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắcxin COVID-19" để tạo thêm nguồn lực tài chính trang trải cho chi phí về vắcxin và tiến tới bảo đảm đủ vắcxin để phòng chống dịch bệnh lâu dài cho toàn dân.
-
TTO - Đến nay đã có 10/13 tỉnh thành có dịch đợt này không ghi nhận ca mắc mới trong nhiều ngày. 1.804 người đã khỏi COVID-19, nhưng trong số bệnh nhân đang điều trị, 1 người đang ở tình trạng rất nặng.
-
TTO - Ngành y tế đề nghị cần sớm xã hội hóa vắc xin để mở rộng việc tiếp cận vắc xin của người dân. Ngoài ra, chiến lược “vắc xin + 5K” cần được thực hiện hiệu quả, không vì có vắc xin mà chủ quan, phải có thứ tự ưu tiên.
-
TTO - Phổi thủng như tổ ong, thở như cá mắc cạn, cơ thể cắm đầy thiết bị xâm nhập... là nỗi thống khổ mà hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trải qua trước khi trút hơi thở cuối cùng, theo lời kể của bác sĩ.
-
TTO - Đó là chia sẻ của anh Đoàn Văn Sơn (40 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) - người thân của nạn nhân tử vong do bị 2 thanh niên cướp giật túi xách tông xe trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP.HCM).
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận